Báo chí của người Việt tại Matxcơva - Liên bang Nga

06:07, 06/07/2012

Năm 1981, Hiệp ước Hợp tác Lao động ký kết giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô được thực hiện. Trong khoảng 10 năm đầu trước khi Liên Xô tan rã, có khoảng 210.000 người Việt lao động rải rác khắp Liên bang Nga và các nước Cộng hoà.

Khi Liên Xô sụp đổ, Hiệp ước Hợp tác Lao động mặc nhiên kết thúc do hàng loạt xí nghiệp bị đóng cửa, nhiều nhà máy đứng bên bờ vực thẳm phá sản, không có lương cho công nhân. Chừng một nửa số người Việt vẫn được các nhà máy lo được vé về nước, số còn lại bám trụ sinh sống và hòa nhập vào nước Nga thời mở cửa. Họ kinh doanh, buôn bán, chuyển sang sống tập trung tại các Thương xá như Búa Liềm, Đôm 5 Cũ, Đôm 5 Mới, Bến Thành, Sông Hồng, Togi, Voikov... Những nơi tập trung sinh sống, buôn bán này thực sự là một xã hội Việt Nam thu nhỏ, tồn tại suốt trong hai chục năm qua.

Người Việt thời hậu Xô viết hiện sống tập trung trên đất Nga ở các thành phố lớn như Matxcơva, Xanh Peterburg, Volgagrat, Xvetlov, Kazan, Upha...; một bộ phận nhỏ khác sống ở Ukraina, Belorus; còn các nước cộng hoà Trung Á thì thưa thớt. Có tới gần 90% người Việt tại Nga sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán ở chợ. Đặc điểm về cộng đồng nói trên là cơ sở tạo nên bức tranh báo chí, thông tin của người Việt ở Nga.

Nội dung của các tờ báo hiện đã cập nhật nhiều thông tin thời sự, hấp dẫn.
Nội dung của các tờ báo hiện đã cập nhật nhiều thông tin thời sự, hấp dẫn.
Ảnh: Internet

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, báo chí Việt ngữ ở Nga được tiếp nhận từ hai nguồn. Hoặc từ trong nước gửi sang như các tờ: Nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Phụ Nữ, Công an nhân dân... và tờ tạp chí Đất Nước duy nhất của Đại sứ quán xuất bản hằng tháng.

Thời điểm này người Việt ở Nga rất thiếu thốn thông tin: Internet chưa có, kênh VTV4 chưa khai thông, điện thoại chưa phát triển và đại đa số người Việt không đọc được báo trực tiếp từ tiếng Nga, không nghe được đài Nga. Những tờ báo trong nước dù được gửi sang theo đường công văn muộn đến cả tháng vẫn vô cùng quý giá với cộng đồng người Việt.

Đến năm 1993-1994, tình hình đổi khác, nhiều Hiệp hội của cộng đồng như: Hội Doanh nghiệp, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật và sau này là Hội Người Việt, Hội Người Việt định cư... ra đời kéo theo sự xuất hiện dòng báo của các tổ chức Hội. Các tờ Người Bạn đường, Doanh nghiệp và Thị trường, Thông tin và Thời đại, Khoa học và Cộng đồng, Hoa đào Xứ tuyết… được coi là những tạp chí nghiêm túc mang tính nghề nghiệp và có tính xã hội rất cao. Những tạp chí này cùng với báo Đất Nước của Đại sứ quán đã trở thành dòng báo chính thống, cung cấp thông tin thiết thực, kịp thời trong giai đoạn khởi đầu của một cộng đồng có tổ chức.

Năm 1992, có một Trung tâm Thương mại người Việt lớn nhất ở Liên bang Nga ra đời - đó là Đôm 5 Mới. Nơi đây tập trung hàng nghìn người ở và hàng chục ngàn tiểu thương từ các thành phố khác lên kinh doanh buôn bán. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tờ báo đầu tiên của cộng đồng có tên là Vạn Sự đã ra đời và được cộng đồng nhiệt thành đón nhận. Tờ Vạn Sự dày 8 trang A4, in dưới dạng photocopy, cung cấp thông tin thời sự dịch từ các báo Nga và lấy lại từ các báo trong nước, phản ánh tin tức thị trường, quảng cáo phục vụ cho những người kinh doanh tại chợ.

Sau khi Vạn Sự ra đời, dịch vụ báo chí của người Việt ở Liên bang Nga phát triển rất mạnh. Các tờ báo cộng đồng tiếp theo ra đời như Bưu Điện, Việt Báo, For You, Nhật Báo, Thời Báo Matxcơva, Tin Nhanh, Phụ Nữ, Lá cải... Các tờ báo này ngày càng dày dặn hơn và mang tính cạnh tranh quyết liệt. Vào thời điểm thịnh vượng nhất, khi chợ Vòm, Xaliut 2, Xaliut 3, Sông Hồng... còn tồn tại, các tờ báo đã bán ở khắp 16 ốp chợ, đến tận các điểm người Việt sinh sống với số lượng phát hành của mỗi báo là khoảng 2.000 tờ với giá khoảng 1 USD. Trừ các chi phí in ấn, phát hành, máy móc, mặt bằng… người làm báo vẫn có thu nhập khá.

