Về phong tục Khai bút đầu xuân

02:01, 20/01/2012

Nước ta có nhiều phong tục Tết đẹp và hay, trong đó có phong tục Khai bút. Khai bút nghĩa là mở ra, khơi ra, tức là ngày đầu xuân viết ra, viết nên những gì tốt đẹp cả chữ tốt, văn hay và đủ đầy ý nghĩa. Khai bút có giá trị đẹp đẽ, thánh thiện, lung linh tâm linh như vậy, nên nó được nẩy sinh từ rất lâu đời ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Phong tục Khai bút ở nước ta có từ lâu đời, nhất là từ thời Nho học thịnh hành và đã trở thành một mỹ tục, tình cảm, tư tưởng, nếp sống con người như tinh thần hiếu học, chịu khó học hành, rèn luyện, trọng đạo, yêu văn chương, chữ nghĩa và sáng tạo… Thế nên thời xưa rất thịnh hành và phát triển, còn thời nay thì thật tiếc cho sự quên lãng của nhiều người, khi chưa đủ và thường nhật tâm huyết với chữ nghĩa, văn chương, văn hóa sống, văn hóa học và ý chí, tâm hồn đẹp.

Bé khai bút đầu năm với mong muốn học giỏi và gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới.
Học sinh khai bút đầu năm với mong muốn học giỏi và gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới.
Ảnh: Internet

Ngày xưa, ít người được đi học, nên ít người biết chữ, do vậy Khai bút là việc to lớn, thiêng liêng, cao cả, giá trị. Thời đó, người ta dùng bút lông, mực Tàu, viết chữ Hán trên giấy hồng điều hoặc vàng. Vì lúc đó ở nước ta chữ Hán là độc tôn, coi là của Thánh hiền, là chữ thần, là báu vật của trí tuệ, của tổ tiên để lại, nên chữ là cao thượng. Bởi vậy, trước khi Khai bút, ai cũng thắp hương trên bàn thờ gia tiên rồi trang nghiêm, kính cẩn và cẩn trọng tay bút, sắp xếp trải ra cẩn thận giấy, bút, mực trên hương án hoặc bàn viết. Khi Khai bút, ăn mặc chỉnh tề, đi cúng ở Văn chỉ, Văn từ của làng xã rồi mới được về nhà Khai bút. Ai cũng phải suy nghĩ, ngẫm ngợi chọn lọc câu, từ, ý tứ, kiểu chữ, kiểu văn cho thật chuẩn, thật hay thì mới đặt bút viết. Mọi người thường Khai bút đúng giao thừa hoặc vào buổi sáng mồng Một Tết là thời gian đẹp nhất, quan trọng nhất, thiêng liêng nhất. Người Khai bút viết nắn nót từng chữ, từng nét trên giấy một câu đối, hay một câu thơ, một bài thơ, một đoạn văn, có nội dung cầu phúc, chúc hạnh phúc, công thành danh toại, hanh thông và hoan lộ đường công danh, sự học hành tấn tới, làm ăn phát đạt, may mắn rồi treo hoặc dán lên nơi trang trọng trong nhà, có khi đặt trên bàn thờ… Bởi Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp…, là để tự nhắc nhủ mình, nhắc nhủ người, mong muốn, hy vọng, với nội dung tất cả đều hướng đến cái đẹp, mạnh khỏe, thành đạt, ích nước, lợi nhà, hướng thiện, hạnh phúc, phát đạt, mở mang, cầu chúc tốt đẹp, may mắn. Cho nên, Khai bút đầu năm từ xưa đến nay, là điều và công việc hệ trọng, cần chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ tinh thần, vật chất và tiến hành chu đáo, cẩn thận từng phần từng việc từ đầu đến cuối cho đến phút chót.

Trong xu hướng phát triển xã hội hóa học tập và học tập suốt đời. Đồng thời trong xu thế hội nhập, với cách nghĩ, lối sống hiện đại, nên cái xưa của Khai bút ít được giữ lại và tồn tại ở thói quen của nhiều người. Tuy Khai bút không còn hiển hiện như thời vàng son của nó, nhưng vẫn còn, vẫn có diễn ra ở một số người ngày đầu xuân, với luyện chữ thì ít, mà luyện tình cảm, tâm hồn, trí tuệ, văn chương là nhiều. Có được như vậy cũng là điều đáng quý, đáng yêu, cần được phát huy, phát triển rộng rãi.

Theo chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Bộ GD và ĐT về phát triển nền giáo dục Việt Nam ngang tầm thời đại, thì Khai bút là việc có lợi, rất cần đối với mọi người, không riêng trí thức, học sinh,  bởi Khai bút là tôn vinh chữ đẹp, văn hay, sự chăm chỉ, cẩn thận, tôn sự học, tôn vinh nền giáo dục, nhắc tự giác học hành, rèn luyện thành tài, học để làm người, làm chủ xã hội, làm chủ khoa học, kỹ thuật, răn tự giác học tập để lập thân, lập nghiệp, để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Bởi vậy Khai bút là việc cần làm, cần cổ vũ./.

Nguyễn Tiến Bình
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com