Hai “Báu vật” của đất nghề Nam Giang

08:01, 22/01/2012

1. Hai “báu vật” của một vùng quê

Hai “báu vật” - đó chính là nghệ thuật hát rối đầu gỗ tại chùa Đại Bi và nghệ thuật múa rối nước tại thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) có niên đại trên 900 năm, do Thiền sư Từ Đạo Hạnh về chùa Đại Bi tu hành truyền dạy cho người dân nơi đây. Hiện tại “đất nghề” Nam Giang là vùng đất duy nhất trên cả nước hội tụ được cả hai loại hình nghệ thuật rối và cả hai “đặc sản” nghệ thuật này hiện vẫn được lưu giữ hầu như nguyên vẹn.

Theo các nghệ nhân cao tuổi kể lại, hát rối có tên cổ “Ổi lỗi”, có ở các chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một nghi lễ thờ cúng với những lời hát múa ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, ca ngợi đời sống ấm no, yêu lao động. Không dừng lại ở đó, dân gian còn đưa vào hát rối những điển tích cổ, các giáo điều trong “Kinh thư” để thông qua nghi lễ thờ cúng răn dạy con người sống hiếu nghĩa, thủy chung, chăm lo học hành, yêu lao động. Do gắn với nghi lễ thờ cúng nên hát rối có sự trang nghiêm, tạo hiệu quả giáo dục cao trong phần nội dung răn dạy. Tại lễ hội chùa Đại Bi hằng năm, các nghệ nhân trình diễn các trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý... Nghệ thuật hát rối đầu gỗ giúp cho lễ hội chùa Đại Bi thêm phong phú, đặc sắc. Cùng với hát rối, vào thời Lý, đức Từ Đạo Hạnh về chùa Đại Bi tu hành đã truyền nghề múa rối nước cho nhân dân thôn Nhất. Từ đó đến nay, múa rối nước là tiết mục không thể thiếu trong các ngày hội làng, hội vùng và lễ hội chùa Đại Bi. Trải qua thăng trầm, đến nay các thế hệ nghệ nhân thôn Nhất đã đưa rối nước thành bộ môn nghệ thuật độc nhất vô nhị. Các tích trò của phường rối nước thôn Nhất vừa thể hiện sự phong phú, độc đáo của nghệ thuật rối nước, vừa mộc mạc, dân dã, phản ánh chân thực cuộc sống của người nông dân trong lao động sản xuất, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Dâng ảnh Bác”, “Đánh cá”, “Câu ếch”, “Múa bát tiên”, “Đốt pháo mở cờ”, hoặc các tích trò mô phỏng những trò chơi dân gian thường thấy trong các lễ hội ở các làng quê như: “Múa rồng”, “Sư tử vờn cầu”, “Thi đấu vật”, “Đánh đu”… Tất cả các trò diễn này đều phản ánh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ông cha, khắc họa bức tranh cuộc sống, sinh hoạt, nếp nghĩ vừa độc đáo, vừa mộc mạc, thú vị của người nông dân nơi đây. Những tích trò có cốt truyện đơn giản nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được những đặc trưng riêng biệt của loại hình rối nước, thể hiện rõ nét đặc thù độc đáo rất riêng của phường rối thôn Nhất, từ nghệ thuật tạo hình đến khắc họa tính cách nhân vật.

Nghệ nhân Vũ Văn Thiêm (phải) và nghệ nhân Đoàn Văn Phó (trái) phường rối nước thôn Nhất (Thị trấn Nam Giang - Nam Trực) lắp ráp con rối trước giờ biểu diễn.
Nghệ nhân Vũ Văn Thiêm (phải) và nghệ nhân Đoàn Văn Phó (trái) phường rối nước thôn Nhất (Thị trấn Nam Giang - Nam Trực) lắp ráp con rối trước giờ biểu diễn.

