Mộc mạc đời tre

01:05, 04/05/2012

"Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con...”

(Thơ Nguyễn Duy)

Từ bao đời nay, cây tre đã gắn bó, thâm nhập vào đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của người Việt Nam chúng ta. Hình tượng Thánh Gióng lẫm liệt trên lưng ngựa sắt nhổ bụi tre đằng ngà phá tan giặc Ân đã đi vào tâm thức của mỗi người Việt Nam. Cho đến những chiếc gậy tầm vông vạt nhọn thời kháng chiến chống Pháp, bẫy chông tre, rào chiến đấu thời kháng chiến chống Mỹ đã góp phần vào thắng lợi, thống nhất đất nước. Ấp ủ trong lòng mỗi người là cội nguồn quê hương với giếng nước, cây đa và lũy tre làng. Tiếng giường tre kẽo kẹt hòa cùng lời ru của bà, của mẹ dìu dặt đưa tuổi thơ vào giấc ngủ thơm nồng cổ tích, mát bóng lá xanh. Trong bài "Tre Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Duy có những câu thật đằm thắm, man mác hồn quê "Tre xanh xanh tự bao giờ/ Truyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi...”. Suốt bốn mùa tre luôn xanh, mặc cho mưa dầm nắng cháy, đất khô cằn hoặc oằn mình nghiêng ngả trước giông bão ngày đêm. Tre không mỹ lệ, cao sang mà vững vàng bình dị vờn đưa theo gió, xào xạc dưới trăng, là cảm hứng cho thi nhân, là cầu nối tình cảm, lương duyên đôi lứa...

Ảnh minh họa / Internet
Ảnh minh họa / Internet

Nghĩ lại, tre giống như đời sống người dân quê. Cực khổ, gian nan là thế, vẫn bám vào mảnh đất quê hương, cho dù bạc màu, cằn cỗi. Những mầm non xơ cứng, dẻo dai ngoi lên từ mặt đất nứt nẻ, âm thầm mà mạnh mẽ sinh sôi những búp măng nần nẫn non tơ tiếp nối đời tre. "Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con... (thơ Nguyễn Duy). Măng tre còn là thực phẩm, dùng chế biến các món ăn ngon. Những vật dụng từ tre ung dung đi vào từng nhà, đi suốt thời gian sống, cống hiến hết mình qua nhiều thế hệ. Từ cây cầu tre lắt lẻo, rui, mè, kèo, cột... cho đến rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng... cùng biết bao phương tiện kiếm sống truyền thống như nơm, lờ, lọp, vó, đăng..., kể sao cho hết. Và gần như buổi đầu đời, háo hức tự nhiên của chúng ta là đôi đũa tre. Lên ba tuổi đã bắt chước người lớn ăn cơm bằng đũa khiến hạt cơm vung vãi. Rồi cũng quen dần, thành thạo dùng đũa cặp gắp các loại rau chấm mắm kho, nếm cho đủ đầy hương vị. Kỷ niệm tuổi thơ với bó đũa tre vừa tay, vuốt nhẵn để cùng đám bạn tụ tập góc vườn chơi trò đánh đũa, cười đùa hát khúc đồng dao. Leo trèo, phá phách bị cha đánh đòn bằng cây roi tre mảnh mai mà đau vừa đủ nhớ. Xuống bếp nghịch lửa, khều than nướng con cua đồng, con cá bống sao... thì được mẹ "thưởng” cho một cán đũa bếp bằng tre thay cho lời mắng. Thì ra cây tre qua chế biến cũng đa dạng và hữu dụng quá!

Thường các loại cây khác theo quy luật hằng năm ra hoa kết quả, tre lại khác. Nghe nói thời gian bằng một đời người, tre mới ra hoa một hay vài ba lần rồi lụi tàn. Nhiều năm trước đi chơi Châu Đốc, khi dừng ở chân núi Cấm được người địa phương chỉ cho xem hoa tre. Nhìn bụi tre xa xa lưng chừng núi, lá rụng trơ trụi, chĩa ngọn lên trời giữa chập chùng đá tảng, những chùm hoa khô khốc màu đất lắt lay, tôi chợt thấy sức sống đời tre bền bỉ chẳng kém đời người được gọi là gan góc...

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com