Phát huy giá trị văn hoá trong phong trào văn nghệ quần chúng

06:07, 05/07/2013

Qua 15 năm thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, di sản văn hoá dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các loại hình nghệ thuật truyền thống ở tỉnh ta từng bước được khôi phục và phát triển. Về nguồn nhân lực văn hóa, văn nghệ, thời gian qua, tỉnh ta đã chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, làm nền tảng phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Toàn tỉnh hiện có 200 cán bộ văn hoá xã được đào tạo đúng chuyên môn, trong đó có 7 cán bộ văn hoá xã có trình độ đại học, 146 cán bộ văn hoá xã có trình độ trung cấp.

Biểu diễn kèn đồng tại Ngày hội Văn hoá - Thể thao huyện Hải Hậu.
Biểu diễn kèn đồng tại Ngày hội Văn hoá - Thể thao huyện Hải Hậu.

Cùng với việc ban hành cơ chế chính sách, các ngành, địa phương đã chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác văn hoá, thể thao tại cơ sở. Toàn tỉnh có hàng trăm tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng phát triển ở tất cả các xã, thị trấn; trong đó, nhiều địa phương có nghệ thuật chèo phát triển lâu đời như: các xã Yên Nhân, Yên Cường, Yên Xá, Yên Ninh, Yên Phong (Ý Yên); Hoành Nhị, xã Giao Hà, Kiên Hành xã Giao Hải, Duyên Thọ xã Giao Nhân (Giao Thủy), làng Đặng, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc)… Huyện Ý Yên được xem là đất chèo của tỉnh với các làng chèo nổi tiếng như: Yên Phong, Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở tất cả các địa phương trong huyện đều thành lập các đội văn nghệ quần chúng, trong đó, nghệ thuật chèo và các nghệ nhân, diễn viên từ các gánh chèo là hạt nhân mang lời ca tiếng hát động viên thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Ngoài các trích đoạn chèo từ các tích cổ, đội văn nghệ của các xã tự biên kịch và dàn dựng các vở kịch có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống anh hùng dân tộc, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động giỏi. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nghệ thuật hát chèo ở Ý Yên từng bước được khôi phục và phát triển. Hiện nay, toàn huyện có trên 40 tốp, đội văn nghệ quần chúng phát triển ở tất cả các xã, thị trấn; trong đó có hơn 20 đội chèo truyền thống. Tại các đất chèo cổ như Yên Phong, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Chính, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy chèo cho con em trong làng và các vùng lân cận. Ở huyện Giao Thuỷ, tại các làng chèo Hoành Nhị (Giao Hà), Kiên Hành (Giao Hải), Duyên Thọ (Giao Nhân) những đội chèo, gánh chèo do các gia đình hoặc dòng tộc thành lập đã biểu diễn phục vụ mưu sinh, phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ. Hiện nay, cả huyện có trên 40 tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng phát triển ở tất cả các xã, thị trấn. Huyện Hải Hậu hiện có nhiều tổ, tốp, đội văn nghệ thuộc 35 xã, thị trấn và các cơ quan, xí nghiệp, mỗi tổ, đội gồm từ 15 đến 30 hạt nhân văn nghệ, được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang phục và nhạc cụ. Hằng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ngày hội VH-TT huyện Hải Hậu được tổ chức thu hút hàng ngàn diễn viên, vận động viên của 35 xã, thị trấn và cơ quan tham gia tranh tài những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá, văn nghệ dân tộc như: đi kheo, múa sư tử, trống cà rùng, kèn đồng... Qua đó cho thấy, phong trào văn hoá, văn nghệ ở Hải Hậu phát triển đa dạng ở nhiều loại hình nghệ thuật, có chiều sâu và diện rộng, tiêu biểu là các địa phương: Hải Châu, Hải Anh, Hải Tây, Hải Toàn, Hải Phúc, Hải Quang, Hải Phú, Hải Long, Hải Cường, Hải Bắc, Thị trấn Yên Định. Trong đó nhiều cá nhân là hạt nhân văn nghệ có khả năng tập hợp, tổ chức, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, sáng tác kịch bản, đạo diễn và biểu diễn; nhiều "giọng hát hay, tay đàn giỏi" ở khắp các thôn, xóm trong huyện từng nhiều lần đạt giải tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực. Có những xã chuyên về nghệ thuật chèo như: Hải Anh, Hải Tây, Hải Toàn, Hải Phúc, Hải Quang. Hải Hậu còn có thế mạnh về nhạc cụ kèn đồng với trên 100 đội kèn, mỗi đội gồm 35 đến 40 nhạc công. Tiêu biểu như đội kèn đồng nữ xã Hải Bắc được thành lập năm 2010, với 46 thành viên. Đội hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ, tự sáng tác và dàn dựng các chương trình hợp xướng kèn đồng, phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Trong nhiều năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương trong tỉnh tiếp tục được khơi dậy, phát triển. Nhiều tốp, đội các bộ môn nghệ thuật truyền thống hoạt động có hiệu quả. Tiêu biểu là CLB bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam chi hội tỉnh Nam Định, gồm 120 hội viên, là nghệ nhân, các nghệ sĩ hát văn, chơi đàn chuyên nghiệp; các nhà nghiên cứu; các nhà quản lý văn hoá; những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những người yêu thích nghệ thuật chầu văn. CLB có nhiệm vụ cụ thể là nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa nhằm tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nghệ thuật chầu văn; đào tạo và truyền dạy các bản văn cổ; quảng bá và giới thiệu nghệ thuật chầu văn tới công chúng trong và ngoài nước; xây dựng đạo đức nghề nghiệp; tìm kiếm tài trợ cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, học tập hát văn; tổ chức thực hành nghề và nâng cao năng lực cho hội viên. Hiện nay, toàn tỉnh có 6 CLB chầu văn hoạt động có hiệu quả như: CLB hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê Thị trấn Mỹ Lộc, CLB thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), CLB chầu văn huyện Ý Yên, CLB thơ ca - nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu… Hoạt động hiệu quả của các CLB chầu văn ở tỉnh ta góp phần thúc đẩy công tác lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với các chính sách quan tâm đầu tư phát triển các hạt nhân văn nghệ quần chúng, thời gian qua, ngành văn hoá thông tin các huyện Giao Thủy, Mỹ Lộc, Ý Yên, Nam Trực phối hợp với Nhà hát Chèo Nam Định mở lớp tập huấn cho các xã, thị trấn. Tại các đất chèo cổ, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy chèo cho con em trong làng và các vùng lân cận. Không ít “đội chèo gia đình” với sự tham gia của 3 thế hệ hoặc “đội chèo họ tộc” ngày càng khởi sắc. Đó là tín hiệu đáng mừng, thể hiện kết quả tích cực về công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ nói chung và công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc nói riêng./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com