Nặng lòng với trẻ tự kỷ

09:12, 13/12/2019

Không đứng trên bục giảng, cũng chẳng có khái niệm nghỉ hè, những cô giáo dạy trẻ tự kỷ vừa là người dạy dỗ, là người bạn tâm giao, vừa như mẹ hiền dạy cho học trò của mình những kỹ năng sống đơn giản nhất mà đáng lẽ đứa trẻ bình thường nào cũng có. Mỗi ngày qua đi, “những người thầy đặc biệt” đó đều đang nỗ lực, cố gắng từng chút một với hy vọng chưa bao giờ tắt về một ngày các em có thể hòa nhập, trở thành những đứa trẻ có thể đến trường để học tập, vui chơi như biết bao trẻ em khác.

Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập 2-4 trong giờ dạy trẻ tự kỷ.
Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập 2-4 trong giờ dạy trẻ tự kỷ.

Trong những phòng học nhỏ nhắn, sạch sẽ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập 2-4 (thành phố Nam Định), chúng tôi nghe tiếng nô đùa của các bạn nhỏ khi cùng nhau chơi đồ chơi xếp hình, phân loại đồ vật, cùng tập một bài vận động đơn giản. Nhìn sự hồn nhiên, ngây ngô, đáng yêu ấy, không ai có thể nghĩ, các em nhỏ ở đây mang trong mình hội chứng tự kỷ... Hiện tại, trung tâm có 25 cháu theo học, trong đó có cháu tự kỷ, cháu chậm nói, cháu tăng động giảm chú ý, cháu khuyết tật trí tuệ, mất điều khiển ngôn ngữ lời nói. Chỉ riêng chứng tự kỷ, tuy chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa lành hoàn toàn, nhưng bằng cách can thiệp hành vi và giáo dục sớm có thể cải thiện khả năng phát triển của trẻ. Vì vậy, ngoài kỹ năng chuyên môn, sự kiên nhẫn, nhiệt tình, các cô còn mang trong mình tình thương, lòng yêu nghề, từ đó mới có thể giúp trẻ hòa nhập, tiến bộ. Nhìn cách bố trí lớp học cho các nhóm, phòng cá nhân và sân chơi… cùng cách dạy dỗ các em mới thấy hết được tâm huyết của các cô giáo nơi đây. Chủ cơ sở và các giáo viên hầu hết đều tốt nghiệp cử nhân hoặc có chứng chỉ chuyên ngành giáo dục đặc biệt, trong đó cô giáo Đặng Thị Huệ, chủ cơ sở tốt nghiệp Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thạc sĩ Khoa Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô thường xuyên tham gia các đợt tập huấn chuyên môn theo từng chuyên đề tại Hà Nội, do các chuyên gia và giáo viên nước ngoài giảng dạy. Dù được đào tạo đúng chuyên ngành và hầu hết đã có kinh nghiệm trong dạy trẻ khuyết tật nhưng đối với các cô, để các em tiến bộ đòi hỏi sự kiên trì, lòng yêu thương vô bờ bến. Cô Đỗ Thị Vân Anh, người gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu tiên chia sẻ: “Dạy một học sinh bình thường đã vất vả nhưng với trẻ đặc biệt thì khó khăn gấp bội. Có những em khó nói, phải mất vài tháng chỉ để dạy gọi tên mẹ, tên cô, nhận biết một chữ cái nào đó. Với những em không nói được, càng cần sự kiên nhẫn. Bởi vì đã không nói được thì chắc chắn bố mẹ, giáo viên và những người xung quanh rất khó để hiểu được suy nghĩ, tâm trạng của các em, ở giai đoạn dạy dỗ này sẽ thực sự là một thách thức”. Đối với những trẻ khi mới đến trung tâm, các cô sẽ có những biện pháp để đánh giá trẻ, tư vấn cho phụ huynh đang mắc rối loạn nào, trẻ gặp vấn đề gì… Sau một tuần đánh giá về các mặt, các cô có chương trình phối hợp như: dạy vệ sinh, ăn uống, nghe hiểu, nhận thức, ngôn ngữ, vận động tinh thô… và lên chương trình giáo dục ban đầu từ 4 đến 6 tháng. Có em chỉ học riêng một chương trình, nhưng có em sẽ được kết hợp cùng lúc 3 chương trình giáo dục. Bên cạnh đó, các cô kết hợp hài hòa giữa các phương pháp: phục hồi chức năng, âm ngữ trị liệu, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, điều hòa giác quan tâm vận động, trị liệu bằng âm nhạc… và những can thiệp bình thường như: ăn, ngủ, tự mặc quần áo. Mỗi tuần, mỗi tháng các cô đều ghi nhật ký, gửi video học tập về cho phụ huynh xem để thấy các bước tiến bộ của con để cùng kết hợp với giáo viên giáo dục cho hiệu quả. Có những em, từ 3-4 tháng mới có sự tiến bộ. Các cô cũng thường xuyên đi tập huấn tại các trung tâm lớn, các tổ chức, mạng lưới trẻ tự kỷ Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các chuyên gia. Đến nay, nhiều trẻ học tại trung tâm đã có sự tiến bộ rõ rệt, trong đó có một học sinh đủ điều kiện chuẩn bị đi học hòa nhập bậc tiểu học.

