Để hệ thống các bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm phát huy hiệu quả

09:09, 03/09/2010

Nhà truyền thống xã Hải Phú (Hải Hậu).  Ảnh: Xuân Thu
Nhà truyền thống xã Hải Phú (Hải Hậu).
Ảnh: Xuân Thu

Tỉnh ta là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng các thiết chế văn hoá như bảo tàng, nhà truyền thống, nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm… Vào những năm 1970, tỉnh ta đã xây dựng một số công trình văn hoá đầu tiên như Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng huyện Hải Hậu, Nhà truyền thống các xã Liên Minh (Vụ Bản), Giao Yến (Giao Thuỷ), Hải Trung, Hải Minh (Hải Hậu), Nhà truyền thống Dệt Nam Định… Hệ thống các thiết chế bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng ngành, nhà truyền thống và phòng truyền thống, nhà lưu niệm luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm xây dựng với nhiều tài liệu hiện vật tiêu biểu, nội dung trình bày ngày càng phong phú. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 47 thiết chế văn hoá là các nhà bảo tàng, nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà lưu niệm ở 9 huyện thành phố, trong đó có 7 nhà bảo tàng, 12 nhà truyền thống, 20 phòng truyền thống, 8 phòng lưu niệm. Các thiết chế này hiện đang lưu giữ bảo quản và trưng bày hàng chục nghìn tài liệu, hiện vật, phản ánh nét đặc trưng văn hoá cũng như lịch sử mảnh đất, con người và truyền thống đấu tranh cách mạng của các địa phương, cơ quan, ban ngành trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Riêng Bảo tàng Nam Định hiện đang lưu giữ gần 2 vạn tài liệu, hiện vật quý đối với việc giáo dục lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương. Bảo tàng kỷ vật chiến tranh được thành lập năm 2007, đặt tại số nhà 9/17 đường Đặng Việt Châu phường Cửa Bắc (thành phố Nam Định) do ông Vũ Đình Lưu là chủ sở hữu. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên của tỉnh. Hiện nơi đây đang lưu giữ và trưng bày những kỷ vật về cuộc đời và hành trang người lính mà ông Lưu cùng đồng đội bao năm đi đến những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến tranh như Thành cổ Quảng Trị, chiến trường Bình Trị Thiên, đường 9 Nam Lào… để sưu tầm những kỷ vật của đồng đội. Tuy diện tích trưng bày nhỏ nhưng hàng năm Bảo tàng kỷ vật chiến tranh đã thu hút khoảng 13.000 lượt khách đến tham quan nghiên cứu học tập, đặc biệt là những cựu chiến binh, học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh hiện có 4 bảo tàng cấp huyện được xây dựng là: Bảo tàng huyện Hải Hậu được xây dựng năm 1976, Bảo tàng huyện Ý Yên (2003), Bảo tàng huyện Nam Trực (2009), Bảo tàng huyện Trực Ninh (2010). Ngoài ra còn có Bảo tàng thiên nhiên Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ là công trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng năm 2005, nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ. Đến nay, phần trưng bày cố định của Bảo tàng đã được hoàn thành, phần trưng bày ngoài trời hiện đang được tiếp tục thi công. Khi công trình xây dựng xong sẽ là nơi lưu giữ, trưng bày, tham quan nghiên cứu về thế giới tự nhiên với các loài động thực vật, nhuyễn thể sống và đời sống sinh hoạt sống động của người dân ven biển. 

Về hệ thống nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là Nhà truyền thống LLVT tỉnh Nam Định hiện đang lưu giữ và trưng bày 410 tài liệu hiện vật với các chủ đề: Lịch sử mảnh đất, truyền thống đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhà truyền thống Công an tỉnh Nam Định, với nguồn tài liệu, hiện vật phong phú đã truyền tải đầy đủ những nội dung thông tin về truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND tỉnh Nam Định. Ngoài ra còn có Nhà truyền thống Dệt Nam Định và hệ thống nhà truyền thống cấp xã như: nhà truyền thống xã Hải Trung, Hải Anh, Hải Phú, Hải Minh (Hải Hậu); xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); xã Đồng Sơn (Nam Trực); xã Trực Đại (Trực Ninh); xã Liên Minh (Vụ Bản). Những tài liệu, hiện vật trưng bày tại các nhà truyền thống này đã phần nào phản ánh về lịch sử mảnh đất quê hương và truyền thống đấu tranh cách mạng của mỗi địa phương qua các giai đoạn lịch sử.

Về hệ thống nhà tưởng niệm - nhà lưu niệm gồm: Nhà tưởng niệm các nhà chính trị, nhà khoa học và danh nhân văn hoá, những chiến sĩ cách mạng. Tiêu biểu là nhà lưu niệm, nhà tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh được phân bố tại 2 địa điểm là khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh ở xóm 7 làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) và Nhà tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại thị trấn Xuân Trường. Ngoài ra, nhà lưu niệm các đồng chí: Nguyễn Phúc, xã Liên Minh (Vụ Bản), Nguyễn Đức Thuận, xã Quang Trung (Vụ Bản), Giáo sư - Viện sĩ Trần Huy Liệu, TT Gôi (Vụ Bản), nhà thơ Nguyễn Bính, xã Cộng Hoà (Vụ Bản)… Trên thực tế hiện nay, một số bảo tàng, nhà truyền thống, phòng truyền thống được các cơ quan, các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí cải tạo, xây dựng kiên cố, tách biệt với các thiết chế khác, nội dung trưng bày khá phong phú đa dạng. Tuy nhiên phần lớn cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số thiết chế được xây dựng từ những thập kỷ 70, 90 của thế kỷ XX đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Công tác kiểm kê, xây dựng hồ sơ khoa học, phương tiện và phương thức bảo quản còn thủ công, thô sơ dẫn đến tình trạng hiện vật bị thất lạc, mối mọt han gỉ. Nội dung trưng bày theo lối truyền thống, không được cải tạo thường xuyên cùng với phương thức tuyên truyền chưa khoa học là những nguyên nhân dẫn đến số lượng khách đến tham quan nghiên cứu còn ít, việc phát huy giá trị của những thiết chế này chưa hiệu quả. Để phát huy giá trị các thiết chế trên, cần có sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của đơn vị quản lý bảo vệ để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở. Mặt khác, ngoài một số bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm có lịch mở cửa đón khách cụ thể, rõ ràng, còn phần lớn các thiết chế khác chỉ mở cửa vào các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm, do đó chưa phát huy triệt để tác dụng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, phương tiện trưng bày, bảo quản tại các thiết chế đã và đang bị xuống cấp, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc trưng bày, bảo quản các tài liệu, hiện vật. Hàng năm, cần mở những lớp đào tạo ngắn ngày để hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức về bảo tồn bảo tàng cho đội ngũ cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm tại các thiết chế này./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com