Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) trong thời kỳ mới

07:06, 15/06/2013

LTS: Như tin đã đưa, ngày 11-6-2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Báo Nam Định trích đăng một số phát biểu tham luận tại hội nghị.

Bài học kinh nghiệm của Hải Hậu trong việc “Đưa Nghị quyết vào cuộc sống”

Phạm Văn Chiến
Bí thư Huyện ủy Hải Hậu

Hải Hậu có 35 xã, thị trấn; dân số gần 30 vạn người (trong đó trên 40% đồng bào Công giáo). Từ năm 1978 đến nay, Hải Hậu 35 năm liên tục là "Điển hình văn hoá - thông tin cấp huyện của cả nước". Phát huy truyền thống văn hoá và triển khai thực hiện 5 quan điểm, 10 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp lớn nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Từ năm 1998 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 3 nghị quyết, 2 đề án chuyên đề, 5 hướng dẫn và một số cơ chế liên quan, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hoá trên địa bàn Hải Hậu. Trọng tâm là các nhiệm vụ và giải pháp sau: Chỉ đạo 100% các xóm, tổ dân phố (TDP) xây dựng và thực hiện hương ước, các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện quy ước, quy chế. Trong xây dựng hương ước xóm (TDP) đã coi trọng việc thực hiện và phát huy tính dân chủ trong xã hội, những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, những giá trị mới về văn hoá, các giá trị đạo đức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Hằng năm họp dân để bổ sung, điều chỉnh và tổ chức bình xét, biểu dương, khen thưởng. Coi việc thực hiện hương ước, quy chế, quy ước là tiêu chí quan trọng để xem xét cấp chứng nhận xóm, gia đình, cơ quan, đơn vị đạt nếp sống văn hoá.

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Hằng năm, các xóm (TDP) phát động thi đua thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", phong trào "Khu dân cư 5 không", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", các phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Giúp nhau xoá đói, giảm nghèo”... Từ năm 2007, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; từ năm 2011 gắn với phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", xây dựng xóm (TDP), gia đình NTM để chỉ đạo thực hiện. Cuối năm, vào dịp 18-11 (Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân) tất cả các xóm đều tổ chức ngày hội đánh giá 1 năm thực hiện cuộc vận động, trao danh hiệu cho các gia đình đạt tiêu chí văn hoá, đăng ký thi đua, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao thực sự là ngày hội của khu dân cư.

Thông qua thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hoá đã có những chuyển biến tích cực, các giá trị đạo đức được đề cao trong gia đình và cộng đồng. Tinh thần yêu nước, yêu quê hương, tính năng động, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện ngày càng được nâng lên, nhất là ý chí vươn lên xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, ý chí vươn lên nắm bắt khoa học kỹ thuật, tinh thần nhiệt tình, hăng hái trong lao động sản xuất, học tập đã trở thành nguồn nội lực to lớn góp phần quyết định hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Đến năm 2013, toàn huyện đã có: 299/546 xóm (TDP), 100% các trường học, cơ quan, đơn vị  và 72.000 gia đình đạt nếp sống văn hoá (bằng 80,34% tổng số hộ, tăng 257% so với năm 1998); có 76/143 giáo xứ, giáo họ đạt tiên tiến, 25.970 gia đình Công giáo gương mẫu và 32/37 chùa tinh tiến. 204/546 xóm (TDP) và 83,2% hộ gia đình đạt tiêu chí NTM. Toàn huyện bình quân đạt 15/19 tiêu chí NTM.

Đẩy mạnh xã hội hoá nguồn lực đầu tư xây dựng nhà văn hoá xóm (TDP) và tủ sách nhà văn hoá xóm. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá - thể thao, tăng cường giáo dục các giá trị truyền thống văn hoá, truyền thống cách mạng, xây dựng con người mới. Bằng cơ chế cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền quy hoạch, cấp đất, nhân dân trong xóm đóng góp xây dựng và con em quê hương ủng hộ kinh phí. Đến nay toàn huyện đã có 530/546 xóm (TDP) và 32/35 xã, thị trấn hoàn thành xây dựng nhà văn hóa xóm, TDP (đạt 97%). Đa số đảm bảo diện tích trên 500m2, sân thể thao, trang thiết bị, mua sắm bàn ghế, thiết bị âm thanh, vi tính nối mạng, trên 40% có tủ sách; nhiều NVH xóm (TDP) được xây dựng với kinh phí từ 350 đến trên 400 triệu đồng, có xóm trên 3 tỷ đồng (xóm 4, xã Hải Bắc).

