Báo chí giải pháp là "đàn anh" của báo chí phanh phui

08:06, 21/06/2013

Bình luận, phân tích với những lý lẽ sâu sắc, gợi mở các giải pháp, đề xuất sáng tạo mới là “đại bác”, mới có sức “công phá” vào thế sự, nhân tâm để góp phần lay động, cảm hóa lòng người, làm chuyển động tình hình theo hướng tiến bộ hơn. Phanh phui cũng cần thiết. Nhưng báo chí giải pháp mới là “đàn anh” của báo chí phanh phui.

Báo chí giải pháp - báo chí nhân văn

Trong các đợt trao giải báo chí quốc gia (BCQG) những năm gần đây, hầu hết những tác phẩm báo chí đoạt giải cao là do biết cách khai thác đúng, trúng vấn đề mà công chúng quan tâm, có tính định hướng rõ ràng thông qua những giải pháp, kiến nghị, đề xuất đúng đắn, sáng tạo. Ví dụ mới đây nhất là loạt 5 bài phản ánh “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh” của nhóm tác giả Nguyễn Minh Phong, Hồ Quang Phương, Vũ Như Thăng, Nguyễn Huyền Nga (Báo Quân đội nhân dân) đã đoạt giải A Giải BCQG lần thứ VII - năm 2012 ở thể loại “Tin, bài phản ánh, phỏng vấn”. Theo đánh giá của TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải BCQG lần thứ VII - năm 2012, trong khi một số bài báo có ý thiên về phê phán thực trạng khó khăn của nền kinh tế nước ta trong những tháng đầu năm 2012, thì vệt bài “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh” đã chỉ ra những “nút thắt” cần tháo gỡ, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá cần giải quyết. Cách tuyên truyền này vừa mang tính phản biện khoa học, vừa đưa những giải pháp gợi mở ở cả tầm vĩ mô và vi mô đã giúp cơ quan chức năng và nhà quản lý có thêm thông tin để góp phần điều hành sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (tháng 10-2012). Ảnh: Xuân Thu
Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (tháng 10-2012). Ảnh: Xuân Thu

Những tác phẩm báo chí góp phần khơi thông các nguồn lực, sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng tiến bộ, văn minh được gọi là "báo chí giải pháp”. Nhà báo lão thành Hữu Thọ, một cây bút tên tuổi của giới báo chí Việt Nam cho biết: Báo chí cách mạng có trách nhiệm cao nhất là tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Dù phanh phui tiêu cực, lên án các tệ nạn xã hội hay các hủ tục lạc hậu cũng phải hướng tới mục đích xây dựng là chủ yếu. Và điều quan trọng là phải đề cập và chỉ ra phương hướng, cách thức giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm.

Còn nhà báo Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí có trách nhiệm đề xuất, gợi mở những điều có lợi cho quốc kế dân sinh, cho sự ổn định chính trị - xã hội, tạo sức mạnh niềm tin, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và hướng công chúng cảm thụ những giá trị chân - thiện - mỹ là báo chí nhân văn.

"Đàn anh” của báo chí phanh phui

Đất nước ta đang trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trước cơn lốc “toàn cầu hóa” có cả thời cơ thuận lợi và thách thức, khó khăn, đòi hỏi mỗi nhà báo phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt và công tâm về những thông tin mình đưa ra. Điều quan trọng nhất, dù thông tin nội dung gì cũng phải hướng tới và góp phần mang lại sự lạc quan, niềm tin yêu cho công chúng, cho xã hội.

Theo Thạc sĩ Vũ Thanh Vân, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, xã hội càng phát triển, công chúng càng mong muốn có những tác phẩm báo chí lành mạnh và báo chí giải pháp phải là dòng chảy chủ lưu của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Muốn vậy, báo chí dù đề cập đến vấn đề tiêu cực cũng phải được chiếu sáng dưới cái nhìn tích cực, nhân văn, không nên và không được bôi đen hình ảnh xã hội. Hơn thế, báo chí phải chỉ ra được những phương hướng, giải pháp để làm cho mọi điều trở nên sáng sủa hơn và góp phần nhân lên niềm tin cho công chúng.

Nhưng thời gian gần đây, dư luận tỏ ra rất bất bình trước tình trạng “lá cải hóa” của một số tờ báo, nhất là các ấn phẩm phụ trương và các trang mạng điện tử. Xu hướng thông tin giật gân, câu khách theo kiểu đào sâu vào 4T (tình, tiền, tù, tội), 3S (sốc, sex, scandal) và “cướp, giết, hiếp” đã làm méo mó hình ảnh xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Bên cạnh đó, một số người cầm bút, một số ít cơ quan báo chí lại thiên về phê phán, chỉ trích các mặt trái của xã hội, mà ít chú trọng đăng tải các bài giới thiệu, cổ vũ, tuyên truyền các nhân tố điển hình tiên tiến và những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước. Cách thông tin phiến diện, một chiều như vậy chỉ "lợi bất cập hại", làm giảm sút niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Đã gắn bó với nghề cầm bút, ai cũng mong muốn có những tác phẩm báo chí được công chúng đón nhận, dư luận quan tâm. Nhưng để khát vọng đó trở thành hiện thực, nhà báo không thể không coi trọng đến báo chí giải pháp. Vì đây là xu hướng tất yếu của một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Trong số các thể loại báo chí, nhiều nhà báo có tên tuổi đã đúc kết lại rằng, thể loại “sang trọng và trí tuệ nhất” vẫn là bình luận, phân tích và gợi mở giải pháp. Thấy cái xấu rồi phê phán bao giờ cũng dễ hơn đưa ra các giải pháp làm sao để ngăn ngừa cái xấu, không cho nó phát sinh, tái diễn và lộng hành. Điều tra cũng quan trọng, nhưng nó chỉ được ví như “súng trường, lựu đạn”. Bình luận, phân tích với những lý lẽ sâu sắc, gợi mở các giải pháp, đề xuất sáng tạo mới là “đại bác”, mới có sức “công phá” vào thế sự, nhân tâm để góp phần lay động, cảm hóa lòng người, làm chuyển động tình hình theo hướng tiến bộ hơn. Phanh phui cũng cần thiết. Nhưng báo chí giải pháp mới là “đàn anh” của báo chí phanh phui./.

Theo qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com