Hiện nay, trong những ngày diễn ra lễ hội chùa Đại Bi (20, 21, 22 tháng Giêng hằng năm), cùng với hàng vạn lượt du khách, tín đồ phật tử trong và ngoài tỉnh ở khắp nơi hội tụ về lễ hội để tỏ lòng thành kính hướng tới Thiền sư Từ Đạo Hạnh, không ít người tìm về để nghe nghệ thuật hát rối chùa Đại Bi, để xem nghệ thuật múa rối nước với những tích trò độc đáo mang đặc trưng riêng biệt của loại hình nghệ thuật tiêu biểu của cuộc sống đồng quê. Trong câu chuyện về thăng trầm của hai loại hình nghệ thuật rối, ánh mắt các nghệ nhân già vẫn vẹn nguyên niềm say mê đối với các bộ môn nghệ thuật độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, cùng với ý thức gìn giữ hai bộ môn nghệ thuật này trong “tầm với” của họ. Cụ Cao Văn Lý, nghệ nhân hát rối năm nay đã 84 tuổi, dù tuổi đã cao, song lòng nhiệt tình, niềm say mê nghệ thuật hát rối luôn thôi thúc cụ gắn bó với các buổi biểu diễn hát rối của đội. Không chỉ các nghệ nhân hát rối, các nghệ nhân múa rối nước như cụ Vũ Văn Hiện 73 tuổi, đã hàng chục năm nay đều tham dự các buổi biểu diễn rối nước của phường trong các dịp hội làng, hội vùng. Nghệ nhân Đoàn Thị Bưởi đã 70 tuổi, nhưng buổi biểu diễn nào của phường rối dù xa, dù gần cụ cũng tham gia… Với các nghệ nhân, việc làm này không phải để đem lại lợi ích cho họ mà chỉ đơn giản là ôn nghề và động viên nhau bám trụ với nghề cổ truyền đã nuôi dưỡng tâm hồn họ ngay trên chính mảnh đất họ từng sinh ra. Nghệ nhân Vũ Văn Thiêm, trưởng phường rối nước thôn Nhất cho biết: “Đa số các nghệ nhân và diễn viên phường rối nước công việc chính của họ là làm nghề nông và một số nghề phụ như phu hồ, thợ xây, nhưng mỗi khi phường huy động thì họ sẵn sàng bỏ tất cả nhảy xuống ao “giật dây làm trò” cho dù tiền thù lao biểu diễn chẳng đáng là bao. Dường như bộ môn nghệ thuật độc đáo của đồng quê này đã trở thành máu thịt, một phần cơ thể của họ”. Điều đó lý giải có những tích trò, những ca từ hát rối đã có hàng mấy trăm năm nhưng đến nay vẫn được lưu giữ hầu như nguyên vẹn.     

Nghệ nhân hát rối Đoàn Hữu Sòng, phó hội hát rối chùa Đại Bi cho biết: Nếu những năm 1940-1975, cả 3 thôn: Vân Chàng, thôn Ba, thôn Tư chỉ còn hơn 10 người theo đội hát rối, phần lớn là các nghệ nhân già đã xấp xỉ thất tuần, bát tuần thì đến nay, đội hát rối gồm 35 thành viên của cả 3 thôn, trong đó 25 người ở độ tuổi 30-60. Cùng với các nghệ nhân “lão làng” giàu kinh nghiệm như cụ Cao Văn Lý 84 tuổi, Đoàn Văn Riêm 80 tuổi, Vũ Huy Rính 76 tuổi, Trần Mẫn 72 tuổi, Đoàn Hữu Mầm 72 tuổi, Đoàn Hữu Sòng 70 tuổi… là đội ngũ kế nghiệp sẵn sàng chung tay cùng lớp nghệ nhân già gánh vác “sứ mệnh” gìn giữ di sản nghệ thuật cổ truyền. Đặc biệt, việc duy trì, bảo lưu các di sản văn hóa cổ truyền này ngay trong gia đình, dòng họ chính là một trong những yếu tố quan trọng để di sản hát rối và múa rối có cơ hội tồn tại, phát triển qua hàng mấy trăm năm. Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa loại hình nghệ thuật cổ truyền với nhiều loại hình giải trí thời thượng, các nghệ nhân chỉ có thể lưu giữ nghề bằng cách tự đứng ra truyền nghề, luyện tập để giữ nghề và duy trì, gìn giữ hai bộ môn này ngay trong gia đình, qua việc truyền dạy cho các thế hệ con, cháu. Nhiều gia đình nghệ nhân có 2, 3 thế hệ cùng theo nghề. Đơn cử nghệ nhân hát rối Đoàn Hữu Mầm 72 tuổi có con trai Đoàn Hữu Thuận “nối nghiệp” cha; cụ Đoàn Văn Riêm 80 tuổi có con là Đoàn Văn Thành 45 tuổi “đầu quân” vào đội hát rối; nghệ nhân rối nước Đoàn Văn Long có con “nối nghiệp” là Đoàn Văn Túc; nghệ nhân Vũ Văn Thiêm con “nối nghiệp” là Vũ Văn Khánh…

