Nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

08:02, 24/02/2022

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Người thầy thuốc phải yêu thương người bệnh, thầy thuốc phải như mẹ hiền” và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua, ngành Y tế tỉnh ta đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) (ảnh 1); Xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính cho người bệnh tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh (ảnh 2). 
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định).

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát trở lại, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng vi-rút có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, diễn biến rất phức tạp, cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh ta chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch. Ngày 7-5-2021, tỉnh ta ghi nhận ca bệnh COVID-19 cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) trở về từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Đến hết ngày 30-12-2021, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 3.222 ca mắc (trong đó 1.178 ca tại cộng đồng, chiếm 36,6%). Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày tăng vọt. Tính đến ngày 21-2-2022, tổng số ca mắc tích lũy toàn tỉnh là 34.648 ca, gồm: 23.395 ca tại cộng đồng, 11.253 ca ghi nhận trong khu cách ly, phong tỏa. Trong đó, 24.621 ca đang điều trị; 9.858 ca kết thúc điều trị; 113 ca chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; 56 ca tử vong (trong đó 55 ca là người cao tuổi, có bệnh nền). Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai nhiều đề án quan trọng, phát triển và nâng cao năng lực của ngành Y tế về các lĩnh vực khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, củng cố và tăng cường mạng lưới y tế cơ sở…

Đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết: Ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo phương châm “chống dịch như chống giặc”, ngành Y tế đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, linh hoạt, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế, đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an sinh xã hội, duy trì sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa. Trên cơ sở diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh qua các giai đoạn, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã tuân theo các nguyên tắc: “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch và điều trị hiệu quả”; áp dụng các Chỉ thị số 15/CT-TTg, 16/CT-TTg và 19/CT-TTg, nguyên tắc 5K, sau đó chuyển hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện nguyên tắc 5K + vắc-xin + thuốc + công nghệ thông tin + ý thức của người dân. Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; khám chữa bệnh phòng chống dịch bệnh… Bên cạnh đó, Sở Y tế đã ban hành các văn bản tăng cường công tác phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, trong hoạt động vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa; đảm bảo y tế phòng chống dịch trong phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh; tăng cường năng lực điều trị, hồi sức tích cực, cấp cứu bệnh nhân tại các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; công tác quản lý người đi về từ vùng dịch; tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh COVID-19; thực hiện các biện pháp điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19, các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch. 

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) (ảnh 1); Xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính cho người bệnh tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh (ảnh 2). 
Xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính cho người bệnh tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, xác định việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết, hiệu quả bên cạnh các biện pháp 5K để vừa chủ động phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tỉnh và các huyện, thành phố; triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 bắt đầu từ cuối tháng 2-2021, theo tiến độ, số lượng vắc-xin được Trung ương cấp, đảm bảo an toàn tiêm chủng, hiệu quả và phù hợp tình hình thực tế. Tính đến ngày 21-2-2022, tỉnh ta đã tiếp nhận tổng số 2.634.032 liều vắc-xin phòng COVID-19 và đã tiêm 2.578.175 liều cho người từ 18 tuổi trở lên (trong đó số tiêm mũi 1 là 1.139.538 liều, đạt tỷ lệ 98,32%; số tiêm mũi 2 là 1.125.257 liều, tỷ lệ 97,09%; số tiêm mũi 3 là 313.380 liều, tỷ lệ 27,04%). Tiêm 311.263 mũi vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo kế hoạch. 

Toàn ngành đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị “Toàn dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Quy tắc ứng xử, tăng cường giáo dục y đức cho cán bộ nhân viên, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Ngành Y tế đã triển khai nhiều đề án quan trọng, phát triển và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, củng cố, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở và đạt được những kết quả nổi bật. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế - dân số như Dự án Phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và một số bệnh không lây nhiễm phổ biến; Công tác tiêm chủng mở rộng duy trì tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin; các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số; Chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em… Thực hiện tốt công tác truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục sức khoẻ. Tăng cường công tác giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, phòng chống HIV/AIDS; thực hiện hiệu quả Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, giám sát HIV/AIDS và Chương trình điều trị, đảm bảo an toàn truyền máu. Tăng cường điều trị Methadone và các hình thức cai nghiện có hiệu quả. Các đơn vị duy trì tốt nền nếp trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo các kíp trực 24/24 giờ, thuốc, trang thiết bị sẵn sàng phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua đường dây nóng. Tiếp tục triển khai Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Các đơn vị đều cải tiến, đổi mới, chuyên nghiệp hóa các hoạt động khám, chữa bệnh; quy trình khám chữa bệnh được cải tiến hợp lý; thời gian chờ đợi nhanh hơn; Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế. Đồng thời triển khai đa dạng các hoạt động hỗ trợ người bệnh, thực hiện khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, tạo được sự hài lòng của người bệnh. Y tế tuyến cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, duy trì chất lượng xã đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Đến hết năm 2021 số lũy tích toàn tỉnh có 223/226 xã, phường đạt Tiêu chí quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 98,67%; trong đó cả 9 huyện có 100% xã, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế gồm: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực, Ý Yên. Các trạm y tế xã, phường tăng cường thực hiện điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình gắn với thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản theo Thông tư 39/2017/TT-BYT. 

Năm 2022, dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Với mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh, dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19, ngành Y tế bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ động triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Tập trung củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế các tuyến; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, ưu tiên phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình mục tiêu y tế - dân số lồng ghép trong các hoạt động thường xuyên của ngành Y tế: giảm sinh, giảm sinh con thứ ba trở lên, giảm điểm tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao, công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và khám chữa bệnh nâng cao chất lượng điều trị. Từng bước nâng cao mức ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chí bệnh viện thông minh. Tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, đồng thời tăng cường công tác xã hội hoá các dịch vụ, hoạt động y tế dưới các hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn… mua trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com