Phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại (kỳ 2)

07:07, 22/07/2021

[links()]

(Tiếp theo và hết)

II. Xây dựng môi trường văn hóa an toàn lành mạnh

Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, sự cởi mở trong quản lý văn hóa và dư luận xã hội nên nhiều sản phẩm văn hóa xấu độc, tuyên truyền, ca ngợi lối sống gấp, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ; sống không có hoài bão, lý tưởng, gieo rắc tư tưởng bi quan, hoài nghi vào cuộc sống; cổ vũ bạo lực, đề cao danh vị, đồng tiền... có cơ hội phát triển. Các thế lực thù địch không từ bỏ bất kỳ cơ hội; thủ đoạn nào để lợi dụng công nghệ truyền thông hiện đại xuyên tạc tuyên truyền, phát tán thông tin sai trái với những mưu đồ chính trị, tiềm ẩn nguy cơ lớn gây dao động, mất niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị và nhân dân với Đảng. 

Chương trình nghệ thuật chủ đề “Bài ca kết đoàn” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2020.  Bài và ảnh: Khánh Dũng
Chương trình nghệ thuật chủ đề “Bài ca kết đoàn” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2020.

Với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực, đẩy lùi tiêu cực”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực nhận biết về các sản phẩm văn hóa độc hại cho người dân. Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị 46 nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, đất nước với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Tăng cường quản lý không để lọt những sản phẩm văn hóa độc hại, kịp thời ngăn chặn những bộ phim có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; dàn dựng, biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật với nội dung lên án, cảnh báo về sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; đề cao những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại tốt đẹp của quê hương, đất nước. Ngành VH, TT và DL phối hợp với ngành GD và ĐT xây dựng chương trình phối hợp hoạt động nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012-2020”; phát huy hiệu quả các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lý tưởng cách mạng… tạo sân chơi hấp dẫn, lành mạnh, bổ ích, giúp học sinh tránh xa các hoạt động không lành mạnh. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng nhằm định hướng thẩm mỹ trong các tầng lớp nhân dân. Nổi bật là các chương trình phát động sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật nhân ngày kỷ niệm của các lãnh tụ Đảng, danh nhân văn hóa của quê hương, đất nước; giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Các cơ quan báo chí của tỉnh: Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa; tăng cường các bài viết, phóng sự truyền hình tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát hiện, biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Giai đoạn 2010-2020, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở được nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở cơ sở. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” được triển khai tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi “tế bào” của xã hội. Năm 2010, toàn tỉnh có 375.235/534.613 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 70,2%, đến năm 2020, toàn tỉnh có 524.369/604.175 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 86,8% (tăng 16,6% so với năm 2010). Việc tập trung cho phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã góp phần tạo “thành trì” phòng ngừa vững chắc, sát sao từ mỗi cá nhân, gia đình trong việc tẩy chay, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập.

Trong các chiến lược, chương trình về phát triển văn hóa, giai đoạn 2010-2020 của Trung ương, của tỉnh đều đặt nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện là cơ sở để phát triển bền vững đất nước. Những thách thức đặt ra trong tình hình mới là phát triển văn hóa đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị 46 tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Xây dựng, nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 46 với việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nhất là việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, các điểm vui chơi, giải trí, karaoke, vũ trường... Triển khai chặt chẽ việc thẩm định, kiểm duyệt các nội dung tuyên truyền, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, tiếp nhận sách, báo, tạp chí... của các đơn vị sự nghiệp trong ngành, tránh để lọt các trường hợp lợi dụng tuyên truyền phản động. Tổ chức các cuộc thi, các đợt phát động sáng tác, giới thiệu, tìm hiểu các tác phẩm văn học, âm nhạc có giá trị thẩm mỹ tư tưởng cao, gần gũi với đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Phát huy nguồn lực xã hội hóa, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện tại cơ sở, thư viện trường học và hiệu quả hoạt động của các CLB, đội, nhóm văn nghệ, TDTT, đảm bảo có sức hấp dẫn, thu hút thanh, thiếu niên, học sinh tham gia. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại, tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa mới, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com