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Ban Thường vụ Huyện uỷ Hải Hậu rút ra một số kinh nghiệm sau: Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong hoạt động kinh tế - xã hội và mối quan hệ gắn bó giữa hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế, giữa công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể với xây dựng con người mới XHCN. Cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo tập trung, thống nhất, dứt điểm, đồng thời đề cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, điều hành của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở; quan tâm đầu tư có trọng điểm cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá ngang tầm các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ khác ở địa phương. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá cả 3 lĩnh vực: cơ sở vật chất, lực lượng, tổ chức tham gia hoạt động và quản lý văn hoá. Cán bộ và nhân dân vừa là người sáng tạo, vừa là người tổ chức và tham gia các hoạt động, vừa là người hưởng thụ văn hoá. Phát động và duy trì phong trào thi đua XHCN. Coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, văn hóa cho cán bộ, đảng viên và đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá từ huyện đến cơ sở.

 

Sức lan tỏa từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”

Vũ Đình Khoa
Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 gắn với tư tưởng chỉ đạo của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”,“lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”, với sự nỗ lực của MTTQ các cấp, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, sự phối hợp, thống nhất hành động của các tổ chức thành viên và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân đã đạt được kết quả thiết thực, góp phần tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng khu dân cư về mọi mặt. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã được cụ thể hoá thành các phong trào thi đua mang sắc thái riêng của Nam Định, phù hợp tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, đáp ứng được yêu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, đó là các phong trào: “Xây dựng khu dân cư 5 không”; “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Xây dựng chùa tinh tiến”, “Ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”…

Cuộc vận động tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập Ban thanh tra nhân dân và duy trì hoạt động có hiệu quả, qua đó đã tham gia giám sát, phát hiện, kiến nghị trên 2.276 vụ việc ở cơ sở. Có 3.543/3.682 làng, thôn, xóm xây dựng được hương ước, quy ước, trong đó có 2.950 hương ước được phê duyệt. Nhân dân đã tích cực tham gia các hoạt động hòa giải ở khu dân cư, thành lập 3.543 tổ hòa giải, xây dựng các mô hình tự quản trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm ma túy… góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường dân chủ ở cơ sở. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trong việc giữ gìn trật tự, quốc phòng an ninh, ổn định chính trị ngay từ cơ sở. Năm 2012 có 1.676 khu dân cư văn hóa (đạt tỷ lệ 45,5%); 388.832 gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 68,5%), trong đó có 89.064 hộ gia đình Công giáo gương mẫu, 989 khu dân cư đạt “5 không”, 1.956 khu dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên, 2.040 khu dân cư không có tội phạm; trên 800 lượt giáo xứ, giáo họ đạt danh hiệu giáo xứ, giáo họ tiên tiến, 349 chùa đạt danh hiệu chùa tinh tiến đã khẳng định tính toàn dân, toàn diện và tính bền vững của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện cuộc vận động trong những năm qua còn bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục: Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động chưa đồng đều, chưa sâu sắc. Nhận thức về cuộc vận động trong hệ thống chính trị và nhân dân, kể cả trong đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở một số nơi chưa thật sâu sắc. Công tác tổ chức bố trí cán bộ đối với cán bộ Mặt trận ở một số địa phương, cơ sở chưa được quan tâm đầy đủ cả về số lượng và chất lượng. Sự chỉ đạo thống nhất đồng bộ giữa cuộc vận động với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của một số cấp uỷ Đảng, địa phương còn nhiều bất cập, sự quan tâm của chính quyền ở một số cơ sở chưa đồng đều, chưa thường xuyên nên có sự chồng chéo trong công tác chỉ đạo, phân công trách nhiệm không rõ ràng, hiệu quả còn hạn chế. Để tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 trong thời gian tới:

Thứ nhất: Đề nghị các cấp uỷ Đảng cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo ở các cấp để cuộc vận động có sự phát triển bền vững.

