Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam - Thắm tình dân tộc anh em

08:05, 05/05/2012

Không còn những bỡ ngỡ của thuở ban đầu khi Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức ra mắt 3 năm về trước, bây giờ, đến với nơi này, thật sự cảm nhận không khí ấm cúng của mái nhà chung, nơi 54 dân tộc anh em cùng hội tụ, khoe sắc. Đặc biệt, chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam vừa qua đã làm thoả lòng du khách gần xa muốn được tìm hiểu nét văn hoá của các dân tộc trên dải đất Việt, được hoà vào dòng chảy văn hoá đa sắc màu và những tình cảm thắm thiết của bà con.

Khoe sắc chợ vùng cao

Đúng như nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản liên hoan văn hoá các dân tộc Việt Nam đã hứa hẹn từ trước, nét đặc sắc của hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm nay chính là việc tái hiện lại phiên chợ vùng cao phía Bắc. Dù chỉ là một trong chuỗi hoạt động của Liên hoan văn hoá dân tộc nhưng từ khi chưa bắt đầu cho tới lúc tàn canh, phiên chợ đã kéo rất đông du khách tới tham dự. Lần đầu tiên một phiên chợ vùng cao được tái hiện ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Phiên chợ đã phô bày những nét văn hoá độc đáo của từng dân tộc và tấm tình của kẻ bán người mua.
Phiên chợ lần này có sự góp mặt của 6 cộng đồng dân tộc anh em gồm Mông, Dao, Mường, Thái, Tày và Nùng. Các gian hàng bày biện đơn giản, giới thiệu tới du khách tất cả những đặc sản của từng dân tộc, đó đều là những sản phẩm do chính bàn tay bà con làm ra. Quầy hàng của Đặng Thị Luyến, dân tộc Dao đến từ bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La có mật ong rừng, túi thổ cẩm, rau ngót, rau bò khai, Luyến cho biết đây đều là những sản phẩm mà cô cùng các bạn đã vào tận bản để tìm và mang ra đây giới thiệu tới mọi người. Đó là những sản vật quý của dân tộc cô từ bao đời nay.

Sân khấu của Đêm tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4. Ảnh: PV
Sân khấu của Đêm tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4. Ảnh: PV

Gần quầy hàng của Luyến, một quầy hàng nhỏ khác với vài chiếc chiếu được trải ra, mâm cơm với đặc sản lợn quay kéo rất đông thực khách nam. Miếng thịt lợn thơm giòn ấy là đặc sản của xứ Lạng được cô gái Má Thị Dung, dân tộc Nùng ở Lạng Sơn mang đến. Cô cho biết, trước khi về đây, đoàn của cô đã lùng cho được con lợn do chính đồng bào nuôi. Và ngay từ sáng sớm, các thành viên trong đoàn đã dậy mổ lợn và chuẩn bị mọi công đoạn cho món thịt quay.

Không chỉ vậy, đến với phiên chợ, du khách còn được tận mắt chứng kiến đồng bào dân tộc Mông nấu thắng cố, món mèn mén, xôi ngũ sắc. Người phụ nữ Mông luôn tay luôn chân chuẩn bị các món ăn và bày biện các thức trên chiếc bàn vuông nhỏ mời bà con về chơi chợ ăn thử. Còn chồng chị, tay đảo thoăn thoắt nồi thắng cố trên bếp lửa hồng. Một vài thực khách tò mò hỏi bí quyết món ngon, đôi vợ chồng người Mông vui vẻ tiết lộ, ánh mắt không giấu nổi niềm tự hào về đặc sản quê mình.

Những lời trao đổi tâm tình như thế làm cho không khí phiên chợ thực sự ấm cúng. Góc kia, chị Vàng Thị Mai, dân tộc Mông đến từ Cao nguyên đá Đồng Văn tay thoăn thoắt dệt lanh thổ cẩm bên khung cửi, miệng vui vẻ khoe các sản phẩm dệt từ lanh như khăn thêu, túi, ví do dân tộc chị làm ra đã xuất khẩu đi nhiều nước, làm tăng đáng kể thu nhập của đồng bào. Góc này, chị Nguyễn Thị Hạnh, dân tộc Nùng, Lạng Sơn lại rạng rỡ với chiếc bánh khảo đủ màu sắc và không quên giới thiệu các công đoạn để làm ra bánh, từ khâu chọn gạo, rồi giã bằng tay để bánh được thơm ngon.

Dù không phải là một phiên chợ vùng cao nguyên bản, nhưng tinh thần của một phiên chợ vùng cao, nơi đồng bào giao lưu, trao đổi sản phẩm do mình làm ra, cũng là nơi để tâm tình, chia sẻ những câu chuyện cuộc sống thì vẫn vẹn nguyên.

Và mong ước trong mái nhà chung

Cùng chung vui trong Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc không giấu nổi sự xúc động khi được quy tụ về đây, giới thiệu tới anh em bạn bè nét đặc sắc văn hoá của dân tộc mình. Mỗi người lại có một niềm vui, một ước vọng riêng để đóng góp cho sự phát triển và hoàn thiện hơn nữa của mái nhà chung nơi đây. Nghệ nhân Akut, dân tộc Bana đến từ xã Hmom, tỉnh Kon Tum bảo, từ khi có Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, nhiều chính sách bảo tồn văn hoá đã đến với bản làng anh. Trước kia ai cũng lo làm kinh tế, không có người dệt vải, trồng bông, làm chiêng và cả chỉnh chiêng nữa. “Văn hoá của mình là rất quý mà đánh mất đi thì chính là tự giết mình” - anh nói. Nhưng vài năm trở lại đây, tình hình đã đổi khác. Anh em trong dòng họ Akut đã bảo nhau học đánh chiêng, chỉnh chiêng bởi biết rằng, mình sẽ có cơ hội được ra Hà Nội, được khoe nét đẹp văn hoá của mình với đồng bào các dân tộc anh em. Akut rất mong rằng, dân tộc anh em sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn nữa để được giao lưu như thế này bởi đó là động lực quan trọng thúc đẩy bà con có ý thức giữ gìn nét văn hoá đặc sắc của mình.

Còn nghệ nhân Thào Thị Chúa, dân tộc Mông đến từ Mèo Vạc, Hà Giang vui mừng khi lần đầu được về Hà Nội và được thấy ngôi nhà của người Mông nơi đây. Tuy vậy, bà Chúa cũng bày tỏ rằng, dân tộc Mông vốn có truyền thống trước khi bước vào nhà đều thắp nén nhang cho tổ tiên, nhưng đến đây, đoàn của bà chưa làm được điều đó. Thêm nữa, bà cũng hy vọng không gian của dân tộc bà sẽ sát thực hơn nếu được đầu tư thêm bàn uống nước hình vuông, ghế dài… Bà Chúa cho biết, sẵn sàng tặng hai Khu làng những hiện vật cổ của người Mông mà bà đã sưu tầm được trong những năm qua như thìa gỗ, tô gỗ, bộ quần áo cổ, cối giã ớt…

Với lời hứa góp sức xây dựng cho ngôi nhà chung như thế này, tương lai không xa. Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam sẽ thực hiện được như mục tiêu đề ra rằng nơi đây thực sự là mái nhà chung, nơi các chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình./.

Theo: dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com