Hiện ở Matxcơva có 6 tờ báo tồn tại song song với hình thức như nhau là Nhật Báo, Nhân Hòa, Ngày Mới, Tin Tức, Niềm tin, Tin Tức Thị Trường và Tuổi Trẻ. Để tăng sự cạnh tranh, một vài tờ đã sáp nhập lại là Ngày mới- Nhân hoà, Lá cải - Nhật báo. Nội dung của các tờ báo hiện giờ vẫn tiếp tục đi theo truyền thống trước đây, nhưng đã kịp thời bổ sung nhiều phần phù hợp với tình hình thực tế của thời kỳ bùng nổ thông tin Internet.

Từ năm 1992 đến năm cuối 1997, các tờ báo đều được làm chế bản tại nhà riêng, sau đó được mang đến hiệu photocopy thuê in ra và người phát hành mang đến các ốp chợ để bán.

Từ năm 1998 đến nay, hầu như các chủ báo đều mua máy in riêng đặt tại nhà. Máy in riêng công nghệ mới giá chỉ chừng 10 ngàn đô la, gọn nhẹ được đặt ngay trong phòng ở. Khi chế bản xong, in và đóng bìa ngay tại chỗ. Mọi việc đều phải làm trong đêm, từ 1 giờ sáng mới có thông tin mới. Tin tức bây giờ rất nhiều, vấn đề là chọn bài. Vì là báo cạnh tranh, nên các báo đua nhau khai thác về các đề tài hình sự, pháp luật. Có những báo nhìn vào chỉ thấy mại dâm, đâm chém, trộm cướp, lừa đảo... mà vắng bóng những thông tin thời sự nổi bật. Hình thức câu khách này đã làm tổn hại tới uy tín chung của các tờ báo. Do chạy theo thị hiếu giật gân của khách hàng, nên việc định hướng mang tính nghề nghiệp của báo chí vẫn còn vắng bóng đối với những tờ báo cộng đồng. Ngoài các tờ báo giấy, trong 6 năm trở lại đây, ở Matxcơva ngoài các trang mạng kinh doanh đã xuất hiện 5 trang website có uy tín. Khởi đầu là trang nguoibanduong.net của Hội Văn học Nghệ thuật, sau đó là mekongnet.ru của Công ty Zolotoi Drakon. Các trang hoidoanhnghiep.ru, hoinguoiviet.ru, baonga.com luôn được cải tiến giao diện, cập nhật rất kịp thời những thông tin thời sự nóng bỏng nhất. Những trang này có số lượng truy cập lớn, những người phụ trách đều là những trí thức có kinh nghiệm và có thâm niên về nghề báo. Đặc biệt các trang này, ngoài việc đăng tải các thông tin chung trên mạng, còn có nhiều bài dịch thiết thực về thời sự, xã hội, hướng dẫn pháp luật nước sở tại và những bài viết về hoạt động đa dạng của cộng đồng.

Nhà thơ Châu Hồng Thuỷ, Thu Trang, Võ Hoài Nam, Ngô Tiến Điệp... là những cây bút thường trực của các báo cộng đồng và là những cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo trong nước.

Từ năm 2007, tạp chí Đất Nước không còn in theo dạng nguyệt san nữa mà thay vào đó là sự ra đời của Tuần tin Đất Nước với những bước cải tiến rất quan trọng, Tuần tin Đất Nước trở thành một bản tổng kết tin tuần đa chiều rất hữu ích. Nó chọn lọc một cách bài bản những vấn đề thiết thân nhất cho những cán bộ Sứ quán, những người hoạt động xã hội trong cộng đồng nắm được đầy đủ những thông tin mọi mặt trong tuần. Với sự nhanh nhạy đó, Tuần tin Đất Nước đã giành lại được uy tín của một tạp chí hàng đầu trước đây của cộng đồng người Việt tại Nga.

Những người làm báo Việt ở Matxcơva là những người rất có công với cộng đồng trong việc cung cấp thông tin. Những sự kiện bão lụt, thiên tai, những cuộc phát động, tài trợ các hoạt động từ thiện trong nước đều cập nhật đầy đủ, nhờ thế mà bà con cộng đồng kịp thời nắm bắt và thực hiện các chủ trương, chính sách kịp thời.

Cùng với đại diện thường trú TTX Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, VTV4, là hệ thống truyền thông chủ lực, chính ngạch, báo chí của cộng đồng người Việt tại Matxcova - Liên bang Nga đã có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thông tin, trao đổi và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, văn hoá, góp phần liên kết cộng đồng.

Trong hai chục năm qua, Đại sứ quán, Đảng uỷ và Ban Công tác cộng đồng đã kịp thời phát hiện những sai sót khi tác nghiệp, có những định hướng, chỉnh sửa để động viên, hướng dẫn những tờ báo đi đúng hướng, như cách nói của ngành truyền thông là "chạy theo đường ray, bay theo quỹ đạo", để ngày càng có tác dụng tích cực vào công việc làm ăn và sự ổn định cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com