Đối với cô giáo Đỗ Thị Hân, hiện đang dạy trẻ tự kỷ tại một lớp học trên đường Bến Ngự (thành phố Nam Định) đã nhiều lần phải bật khóc với cảm giác bất lực vì các con không tương tác hay phản ứng trong suốt quá trình học. Nhưng, tình yêu thương đối với những đứa trẻ kém may mắn ấy đã không cho phép cô nản lòng. Cô hiểu được, dạy trẻ tự kỷ không chỉ cần kiến thức, kỹ năng chuyên biệt mà quan trọng nhất là phải dạy bằng tình yêu thương, dạy bằng cả sự kiên trì và nhẫn nại. Khi đến lớp, các em như một tờ giấy trắng. Có em chậm biết nói, có em thì thu mình không giao tiếp với thế giới bên ngoài nhưng cũng có em lại nói quá nhiều, liên tục chạy nhảy, vận động, có thể làm tổn thương bản thân và các bạn... Để dạy được các em những kỹ năng đơn giản nhất như xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, đi vệ sinh… phải mất rất nhiều công sức và thời gian của cả cô lẫn trò. Mỗi sự tiến bộ tưởng như là bình thường và hiển nhiên đối với những trẻ bình thường khác lại là niềm hạnh phúc lớn lao đối với những cô giáo “đặc biệt” này. Đôi khi chỉ được nghe những câu hỏi rất đỗi ngô nghê của con trẻ, là những khi các con có thể cất tiếng hát dù câu hát chưa trọn vẹn, là lần các con có thể chạm những ngón tay không linh hoạt lên chiếc đàn piano, tạo nên những âm thanh lộn xộn, hay khi đến lớp các con biết chào cô, cuối buổi học thì biết đi dép, đội mũ khi cha mẹ đến đón… Những điều đó đã đủ để khiến những cô giáo dạy trẻ tự kỷ như cô Hân cảm thấy vui. Cô cho biết: “Khi dạy trẻ tự kỷ, người giáo viên phải giúp các con có được cảm giác an toàn, vui vẻ và là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các con có thể trải lòng cũng như tham gia các hoạt động. Nếu không kiên trì, không yêu thương các con thì để các con tiến bộ là điều vô cùng khó”. Đến nay, cô đã có 7 năm kinh nghiệm dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, áp lực từ các em, từ phụ huynh là điều không thể tránh khỏi. Mỗi phụ huynh có một hoàn cảnh khác nhau và không phải ai cũng hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều phụ huynh khi cho con đến học đã bỏ qua “giai đoạn vàng” để can thiệp tốt nhất, có gia đình khi con mới chỉ can thiệp được một, hai tháng đã đòi hỏi phải có kết quả và tỏ thái độ không bằng lòng. Khi đó, các cô phải kiên trì để phụ huynh hiểu và kết hợp giáo dục các em hiệu quả. Đồng thời đặt cương vị mình vào phụ huynh và các con để tự cố gắng mỗi ngày. “Khó khăn trong nghề nhiều lắm nhưng với giáo viên dạy trẻ tự kỷ, âm thanh đầu tiên các em bật lên là động lực mạnh mẽ giúp chúng tôi tiếp tục cố gắng. Chứng kiến cảnh một người mẹ bật khóc khi nghe con cất tiếng gọi mẹ ơi, mọi nỗi nhọc nhằn của chúng tôi dường như tan biến”, cô Hân chia sẻ.

Trẻ bị rối nhiễu trí tuệ hay bị tự kỷ không phải là bệnh và có thể hòa nhập cộng đồng nếu gia đình sớm phát hiện. Tuy nhiên, mỗi em lại có những biểu hiện và mức độ bệnh khác nhau, vì vậy giáo viên dạy trẻ phải nắm chắc tình hình bệnh, tâm lý, tính cách của từng trường hợp để áp dụng các phương pháp y thuật và tâm lý trị liệu điều trị phù hợp. Bằng kỹ năng, kiến thức chuyên môn cũng như tấm lòng yêu trẻ, tinh thần trách nhiệm, những giáo viên ở những lớp học “đặc biệt” này luôn nỗ lực để có thể đồng hành cùng các em nhỏ trong những bước phát triển đầu tiên, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com