Nghĩa Hưng nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

08:07, 09/07/2021

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nghĩa Hưng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở. Qua hoà giải, các vụ việc thành công, mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, vượt cấp kéo dài, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư.

Đồng chí Đỗ Văn Thế (bên trái), Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải xóm 8, thôn Thượng Kỳ, xã Nghĩa Thái trao đổi nội dung vụ việc cùng các thành viên tổ hòa giải.
Đồng chí Đỗ Văn Thế (bên trái), Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải xóm 8, thôn Thượng Kỳ, xã Nghĩa Thái trao đổi nội dung vụ việc cùng các thành viên tổ hòa giải.

Đã có gần 30 năm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, đồng chí Đỗ Văn Thế, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải xóm 8, thôn Thượng Kỳ, xã Nghĩa Thái và các thành viên tổ hòa giải trong xóm đã giải quyết kịp thời nhiều tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương. Mới đây nhất, tổ hòa giải xóm 8 đã hòa giải thành công vụ mâu thuẫn giữa ông H và ông T là cán bộ tổ dịch vụ điều hành máy gặt trong vụ lúa xuân vừa qua. Nguyên nhân do thời tiết có mưa, nền ruộng bị lầy nên máy gặt lúa chậm tiến độ 1/2 buổi so với thời gian đề ra, ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa của hộ ông H và một số hộ dân xóm 8. Do vậy ông H và một số người dân xóm 8 bức xúc, cho rằng ông T và tổ dịch vụ điều hành máy gặt làm ăn tắc trách, gây đình trệ sản xuất của nhân dân. Ông T nổi giận phần vì do thời tiết không thuận, phần thì do đã rất trách nhiệm với việc thu hoạch lúa của nhân dân nhưng vẫn bị trê trách, chửi mắng. Nắm được mâu thuẫn trên, tổ hòa giải xóm 8 đã gặp gỡ từng bên, phân tích phải, trái; đồng thời đưa vụ việc ra Hội CCB là nơi cả hai ông cùng sinh hoạt để hòa giải. Kết quả ông H đã nhận ra khuyết điểm do sốt ruột và quá nóng giận nên đã có hành động chưa đúng, mong ông T và tổ dịch vụ điều hành máy gặt của xóm bỏ qua. Ông T và tổ dịch vụ điều hành máy gặt của xóm đã vui vẻ chấp thuận. Vụ việc được giải quyết thành công, xóm giềng lại thuận hòa để tiếp tục đồng hành với công việc thời vụ. Ông Thế cho biết: Bình quân mỗi năm tổ hòa giải tiến hành hòa giải từ 2 đến 5 vụ việc. Những mâu thuẫn trong cuộc sống rất đơn giản, có khi xuất phát chỉ từ lời nói, bất hòa trong mối quan hệ bố con, anh em, vợ chồng, họ hàng, hàng xóm hay chuyện cây trồng vật nuôi, tranh chấp đất đai... Khi phát hiện vụ việc, các thành viên trong tổ hòa giải của xóm dành thời gian xác minh, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có cách phân xử hợp lý, góp phần hàn gắn mối quan hệ gia đình và tình làng, nghĩa xóm. Cùng với tổ hòa giải xóm 8, 17 tổ hòa giải của xã Nghĩa Thái luôn duy trì hoạt động hiệu quả. Trong những năm gần đây, 100% những vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư đều được các tổ hòa giải ở cơ sở phát hiện và hòa giải thành, xã không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Xác định rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hòa giải bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; cấp phát tài liệu, trợ giúp pháp lý...; từ đó giúp cán bộ, nhân dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, tạo ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”. Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm củng cố kiện toàn các tổ hòa giải theo Luật Hòa giải ở cơ sở. Trên địa bàn huyện hiện có 336 tổ hòa giải với tổng số 2.145 hòa giải viên. Thành phần chủ yếu của tổ hòa giải gồm: Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng chi Hội Phụ nữ, Hội CCB và những người am hiểu pháp luật, có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư. Đặc biệt, thực hiện phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, nên khi có vụ việc mâu thuẫn, tổ viên các tổ hòa giải phối hợp với cán bộ xã, thị trấn phân tích khéo léo, giải thích hợp tình, hợp lý để giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Từ năm 2020 đến nay, các tổ hòa giải huyện Nghĩa Hưng đã hòa giải 160 vụ việc; trong đó số vụ việc hòa giải thành đạt 89%, còn lại đang tiếp tục hòa giải. Cùng với hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, các hòa giải viên còn tăng cường lồng ghép hoạt động hòa giải với đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành tốt pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Tập trung lãnh đạo, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó tăng cường phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và Uỷ ban MTTQ các cấp trong hoạt động hòa giải, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Thường xuyên củng cố, tập huấn nghiệp vụ, cấp phát tài liệu, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng, phê bình, nhắc nhở để các hòa giải viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com