Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

08:06, 13/06/2014

Những năm qua, phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa nói riêng và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) nói chung ở các địa phương trong tỉnh đã khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong toàn xã hội trong việc huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó nổi bật là phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa ở các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 320.437/403.981 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 79%), có 1.124/2.537 làng, thôn, xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa (đạt 44,3%).

Vùng quê xã Giao Hải (Giao Thủy).
Vùng quê xã Giao Hải (Giao Thủy).

Điều ghi nhận là với sự tập trung chỉ đạo và cách làm sáng tạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, phong trào TDĐKXDĐSVH ở các thôn, xóm, tổ dân phố đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Năm 2013, phong trào TDĐKXDĐSVH tại các huyện, thành phố tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, huyện Xuân Trường đã có 37.648 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, đạt 72,73%; 67% số thôn, xóm đạt danh hiệu Làng văn hoá; 91% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị có nếp sống văn hóa”. Đạt được kết quả trên, trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, huyện Xuân Trường đã có nhiều giải pháp triển khai và cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh như: kiện toàn ban chỉ đạo từ huyện xuống cơ sở, ban vận động TDĐKXDĐSVH của các xóm, thôn, tổ dân phố; hoàn chỉnh và bổ sung quy chế làm việc, phân công trách nhiệm của các thành viên trong ban chỉ đạo và tổ chức tập huấn cho ban chỉ đạo, cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở. Bên cạnh đó, công tác xã hội hoá trong việc xây dựng thiết chế văn hoá ở cơ sở được tăng cường. Riêng năm 2013, nhân dân các địa phương trong huyện đã đóng góp trên 3 tỷ đồng để xây dựng thiết chế nhà văn hóa. Tại huyện Giao Thủy, thực hiện Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 26-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp nhất phong trào TDĐKXDĐSVH với ban chỉ đạo cuộc vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư”, năm 2013, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện được kiện toàn, bổ sung đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu; phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện phong trào của Trung ương, của tỉnh tới các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn. Tỷ lệ gia đình văn hóa toàn huyện năm 2013 đạt 75,72%. Nhiều địa phương thực hiện đạt kết quả cao; tiêu biểu như các xã: Giao Hà, Giao Tiến, Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh, Giao An, Thị trấn Ngô Đồng. Phong trào xây dựng “Xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa NTM”, “Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” được các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Năm 2013, toàn huyện đã có 2 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM” là Giao Hà và Giao Phong; 39 khu dân cư được công nhận “Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa”; 208 xóm, tổ dân phố; 135 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa 3 năm 2012-2014. Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Hải Hậu với nhiều cơ chế đổi mới góp phần làm cho phong trào TDĐKXDĐSVH có nhiều chuyển biến tích cực; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của NVH xóm, tổ dân phố và xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa giai đoạn 2011-2015”.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của người dân dẫn đến sự biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống nên việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH gặp khó khăn. Cụ thể ở một số địa phương việc sinh con thứ 3 và một số tệ nạn xã hội chưa được khắc phục triệt để, những hủ tục phát sinh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vẫn để xảy ra. Qua thực tế triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở Giao Thủy cho thấy, bên cạnh một số địa phương thực hiện có nề nếp, đạt kết quả cao vẫn còn những xã không đạt mục tiêu đề ra, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xóm, thôn, làng văn hóa. So với các thôn, xóm trong xã Giao Tiến (Giao Thủy), đời sống kinh tế của nhân dân xóm 6 Quyết Thắng thuộc diện khá giàu. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy ở xóm 6 đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa bàn, gây hạn chế trong việc thực hiện phong trào xây dựng Làng văn hóa. Thời gian qua, được sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng đã tổ chức triệt phá các tụ điểm ma túy, vận động tuyên truyền, nhưng đối với các con nghiện, cứ sau cai lại tái nghiện... Đây cũng là nguyên nhân xóm 6 nhiều năm liền không đạt danh hiệu Làng văn hóa vì vi phạm tiêu chí “có người nghiện hút ma túy”.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH là ban chỉ đạo một số địa phương hoạt động còn hạn chế; chưa tranh thủ được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; thiếu chủ động, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện. Mặt khác, trong thời gian qua, phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" ở một số địa phương trong tỉnh còn nặng về hình thức, chạy đua về số lượng… Không ít làng, tổ dân phố, thôn, xóm được công nhận danh hiệu Làng văn hóa nhưng ý thức vệ sinh môi trường của một số người dân còn kém, vứt rác bừa bãi ra lòng, lề đường… Việc công nhận gia đình văn hoá ở một số đơn vị còn đại khái, qua loa, chưa chú trọng đến chất lượng. Đặc biệt là việc tước danh hiệu Làng văn hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, đến nay rất ít địa phương thu hồi, tước Bằng chứng nhận Làng văn hóa. Mặt khác nhận thức của một số cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa xác định đúng vai trò, vị trí của văn hóa; thiếu các biện pháp cần thiết để thực hiện việc xây và chống trên lĩnh vực văn hóa; chưa quy hoạch định hướng lâu dài cho việc phát triển văn hóa cùng với phát triển kinh tế. Việc đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hóa tuy có được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị cần nhận thức đúng việc xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, lành mạnh là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó, cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa tốt đẹp, lợi ích thiết thực của phong trào đối với cộng đồng và mỗi gia đình. Mặt khác, ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH ở các địa phương cần được củng cố, kiện toàn đủ số lượng và thật sự có chất lượng; xây dựng được nội dung tổ chức thực hiện phong trào trên cơ sở phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán ở từng địa phương, tránh sự áp dụng các nội dung một cách cứng nhắc, rập khuôn. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên bình xét phân loại, công nhận và khen thưởng danh hiệu văn hóa, tạo động lực để đẩy mạnh, nhân rộng, nâng cao chất lượng và đảm bảo tính bền vững của phong trào./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com