Sức sống bền bỉ của hai bộ môn nghệ thuật này còn thể hiện ở việc trải qua bao thăng trầm, biến đổi của thời gian nhưng những nét đặc sắc của ca từ, vũ điệu hát rối, các tích trò cổ của múa rối nước dường như không hề mai một mà càng tràn trề sức sống. Ông Đoàn Hữu Sòng, phó hội hát rối chùa Đại Bi, người hiện đang lưu giữ tất cả các bài hát rối lời cổ cho biết: Nghệ thuật hát rối ra đời đã hơn 900 năm nhưng hiện tại cả 32 bài hát rối lời cổ vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn với các nội dung tôn vinh triều đại lịch sử, ca ngợi cuộc sống, răn dạy con người sống tốt hơn… Nghệ nhân múa rối Vũ Văn Thiêm năm nay 56 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm gắn bó với rối nước cho biết: Điều làm ông và các nghệ nhân say mê, đeo đuổi nghề múa rối nước bởi chính những con rối kết cấu cực kỳ đơn giản, chỉ là những pho tượng nhỏ được tạc bằng gỗ sung, gỗ vông, sơn bằng nhựa cây sơn, sơn son thếp vàng thếp bạc theo kiểu dân gian, nhưng khả năng diễn đạt của nó lại vô cùng, vô tận. Trong mỗi buổi biểu diễn rối nước, đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã truyền niềm say mê, thổi hồn vào những con rối, tạo nên sự sống động của mỗi con rối, mỗi tích trò, đem lại cho người xem một bài học, một dịp suy ngẫm về quá khứ và hiện tại, về những giá trị truyền thống của dân tộc. Có lẽ chính vì những cảm nhận đó mà ông và các nghệ nhân rối nước trong phường mới cùng nhau trụ vững và động viên nhau vượt qua những “sóng gió” của thời buổi kinh tế thị trường khi mà nghệ thuật múa rối nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình giải trí thời thượng khác. Mới đây, tại Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc tổ chức tại Hải Dương vào 11-6-2011, tích trò “Đánh đồn Tây tại Điện Biên” của phường rối thôn Nhất đã được tặng thưởng giải B.

