Nghị lực của chàng trai khuyết tật

07:07, 31/07/2020

Ở xã Tam Thanh (Vụ Bản), nhiều người biết đến Trương Quốc Tuấn, chàng trai khuyết tật vận động, ngôn ngữ nhưng bằng nghị lực của bản thân, sự giúp đỡ của gia đình, Tuấn đã nỗ lực vượt lên số phận, vươn lên trong cuộc sống và từng bước khẳng định mình.

Dù bị khuyết tật, Trương Quốc Tuấn vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Dù bị khuyết tật, Trương Quốc Tuấn vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Năm 1998, cũng như bao đứa trẻ khác Trương Quốc Tuấn cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của bố mẹ. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi Tuấn lớn lên chẳng thể biết đứng, biết đi và biết nói như những đứa trẻ bình thường khác. Lo lắng cho sức khỏe của con, bố mẹ đã đưa em đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không có biến chuyển. Công việc làm nông vất vả nên bố mẹ không có nhiều thời gian dành cho con, vì vậy hàng ngày Tuấn được bà nội chăm sóc. Với tình thương của mình, bà dành nhiều tình thương và thời gian cho Tuấn nên càng ngày, bà càng thấy dù khuyết tật vận động, ngôn ngữ nhưng nhận thức của Tuấn hoàn toàn bình thường. Vì vậy bà hay kể chuyện, đọc thơ và hát cho cháu nghe, từ đó ngôn ngữ của Tuấn có sự biến chuyển rõ rệt dù âm điệu còn khó nghe. Lo cháu thiệt thòi khi không thể đến trường, từ 5 tuổi bà đã dạy cháu tập nhận biết chữ cái. Nhà không có bảng nên cánh cửa, manh liếp, nền nhà đều là chỗ học của hai bà cháu. Dần dần, Tuấn đã biết ghép vần và học số, rồi biết nhân chia. Năm 2009, nghe tin ở Trung tâm GDTX Liên Minh (Vụ Bản) có mở lớp vừa học vừa làm cho học sinh khuyết tật, bà tìm hiểu và đề nghị bố mẹ Tuấn đưa con đi đăng ký với hy vọng con biết thêm kiết thức và có được một nghề cho tương lai. Dù chưa một ngày đến trường, nhưng dưới sự đánh giá của các thầy cô giáo, trình độ của em tương đương với học sinh lớp 5 và có thể đi học tại trung tâm. Tuy nhiên, do tình hình sức khỏe nên Tuấn đã không thể tiếp tục đến trường mặc dù em luôn có khát khao được học tập. Ở nhà, hàng ngày Tuấn xem ti vi, mượn điện thoại đen trắng của bố để nghịch và dần dần em nung nấu ước mơ được học về nghề điện tử. Năm Tuấn 12 tuổi, em đòi bố mẹ mua cho mình một chiếc máy tính. Chiều theo ý nguyện của con, bố em đã tìm mua một chiếc máy tính cũ với ý định rất đơn giản để con có phương tiện để giải trí khi ở nhà một mình. Với tính cách thích khám phá, tìm hiểu, Tuấn đòi kết nối mạng và hàng ngày đều dành rất nhiều thời gian để vào mạng học tập, dù đôi tay em không thể điều khiển được bàn phím, lấy đôi chân thay cho bàn tay khuyết tật, Tuấn đã khiến nhiều người bất ngờ. Với vốn kiến thức biết đọc biết viết mà bà nội kỳ công dạy bảo, Tuấn lên mạng mày mò nghiên cứu các phần mềm tin học và tự học tiếng Anh. Khi đã thành thạo các kỹ năng dùng máy tính, Tuấn đã tìm hiểu chuyên sâu hơn về công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng và lập trình, đồng thời tự học sửa chữa ti vi, điện thoại, máy tính. Luôn theo sát cháu trong mỗi bước đi, từ năm 2015, bà nội đã là “cộng tác viên” đắc lực của Tuấn khi không ngần ngại đạp xe ra thị trấn Gôi để mua điện thoại cũ, bàn phím, usb, con chuột… mỗi khi cháu cần. Đồng thời bà đi in tờ rơi theo nội dung cháu viết để “quảng cáo” sửa ti vi, điện thoại, máy tính trên khắp các đường làng, ngõ xóm. Em cũng tự lập facebook để kết bạn và tự “quảng cáo” cho mình. Tiếng lành đồn xa, từ những chiếc ti vi, điện thoại sửa miễn phí cho họ hàng, làng xóm, dần dần nhiều người đã biết đến và càng ngạc nhiên, khâm phục hơn khi trực tiếp thấy em sửa chữa bằng chân. Hầu như Tuấn đều sửa chữa, chạy lại phần mềm miễn phí cho mọi người, những máy bị hỏng nhiều cần thay thế phụ kiện hoặc mất nhiều công, Tuấn mới nhận chút tiền công. Với em, hàng ngày được nói chuyện với mọi người và khiến mọi người cảm thấy hài lòng đã là niềm vui. Tính đến nay, Tuấn đã sửa được cả trăm chiếc điện thoại, ti vi, máy tính cả đời mới lẫn đời cũ, riêng dòng điện thoại Iphone em sửa nhiều nhất, trong đó có khoảng hơn chục chiếc Iphone X cho khách hàng khó tính ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam gửi ra. Tuy nhiên, công việc mà Tuấn say mê nhất là lập trình web và viết phần mềm cho các công ty mà Tuấn là cộng tác viên. Các phần mềm đều được Tuấn viết bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và Anh. Phần mềm mà Tuấn có nhiều cảm hứng nhất là phần mềm chống trộm dành cho điện thoại và máy tính, được nhiều người biết đến và đánh giá cao. Phần mềm này có mã khóa từ xa, có sử dụng vân tay và khuôn mặt, giúp máy tự động khóa và chụp hình ảnh, quay phim, ghi âm, định vị người lấy để báo cho người mất. Đã có những trường hợp lấy lại được điện thoại khi bị mất cắp. Đến nay, phần mềm chống trộm - an toàn cho mọi người được Tuấn đặt cài miễn phí cho người dùng. Hiện tại, Tuấn là cộng tác viên của một số công ty phần mềm trong nước và nước ngoài. Vì vậy, hàng ngày em đều thức rất khuya để làm việc. Tuấn cho biết, công việc chính là niềm vui để em vượt lên chính mình. Cho dù thức trắng đêm hay những ngày cặm cụi ngồi sửa chữa điện thoại, máy tính đến tê bì đôi bàn chân thì em vẫn thấy đó là việc có ý nghĩa nhất, không chỉ dành cho bản thân mà là lời cảm ơn, là món quà dành cho bà nội già yếu và bố mẹ đã luôn đồng hành cùng em trên mỗi bước đường đời./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com