Hoạt động của mô hình Trung tâm VH-TT cấp huyện

09:06, 29/06/2012

Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố thành lập Trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT) là: Thành phố Nam Định và các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Ý Yên. Qua quá trình hoạt động, các Trung tâm VH-TT đã thực hiện có hiệu quả chức năng tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.

Trung tâm VH-TT huyện Hải Hậu tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, giải trí của nhân dân trong huyện.
Trung tâm VH-TT huyện Hải Hậu tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, giải trí của nhân dân trong huyện.

Trung tâm VH-TT huyện Giao Thủy được thành lập năm 2010, đã tổ chức nhiều giải thi đấu TDTT và phát động các phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên thể thao, văn hóa, tập hợp được nhiều cộng tác viên hạt nhân làm nòng cốt để đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đều thành lập các CLB TDTT. Toàn huyện có hơn 40 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên; hơn 29% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; 16,14% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Huyện Xuân Trường, từ khi Trung tâm VH-TT huyện đi vào hoạt động từ năm 2010, đã thực hiện có hiệu quả việc khôi phục và phát triển các bộ môn thể thao truyền thống của quê hương như: bơi chải, vật. Để nhân rộng và phát triển môn bơi chải trở thành thế mạnh của địa phương, Trung tâm đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo 20 xã, thị trấn trong huyện huy động các nguồn lực trong nhân dân và nguồn ngân sách địa phương thành lập các hội bơi chải. Ngoài ra, huyện Xuân Trường còn là cái nôi của môn vật cổ truyền, hiện Trung tâm VH-TT huyện đã thành lập 15 CLB võ thuật, mỗi CLB khoảng 50 hội viên. Nhiều võ sinh được các HLV tuyển chọn, bồi dưỡng, đồng thời phối hợp với bộ môn vật của Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định nâng cao kỹ năng, chiến thuật nhằm đạt kết quả cao trong các giải đấu của tỉnh và của huyện. Thành lập năm 2009, Trung tâm VH-TT huyện Hải Hậu đã tạo điều kiện cho nhân dân tham gia các hoạt động. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Trung tâm phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức Ngày hội VH-TT với hàng ngàn diễn viên, vận động viên của 35 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị tham gia tranh tài ở các môn thể thao như bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng; những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: đi kheo, múa sư tử, trống cà rùng, kèn đồng và hội diễn văn nghệ quần chúng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, các Trung tâm VH-TT cấp huyện còn những hạn chế về cơ sở vật chất, tổ chức cán bộ, cơ chế tài chính. Trong 6 Trung tâm VH-TT cấp huyện đã thành lập, chỉ có 2 huyện được đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng, bước đầu đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT, sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương. Công tác thư viện đều rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả, cơ sở vật chất khó khăn, số lượng, chủng loại đầu sách nghèo nàn, công tác phục vụ bạn đọc đơn điệu. Số lượng độc giả vốn đã ít, phần lớn là đối tượng hưu trí, người cao tuổi nay càng giảm vì không có phòng đọc cố định, toàn bộ đầu sách bị “đóng” vào kho.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hoá, Trung tâm VH-TT cấp huyện cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong quá trình phát triển văn hóa nông thôn. Đặc biệt, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện những giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng. Tăng cường đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, từng bước triển khai công tác tin học hoá thư viện, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thư viện. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, TDTT và nhân rộng mô hình xã hội hoá công tác thư viện tại các Trung tâm VH-TT các huyện, thành phố./.

Bài và ảnh: khánh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com