"Địa chỉ" đào tạo nghề tin cậy cho phụ nữ

08:08, 26/08/2021

Tháng 8-2001, với mục đích giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt cho lao động nữ khu vực nông thôn, Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh được thành lập. Sau gần 20 năm hoạt động, đến nay, Trung tâm đã mở được hàng trăm lớp dạy nghề cho hàng nghìn hội viên phụ nữ; trong đó có nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đào tạo nghề may cho hội viên phụ nữ (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đào tạo nghề may cho hội viên phụ nữ (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Tham gia lớp học may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị Phạm Thị Hoa, xã Xuân Phú (Xuân Trường) được các giáo viên “cầm tay chỉ việc” từ các bước cơ bản như sử dụng máy may, xỏ chỉ, đánh suốt cho phù hợp với từng loại vải đến các công đoạn nâng cao, ráp hoàn chỉnh các loại quần áo thời trang, ứng dụng được các đường may chuẩn để may áo thun cổ tròn, cổ tim, áo sơ mi… Chị Hoa cho biết, sau khi kết thúc khóa học với niềm đam mê và những kiến thức học được, chị tự tin mở cửa hàng, tạo việc làm, thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình. Chị còn được Hội Phụ nữ huyện, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh giới thiệu, tiếp cận với một số doanh nghiệp may mặc nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đầu năm 2021, chị Phạm Thị An, xã Hải Hòa (Hải Hậu) tham gia lớp học chăn nuôi gia súc, gia cầm do Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Hải Hậu tổ chức. Tại đây, chị được cung cấp các kiến thức cơ bản về cách chọn con giống, dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi gia cầm; cách nhận biết và phòng ngừa một số bệnh thường gặp cũng như hướng dẫn vệ sinh môi trường, nhất là trong thời điểm thời tiết có nhiều bất thường như hiện nay. Kết thúc khóa học, chị An được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Chị An phấn khởi cho biết: “Với sự chỉ dạy tận tình của các giáo viên, sau một thời gian, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, đặc biệt là cách phòng dịch cho gia cầm. Tôi tin rằng, sau khóa học này, công việc chăn nuôi của gia đình tôi sẽ tốt hơn”. 

Đẩy mạnh công tác dạy nghề, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, Hội Phụ nữ các cấp tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm; tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc học nghề trong phụ nữ và cộng đồng dân cư. Từ đó, nâng cao nhận thức, quan điểm về học nghề, việc làm, giúp chị em chủ động định hướng nghề nghiệp; giới thiệu các mô hình, các hình thức dạy nghề, các doanh nghiệp làm tốt công tác dạy nghề để hội viên phụ nữ tham khảo… Hàng năm, Trung tâm phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn các huyện; từ đó xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch tuyển sinh phù hợp với thực tế, nhu cầu học nghề của người lao động, đặc biệt là lao động nữ khu vực nông thôn. Trung tâm luôn đổi mới giáo trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, trình độ của người học. Hiện, Trung tâm đang tuyển sinh dưới nhiều hình thức như: Trực tiếp, phối hợp với Hội Phụ nữ cơ sở, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các doanh nghiệp nữ để tuyển sinh và đào tạo nghề… Kết thúc các khóa học, học viên được Trung tâm cấp chứng chỉ nghề đảm bảo theo quy định. Làm tốt công tác đào tạo nghề, kết quả tuyển sinh hàng năm của Trung tâm đều đạt và vượt chỉ tiêu. Trong 10 năm trở lại đây, Trung tâm đã mở 128 lớp dạy nghề, thu hút 4.045 lao động nữ tham gia học các nghề: may công nghiệp, thêu ren, móc sợi, dệt tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, mây tre đan nứa ghép bẹ chuối bèo bồng… Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao tay nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, tổ chức các hội nghị quảng bá sản phẩm kết nối thị trường nhằm tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở ra các cơ hội sau đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ… Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu, cung ứng lao động, đặc biệt là lao động nữ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, có 85% học viên được Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh giới thiệu việc làm ổn định tại các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp… Một số học viên sau khi tham gia các khóa học còn đứng ra mở tiệm may, nhà hàng, quán ăn, thành lập các tổ phụ nữ liên kết… Tiêu biểu như chị Trần Thị Hằng, xóm Xuân An, xã Hải Hòa (Hải Hậụ), học viên lớp may công nghiệp sau khóa học đã mở xưởng may quần áo, tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động với mức lương từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng; chị Lương Thị Lan, xóm 9, xã Hải Hưng (Hải Hậu) mở xưởng may, tạo việc làm cho 40-50 người với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hoặc mô hình tổ liên kết chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái tại thị trấn Gôi (Vụ Bản) được thành lập vào năm 2015 sau khi các thành viên tham gia khóa học nghề chăn nuôi lợn nái, lợn thịt do Trung tâm tổ chức. Các học viên lớp thêu ở xã Yên Phú (Ý Yên) sau khi tham gia khóa học nghề thêu của Trung tâm đã thành lập tổ phụ nữ liên kết thêu tay với 30 thành viên…

Thời gian tới, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tăng cường hiệu quả hoạt động, hoàn thiện bộ máy cán bộ, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trong đó ưu tiên các các ngành nghề truyền thống mà các địa phương có thế mạnh. Tranh thủ các nguồn đầu tư của các tổ chức, các chương trình dự án, các tổ chức tín dụng, tạo cơ hội cho lao động nữ được tiếp cận nguồn vốn và các thông tin về kinh tế, thị trường để đầu tư có hiệu quả hơn. Thường xuyên làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nữ khu vực nông thôn; xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ chất lượng cao. Đẩy mạnh các chương trình phối hợp với các cấp, ngành liên quan nhằm xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm… Từ đó là cầu nối, “địa chỉ” đào tạo nghề tin cậy cho hội viên phụ nữ, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com