2. Cần những phương án bảo tồn

Ông Đoàn Hữu Sòng, phó hội hát rối chùa Đại Bi cho biết: Hát rối được biểu diễn vào 30 Tết, đầu sang canh đêm giao thừa mỗi năm và vào dịp lễ hội chùa Đại Bi vào ngày 20, 21, 22 tháng Giêng hằng năm tại chính chùa Đại Bi. Do được diễn rất ít và chỉ được diễn tại chùa Đại Bi nên ngoài nhân dân quanh vùng và du khách hàng năm thường xuyên về dự hội chùa biết đến, thì đối với đông đảo công chúng, hát rối chùa Đại Bi vẫn còn là “điều bí ẩn”. Vấn đề đặt ra là, song song với việc nghiên cứu, bảo tồn các giá trị của nghệ thuật hát rối thì cần quảng bá cho nghệ thuật hát rối sâu rộng hơn nữa. Vào trung tuần tháng 9-2011 vừa qua, tại Hà Nội, lần đầu tiên hát rối - “đặc sản” của chùa Đại Bi đã “khăn gói đi diễn” và có màn trình diễn trước đông đảo các quan khách, các nhà nghiên cứu văn hóa. Thông qua các phương tiện truyền thông, lần này nghệ thuật hát rối đầu gỗ chùa Đại Bi được quảng bá đến rộng khắp quần chúng nhân dân cả nước. Về các biện pháp bảo tồn loại hình này, các nghệ nhân hát rối không giấu những khó khăn đang gặp phải. Theo các nghệ nhân hát rối, tại chùa Đại Bi đang lưu giữ hai bộ tượng rối, một bộ được làm năm 1957 dùng để tập, bộ còn lại có niên đại cao, mang nhiều giá trị lịch sử nhưng chưa có phương án bảo quản hữu hiệu để chống mối mọt. Hiện nay, các Thánh tượng trên đang phải "nghỉ" đằng sau chùa Đại Bi trong điều kiện bảo quản chưa được tốt... Ngành VH, TT và DL cần có phương án bảo tồn nơi bảo quản các Thánh tượng có niên đại nhiều trăm năm để không bị mối mọt làm hư hại. Bên cạnh đó, hiện tại kinh phí để tập luyện, hoạt động hầu hết do các nghệ nhân trong hội rối tự góp tiền mà không có khoản hỗ trợ nào từ ngành văn hóa cũng như chính quyền địa phương. Việc hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, động viên các nghệ nhân trong hội rối cũng là hành động kịp thời giúp họ yên tâm, tiếp tục cùng với lớp nghệ nhân đi trước cống hiến, gìn giữ, bảo tồn trò diễn dân gian “đặc sắc độc nhất vô nhị” của Việt Nam.

Cũng như hội hát rối đầu gỗ, hiện tại, phường múa rối nước hoạt động theo phương thức xã hội hóa, các thành viên trong phường tự đóng góp kinh phí dàn dựng, biểu diễn cùng sự hỗ trợ của địa phương khi mời phường rối về biểu diễn tại các lễ hội, ngày lễ tết… Tuy vậy, với số tiền bồi dưỡng sau mỗi lần biểu diễn chưa tương xứng cho việc trang trải các hoạt động của phường, từ việc thuê xe, tập luyện, dây cọc, tu sửa con rối, đến việc tìm kịch bản, phát triển thêm nhiều trò rối... Điều băn khoăn, trăn trở của các nghệ nhân ở đây là: Làm thế nào để duy trì, phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này trong điều kiện kinh phí eo hẹp? Làm thế nào để múa rối nước Nam Giang đến được với đông đảo công chúng? Để nghệ thuật múa rối và hát rối mãi là thứ nghệ thuật linh hồn của người dân bản địa và để tạo điều kiện cho phường múa rối, hội hát rối hoạt động, rất cần có sự quan tâm của ngành VH, TT và DL và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đầu tư cơ sở vật chất để các đoàn tu bổ dụng cụ biểu diễn, tìm kiếm, bảo lưu những lời hát cổ, xây dựng những tích trò mới. Cần có những dự án khôi phục, bảo tồn cũng như có cơ chế chính sách hỗ trợ thích đáng để khôi phục và bảo tồn các bộ môn nghệ thuật này. Có như vậy, nghệ thuật hát rối và múa rối mới thoát khỏi tình trạng bị “mai một” ngay trên chính vùng đất đã sinh ra nó và giúp những người nông dân bấy lâu gìn giữ nghệ thuật của cha ông không còn “đơn thương độc mã” trên con đường bảo tồn các bộ môn nghệ thuật truyền thống./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com