Thứ hai: Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa tính tích cực, tự giác và vai trò tự quản của các cộng đồng dân cư. Các nội dung của cuộc vận động cần có sự đổi mới cho phù hợp, sát yêu cầu của đời sống xã hội đặt ra, gắn với các phong trào cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn của từng địa phương. Tập chung xây dựng và nâng cao chất lượng, nhân rộng các điển hình, mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, hướng các hoạt động về cơ sở.

Thứ ba: Công tác chỉ đạo triển khai quy trình xây dựng, công nhận và giữ vững danh hiệu văn hoá ở khu dân cư cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan trong việc bình xét, công nhận các danh hiệu thi đua “Gia đình văn hoá”; “Khu dân cư văn hóa”, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm giám sát của MTTQ trong việc bình xét công nhận nhằm nâng cao chất lượng công nhận các danh hiệu thi đua trong cuộc vận động.

Thứ tư: Không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp, đặc biệt quan tâm hơn nữa đến việc củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận, vì đây là lực lượng nòng cốt, chủ trì trong việc triển khai cuộc vận động.

Thứ năm: Đề nghị Ban chỉ đạo và chính quyền các cấp quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa nguồn kinh phí cho hoạt động của Mặt trận các cấp. Hiện nay có nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào được thực hiện lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và đều giao cho MTTQ chủ trì mà không kèm theo cơ chế, điều kiện cần và đủ cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, dẫn tới nếu MTTQ làm hết trách nhiệm sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều nội dung triển khai hình thức, hô hào, vận động chung chung không mang lại hiệu quả./.

 

Phát triển văn hóa là nguồn lực nội sinh phát triển kinh tế - xã hội

Nguyễn Công Hiệp
Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp mang bản sắc Nam Định và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu những thành tựu văn hoá mới. Các hoạt động văn hoá đã góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng quan hệ ứng xử xã hội lành mạnh, văn minh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao tính tự giác của nhân dân trong việc thực hiện các nghĩa vụ công dân và luật pháp Nhà nước.

Đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã tạo bước chuyển biến tích cực, làm tiền đề cho các hoạt động văn hóa trên địa bàn, từng địa phương phát triển sâu rộng. Các giá trị văn hóa ngày càng tác động tích cực vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội; những giá trị văn hóa truyền thống trong giao tiếp, ứng xử được gìn giữ, phát huy. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, nghệ thuật quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Trong thời gian qua, Sở VH, TT và DL tham mưu thống nhất 2 BCĐ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để thống nhất từ tỉnh đến huyện. Việc thống nhất 2 BCĐ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành đã tạo điều kiện hoạt động hiệu quả cho phong trào. Bên cạnh đó, các văn bản quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu văn hóa đã được biên soạn lại trên cơ sở các văn bản của Trung ương và ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở, trong giai đoạn cả nước chung tay xây dựng NTM. Trong các nội dung được triển khai, ngành đặc biệt chú ý đến nội dung về: Quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đây là vấn đề được đặt ra nhiều nhất trong việc gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa hiện nay. Do đó, ngoài việc làm tốt công tác quản lý Nhà nước về nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, công tác tuyên truyền cũng không ngừng được đẩy mạnh. Đến nay, việc cưới, việc tang đã trở thành nề nếp, hạn chế nghi lễ hủ tục rườm rà, phức tạp. 100% xóm, phố, khu dân cư đã quy hoạch khu nghĩa địa, đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc thực hiện hương ước, quy ước ở các cấp đã được UBND tỉnh, BCĐ phong trào tỉnh chỉ đạo hướng dẫn thường xuyên.

Với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa được nâng cao, tạo thuận lợi cho công tác “xã hội hóa” các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh phát triển, huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hoá. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay với mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống trong mỗi tầng lớp nhân dân, dẫn đến sự biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống và tha hóa về tư tưởng với mức độ khác nhau, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn gặp khó khăn, việc sinh con thứ 3 và một số tệ nạn xã hội chưa được khắc phục triệt để, những hủ tục phát sinh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vẫn còn. Do vậy việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ở một số nơi vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định; mặt khác nhận thức của một số cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa xác định đúng vai trò, vị trí của văn hóa; thiếu các biện pháp cần thiết để thực hiện việc xây và chống trên lĩnh vực văn hóa; chưa quy hoạch định hướng lâu dài cho việc phát triển văn hóa cùng với phát triển kinh tế. Việc đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hóa tuy có được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Thời gian tới, ngành VH, TT và DL không ngừng nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm, nhiệm vụ và các giải pháp lớn của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, để Nghị quyết của Đảng đến với từng địa bàn dân cư, từng gia đình, từng người dân. Đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng quê hương Nam Định giàu đẹp, văn minh./.
 

