Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới

08:07, 09/07/2021

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới”, công tác dân số tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, tỉnh đều hoàn thành và vượt mức hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ, khống chế được tốc độ gia tăng dân số, giảm dần tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, từng bước nâng cao chất lượng dân số. 

Cả hệ thống vào cuộc

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai Kế hoạch hành động của tỉnh giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND, ngày 22-4-2020 về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 -2025 của tỉnh Nam Định thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch số 65/KH-UBND, ngày 27-7-2020 về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh tỉnh Nam Định đến năm 2030, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm các mục tiêu: nâng cao chất lượng dân số; kiềm chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS); duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô, cơ cấu dân số. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác DS-KHHGĐ. Các cơ quan, tổ chức các cấp đã đưa chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ vào kế hoạch hoạt động thường xuyên lấy tiêu chí thực hiện tốt chính sách dân số để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân thực hiện các chính sách dân số đã được ngành Y tế và các địa phương đẩy mạnh với nhiều hình thức; kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp đến các đối tượng, tập trung cho những địa bàn khó khăn, các đối tượng có nguy cơ cao như có con “một bề”, đặc biệt chỉ sinh con gái. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Y tế, Đài phát thanh các huyện, thành phố và trên mạng xã hội đẩy mạnh truyền thông về dân số. Đội ngũ cán bộ dân số các cấp và cộng tác viên dân số tăng cường vận động trực tiếp thông qua hoạt động của các loại hình câu lạc bộ, hội nghị, truyền thông nhóm nhỏ, hoạt động lồng ghép của các tổ chức, đoàn thể và tư vấn trực tiếp về công tác dân số trong tình hình mới; chính sách, pháp luật của Nhà nước về DS-KHHGĐ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, kiến thức chăm sóc và lợi ích chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Riêng từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động truyền thông được điều chỉnh cho phù hợp tình hình. Qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác dân số, chuyển đổi hành vi chấp nhận thực hiện các biện pháp KHHGĐ. 

Cô và trò Trường Mầm non Nam Hùng (Nam Trực) tìm hiểu về các loài hoa (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).  Ảnh: Minh Thuận

Cô và trò Trường Mầm non Nam Hùng (Nam Trực) tìm hiểu về các loài hoa (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Ảnh: Minh Thuận

Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành Y tế chú trọng bảo đảm hậu cần phương tiện tránh thai, ưu tiên cung cấp miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng khó khăn, người thuộc diện chính sách xã hội, đa dạng hóa cung cấp phương tiện tránh thai theo hướng tiếp thị xã hội và xã hội hóa, cung cấp tới tận tay người sử dụng. Công tác dịch vụ KHHGĐ từng bước được mở rộng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đối tượng thực hiện. Hàng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tập trung triển khai 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ; trọng tâm ở địa bàn có mức sinh cao, chưa ổn định, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên cao, vùng có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa và vùng ven biển; huy động sự tham gia của người dân tại cộng đồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên chuẩn bị kết hôn và phụ nữ mang thai. Riêng từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch COVID-19 kéo dài nên không thể tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc chăm CKSS, các huyện, thành phố đã chủ động triển khai dịch vụ KHHGĐ thường xuyên tại cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. 

Nhiều chuyển biến tích cực

Đồng chí Vũ Tài Anh, Chi cục phó Phụ trách Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, những năm qua, công tác dân số tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác DS-KHHGĐ, duy trì mức sinh hợp lý, khống chế tốc độ gia tăng dân số, cải thiện tình trạng SKSS, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Hàng năm, tỉnh ta đều hoàn thành và vượt mức hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ. Năm 2020, toàn tỉnh có 27.815 trẻ được sinh ra, giảm 161 trẻ so với năm 2019; tỷ suất sinh giảm 0,13%o so với năm 2019 (đạt chỉ tiêu kế hoạch); trong đó, 5.479 trẻ là con thứ 3 trở lên, giảm 284 trẻ so với năm 2019; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,9%). Tỷ số giới tính khi sinh là 114 bé trai/100 bé gái (đạt chỉ tiêu kế hoạch). Toàn tỉnh có 55.374 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ mới chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 96,59% kế hoạch giao. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã cố gắng triển khai các hoạt động ngay từ đầu năm để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giao, nhất là chỉ tiêu về giảm sinh. Toàn tỉnh có 10.844 trẻ được sinh ra, giảm 146 trẻ so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, 2.530 trẻ là con thứ 3 trở lên, tăng 142 trẻ so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 1,6%). Tỷ số giới tính khi sinh là 115,5 bé trai/100 bé gái. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có thêm 33.836 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 61% kế hoạch năm. Trong đó: 4.572 ca đặt dụng cụ tử cung, 1.614 ca tiêm thuốc tránh thai, 39 ca cấy thuốc tránh thai, 13.422 người uống thuốc tránh thai,  trên 15 nghìn người sử dụng bao cao su… Cùng với quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu KHHGĐ, các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số như: Đề án: “Tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; “Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”…  góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số của tỉnh còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, như mức sinh chưa ổn định, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao; quy mô dân số lớn và tiếp tục tăng “già hoá dân số”. Nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận người dân còn có tư tưởng muốn gia đình “đông con, nhiều cháu”, trọng nam hơn nữ; đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại tuyến huyện vẫn còn thiếu so với biên chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo Nghị quyết số 21/NQ-TW. Năm 2021, với mục tiêu nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tỉ lệ sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác DS-KHHGĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân cư. Triển khai và mở rộng thực hiện các đề án, dự án, mô hình đã được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới./.

Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com