Hội Nông dân Mỹ Lộc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:11, 30/11/2020

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hội viên nông dân xã Mỹ Tân phát triển mô hình nuôi cá Koi.
Hội viên nông dân xã Mỹ Tân phát triển mô hình nuôi cá Koi.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” luôn được các cấp Hội triển khai thực hiện hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Năm 2020, toàn huyện có 9.156 hộ nông dân đăng ký phấn đấu danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi và đã có 4.612 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. HND các xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mạnh dạn đầu tư cải tạo, xây dựng gia trại, trang trại, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, tham gia phát triển làng nghề, mở rộng mô hình sản xuất. Toàn huyện có khoảng 300 trang trại, gia trại, trong đó có 36 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Tiêu biểu như các mô hình: Chăn nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung; chăn nuôi gà tại hộ ông Trần Công Lộc, xã Mỹ Hà... Hộ ông Vũ Văn Khiêm, xã Mỹ Thịnh chăn nuôi lợn cho Công ty TNHH CJ VINA AGRI, chi nhánh Bình Dương. Ông Khiêm đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng trang trại với tổng diện tích trên 11 nghìn m2, nuôi 2.400 con lợn thịt. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm khoảng 2,2 tấn, sản lượng cá trắm cỏ khoảng 10 tấn; lợi nhuận từ trang trại đạt 800 triệu đồng/năm, giải quyết việc cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra ông còn hỗ trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật cho 5 hộ chăn nuôi lợn, giúp đỡ 5 hộ nghèo về tiền của, ngày công lao động, con giống. Các cấp HND trong huyện còn vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị bền vững. Trong đó, xã Mỹ Tiến liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương trồng 30ha lúa Dự hương, 3ha lúa BT7; xã Mỹ Hà liên kết với Công ty giống Cường Tân trồng lúa Hương cốm. HND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn nông dân đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện có 2 sản phẩm kẹo sìu châu và kẹo dồi của cơ sở sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ, xã Mỹ Thịnh được công nhận OCOP đạt 3 sao. Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể được đẩy mạnh. Toàn huyện đã thành lập 7 tổ hợp tác với 81 thành viên tại các xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Thắng, Mỹ Tiến, Mỹ Hà, góp phần gắn kết hội viên cùng sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ nhau về vốn, giống, kỹ thuật.

Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Điển hình là các mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi của anh Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà; chăn nuôi lợn của anh Phạm Văn Khiêm, xã Mỹ Thịnh. Mô hình trồng hoa của anh Nguyễn Trọng Đại, xã Mỹ Tân trên diện tích vườn rộng 1.800m2; tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 400-500 triệu đồng/năm. Anh đã xây dựng 2 nhà lạnh với tổng diện tích hơn 100m2 để bảo quản hoa; giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng; giúp đỡ 4 hộ nghèo về vốn, giống, ngày công lao động; tham gia thành lập Tổ hợp tác trồng hoa Hồng Hà với 6 thành viên; thành lập Hợp tác xã hoa và cây cảnh Mỹ Tân với 15 thành viên. Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi cũng khuyến khích, động viên hội viên phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức: giúp về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất... 5 năm qua, các cấp HND trong huyện đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 3.357 lượt lao động; giúp đỡ các hộ khó khăn 6.534 cây, con giống, 78 thiết bị vật tư nông nghiệp, 33 tấn phân bón để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao... Cán bộ, hội viên nông dân còn tích cực tham gia xây dựng Quỹ “Mái ấm nông dân” với số tiền gần 36 triệu đồng, ủng hộ 1.103 ngày công và hàng hóa để giúp đỡ hộ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... Ngoài ra, các cấp HND trong huyện đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ dịch vụ, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn tín dụng, tạo điều kiện cho hội viên trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.  Đã có hơn 36 hộ hội viên được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 1 tỷ 503 triệu đồng (Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện 303 triệu đồng, ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và tỉnh 1 tỷ 200 triệu đồng) tại 6 dự án. Các hộ được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, tập trung chăn nuôi, nuôi thủy sản, duy trì và phát triển làng nghề..., góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hội viên. HND huyện còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm dạy nghề huyện mở 23 lớp đào tạo nghề cho 719 hội viên, nông dân.

Thời gian tới, các cấp HND huyện Mỹ Lộc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, công ty, doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân; nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp với các tổ chức tín dụng, hướng dẫn nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Khuyến khích hội viên phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại với công nghệ tiên tiến, sản xuất theo chuỗi liên kết./.

Bài và ảnh: Lam Hồng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com