Đảng bộ và nhân dân phường Trường Thi đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô th

Bùi Quang Động
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trường Thi,
TP Nam Định

Phường Trường Thi nằm ở phía tây nam thành phố, với diện tích 0,68km2, dân số chiếm 15.600 khẩu. Đảng bộ có 886 đảng viên (đa số là các đồng chí đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ về nghỉ chế độ tại địa phương) có bản lĩnh chính trị vững vàng, một số đồng chí nay tiếp tục tham gia công tác tại cơ sở. Từ nhiều năm nay, Đảng bộ và nhân dân trong phường luôn đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những thuận lợi, phường vẫn còn một số hạn chế tồn tại đó là: Đời sống cán bộ, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, đổ rác thải, phế thải ra đường, không đúng nơi quy định; một số khu dân cư, tổ dân phố vẫn còn tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, gia đình. Những tồn tại, hạn chế trên đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và thành phố, Đảng ủy phường Trường Thi đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn phường. Để có nghị quyết lãnh đạo sát, đúng, được triển khai có hiệu quả, BCH Đảng bộ phường Trường Thi đã phát huy dân chủ, tập trung thảo luận, kiểm điểm, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, đồng thời nghiêm túc làm rõ những nguyên nhân, lý do vì sao vẫn còn những hạn chế tồn tại như đã nêu trên. Từ đó, đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là, muốn có nếp sống văn minh đô thị thì trước hết phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có ý thức về nếp sống văn minh đô thị mới làm chuyển hóa căn bản được những suy nghĩ, hành động, việc làm chưa đúng đang diễn ra trên địa bàn phường. Vì vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và cả hệ thống chính trị, phải tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định về nếp sống văn minh đô thị, trật tự đô thị, về Luật Giao thông đường bộ và cách ứng xử văn hoá trong cộng đồng.

Hằng năm, phường đã phát động các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và tích cực hưởng ứng đợt thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng” do thành phố phát động một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm và coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và phong trào thi đua cuối năm. Trong kế hoạch tổ chức thực hiện, UBND phường đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và được triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng, kiên trì đối với các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, trật tự giao thông, VSMT. Phường đã tổ chức hội nghị phát động thi đua và ký giao ước thi đua với 39 chi bộ, 44 tổ dân phố về xây dựng tuyến phố văn minh, không có rác thải; tổ chức ký cam kết với 4.500/4.500 hộ dân với nội dung: Hộ gia đình và các thành viên trong gia đình không lấn chiếm đất công, không xây dựng trái phép, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, không đổ rác thải, phế thải ra đường, không đúng nơi quy định, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, không mất đoàn kết trong gia đình và khu dân cư... Thành lập 92 nhóm liên gia “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”; Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường đã đăng ký đảm nhận tuyến đường tự quản về VSMT. Hằng tuần tổ chức xuống đường để kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình và cá nhân thực hiện nghiêm các nội dung đã cam kết. Thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, 44/44 tổ dân phố đã bàn, xây dựng quy ước nếp sống văn hóa và được UBND thành phố phê duyệt. Hằng năm, các tổ dân phố, hộ gia đình đăng ký xây dựng tổ dân phố văn hóa và gia đình văn hóa. Kết quả, đến nay trên địa bàn phường đã có 34 tổ dân phố và 3 cơ quan, đơn vị được UBND thành phố công nhận tổ dân phố và cơ quan văn hóa. Qua bình xét hằng năm, 85 đến 90% hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”.

Từ những việc làm trên, cán bộ và nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định về nếp sống văn minh đô thị, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Phát huy những kết quả trên, Đảng ủy, UBND và cả hệ thống chính trị phường Trường Thi tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị để góp phần cùng Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com