Tinh hoa dân tộc - Phong tục thờ cúng tổ tiên

09:01, 22/01/2012

Thờ cúng tổ tiên là phong tục tốt đẹp có từ xa xưa và luôn được lưu giữ, kế thừa trong mỗi gia đình người Việt. Phong tục thờ cúng tổ tiên mang đậm tính văn hóa, tính giáo dục và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Dù hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu như nhà nào cũng dành một chỗ trang trọng nhất để đặt bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên có thể cầu kỳ hay đơn giản tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình. Nhà nghèo có thể là một tấm ván nhỏ gắn trên vách, còn nhà giàu có thể là cả một gian thờ và thường là gian chính giữa hay gian ngoài cùng. Ngày nay, nhiều gia đình còn đưa gian thờ lên lầu cao để cách biệt với cuộc sống đời thường. Ngoài cùng gian thờ thường có một khoảng trống để con cháu ngồi làm lễ. Tiếp đến là một cái hương án, chính giữa có đặt lư hương, hai bên là đèn và độc bình. Nhà khá giả còn có đôi hạc bằng đồng hay bằng gỗ quý và một số đồ thờ đắt tiền khác. Trong cùng là bàn thờ tổ tiên, có đặt bài vị và ảnh của người quá cố. Có gia đình còn treo lên trên một bức hoành phi và hai bên là đôi câu đối. Mỗi loại đồ thờ đều mang một ý nghĩa riêng. Cái lư hương tròn tượng trưng cho bàn thái cực, đôi đèn tượng trưng cho nhật nguyệt quang minh, những nén hương tượng trưng cho các vì tinh tú… Đồ lễ cúng thường là cau trầu, trà, rượu, nước, hoa tươi, trái cây, vàng mã, ngoài ra, tùy theo gia cảnh và tính chất của lễ mà còn có các thứ khác như xôi, chè, cỗ mặn, cỗ ngọt…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài những ngày lễ, tết, giỗ chạp, hiếu hỷ, thì mỗi khi có việc hệ trọng như xây nhà, sinh con, thi cử đỗ đạt, người Việt Nam ta cũng tổ chức lễ cúng gia tiên. Mặt khác, khi gia đình gặp các việc xui rủi thì cũng làm lễ cúng tổ tiên để xin được phù hộ cho tai qua nạn khỏi.

Phong tục thờ cúng tổ tiên, thể hiện truyền thống hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn, quý trọng và biết ơn tiền nhân của người Việt Nam và của nhiều dân tộc trên thế giới. Người Trung Quốc có tục thờ cúng tổ tiên từ hai ngàn năm trước công nguyên. Các dân tộc Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ… cũng có tục thờ cúng tổ tiên từ lâu đời, cách đây đã hàng ngàn năm. Tại Ai Cập, tục thờ cúng tổ tiên cũng đã có từ hơn hai ngàn năm trước. Ngoài việc dùng hương liệu tẩm thơm xác cha mẹ, thân nhân và dùng kỹ thuật ướp xác để thi thể người mất không bị phân hủy mà còn xây mộ rất công phu, tốn kém. Họ cúng giỗ cha mẹ, thân nhân rất trọng thể vào ngày mất và các dịp lễ, tết theo lịch Ai Cập.

Tục thờ cúng tổ tiên của người Hy Lạp cũng có từ lâu đời, có thể trên hai ngàn năm. Người Hy Lạp xưa coi thân nhân mất đi là chỉ mất phần xác, còn linh hồn vẫn cùng chung sống với cháu con, nên ngoài ngày giỗ ra, con cháu còn chia phần ăn hàng năm cho người quá cố. Họ cũng thường họp nhau trước bàn thờ gia tiên để kiểm điểm các việc làm tốt, xấu của mọi người trong gia đình và bảo ban nhau ăn ở cho đúng đạo lý, nghĩa tình, tránh xúc phạm đến tổ tiên.

Ở La Mã, tục thờ cúng tổ tiên đã có hơn hai ngàn năm qua. Người La Mã xưa rất quyến luyến các thân nhân quá cố, cho nên khi xây dựng nhà ở, họ thường tạo sẵn trong vách tường những ô nhỏ có tên là Catacomb để khi có thân nhân qua đời thì đem hỏa táng, đựng tro xương vào các bình nhỏ, đặt vào một trong những ô đó và hàng năm, vào đúng ngày người thân mất, họ dâng cúng bánh trái vào các ô đó để tưởng nhớ và cầu chúc cho người quá cố “gặp được những điều tốt lành ở thế giới bên kia”…

Phong tục thờ cúng tổ tiên ở nước ta cũng đã có từ hàng ngàn năm trước và luôn được gìn giữ, lưu truyền. Đặc biệt, ngoài việc thờ cúng tổ tiên trong từng gia đình, tộc họ, người Việt Nam ta còn có ngày cúng giỗ chung của toàn dân tộc và được gọi là ngày Giỗ Tổ. Đó là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”.

Tục thờ cúng tổ tiên dù ở từng nơi có khác nhau, nhưng đều giống nhau về ý nghĩa, đó là sự tưởng nhớ kính trọng và biết ơn đối với tiền nhân, với tất cả những người đã mất, đồng thời có tác dụng giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho con cháu. Quanh năm, không được để bàn thờ tổ tiên tro tàn hương lạnh. Trong những ngày tết, dù khó khăn thế nào, cũng cần có hoa tươi, trái cây và sửa soạn bàn thờ tổ tiên cho tươm tất. Khi đến chúc tết gia đình người khác cũng cần tới thắp hương lên bàn thờ gia tiên trước khi ngồi trò chuyện với gia chủ. Điều đó không nặng nhọc, nhưng phải làm với thái độ thành kính, trân trọng. Làm điều đó còn thể hiện nếp sống văn hóa của mình và tạo được tình cảm tốt với gia đình chủ nhà./.

Phạm Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com