Hương vị quê nhà: Riêu cá mè lá sắn

09:09, 10/09/2010

Ai cũng biết cá mè vốn rất tanh, sơ chế không khéo, nấu vụng một chút thì rất khó ăn. Người đồng chiêm vùng Ý Yên, Vụ Bản khắc chế chất tanh của cá mè bằng cách cho vào nồi riêu cá một nắm lá sắn thuyền, món ăn trở nên độc đáo hấp dẫn, mang đậm phong cách vùng miền.

Cá mè nấu riêu lá sắn bất luận to hay nhỏ nhất thiết phải dùng đầu cá, còn khúc mình, khúc đuôi có thể làm gỏi hay kho khô tuỳ ý. Một điều cần lưu ý nữa là phải để đầu cá nguyên vẹn khi nấu chứ không nên bổ đôi vì làm như vậy chất béo của não tuỷ sẽ vương ra ngoài. Khi sơ chế, đầu tiên là phải chọn cá tươi, có thể đánh vẩy hoặc để nguyên tuỳ từng loại mè hoa hay mè trắng. Mổ bỏ nội tạng, dùng nghệ giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, hoà cùng một ít muối trắng sát trong ổ bụng, ngoài da, khắp mình cá sao cho sạch hết nhờn, hết nhớt mới thôi. Bắc chảo lên bếp, rán cá cho vàng đều 2 mặt rồi đổ nước sôi vào đun nhỏ lửa. Lọc mẻ hoặc giấm bỗng rồi thêm một thìa nhỏ mắm tôm cho nồi riêu thêm đậm đà, sau cùng mới cho lá sắn bánh tẻ đã thái đôi thái ba vào nấu cùng. Dập lá sắn xuống dưới đáy nồi, đun sôi thêm một chập nữa để cho chất chua, chất chát, vị tê tê, the the trong lá sắn thôi ra đánh át mùi tanh của cá mè, làm  nên hương vị độc đáo của món ăn.

Bát riêu cá mè nấu lá sắn ngon cả nước cả cái. Trong đó, khúc đầu cá mè là ngon nhất. Miếng xương sọ nhai không thấy cứng mà nhừ tơi lại vừa giòn, vừa béo ngậy. Nhấm nháp xong phần sụn non ở hai bên mép cá rồi lấy hơi mút trọn phần óc, tuỷ vào miệng mới thấy hết cái ngon của đầu cá. Phần thịt lưng, thịt bụng cá mè phải chấm cùng nước mắm chanh, tỏi, ớt mới thật đậm đà thi vị./.

Hương Tú



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com