Khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho học sinh

08:02, 20/02/2020

Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các em học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại các địa chỉ đỏ, lồng ghép trong các bài học lịch sử… để từ đó các em biết trân trọng quá khứ, biết ơn những thế hệ cha anh đi trước, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đối với Trường THCS Giao Thanh (Giao Thủy), cứ vào những ngày lễ lớn của đất nước như: kỷ niệm ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, ngày thành lập Đảng 3-2, ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7…, nhà trường đều tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh. Những bài hát, tiểu phẩm ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, những câu chuyện, những kỷ niệm của những năm tháng gian khổ trong chiến đấu đã được các bác cựu chiến binh kể lại đã để lại tình cảm sâu sắc trong mỗi học sinh. Thầy giáo Phan Chiểu, Hiệu trưởng Trường THCS Giao Thanh cho biết: Việc giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh có vai trò quan trọng nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho các em, vì vậy nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tổ chức giao lưu, nói chuyện để các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng, những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó giáo dục truyền thống yêu nước, tạo động lực để các em phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện. 

Cuối năm 2019, Trường THCS Bạch Long đã phối hợp với Đồn Biên phòng Quất Lâm tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cho gần 500 học sinh. Tại buổi sinh hoạt, các em học sinh đã được nghe, tìm hiểu sâu hơn các kiến thức về biển, đảo Việt Nam; các Công ước quốc tế về biển, Luật Biển Việt Nam; những chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan đến biển, đảo; khẳng định quan điểm nhất quán kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Từ đó, định hướng cho các em lòng yêu nước, thấy được trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; giúp các em tích cực tu dưỡng, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa lịch sử địa phương, truyền thống cách mạng vào giảng dạy tại các giờ ngoại khoá. Đây là một trong những cách làm mới góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử ở các nhà trường. Trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức, nỗ lực sáng tạo phương pháp chuyển tải, khơi dậy niềm yêu thích để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của địa phương. Bên cạnh việc giảng dạy, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể của xã, phường, thị trấn như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu các ngày kỷ niệm của đất nước và có những hoạt động tri ân thiết thực. Theo đó, nhiều đơn vị trường học đã đến thăm, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, tổ chức giúp đỡ, động viên những thương, bệnh binh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Nhiều trường còn đảm nhận chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử cách mạng tại địa phương. Đặc biệt, tại nhiều điểm di tích, các em được bậc lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử kể về những câu chuyện đấu tranh và bảo vệ quê hương của cha ông. Các nhà trường còn tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, động viên tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, giúp gia đình chính sách bằng những việc làm ý nghĩa, mang tính giáo dục sâu sắc. Qua mỗi lần tham quan, ở một số trường học còn cho học sinh tự viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, trong các ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày Thương binh - Liệt sĩ…, nhiều trường đã mời các bác cựu chiến binh tại địa phương nói chuyện truyền thống cách mạng của địa phương, của dân tộc, quân đội và nhân dân Việt Nam; về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, về bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ"… để các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng, những công lao đóng góp to lớn của thế hệ cha anh đi trước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tạo động lực để các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Đây cũng là chương trình phối hợp có ý nghĩa thiết thực được các nhà trường và các cấp Hội Cựu chiến binh duy trì phối hợp trong nhiều năm qua. Trong 5 năm qua, các cấp Hội Cựu chiến binh đã phối hợp với các nhà trường tổ chức trên 2.000 buổi giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên. Qua những bài học bổ ích trong chương trình giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, các em học sinh đã có cách nhìn và hiểu sâu sắc về lịch sử quê hương. Đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống của dân tộc, tri ân những anh hùng tiền nhân của quê hương đất nước, nguyện tiếp bước cha ông xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Việc giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh còn góp phần quan trọng phát triển toàn diện nhân cách cho các em. Hiện tại, toàn ngành đã nhận chăm sóc 490 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 74 di tích lịch sử cấp quốc gia, 119 cấp tỉnh và 299 nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm.

Việc đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong các nhà trường hiện nay. Tuy nhiên, để công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh trong các nhà trường đạt được hiệu quả hơn thì cần hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp giữa nhà trường với các cấp Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, bảo tàng, thư viện, ban quản lý các di tích… Qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần cảnh giác cách mạng cho các thế hệ học sinh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com