Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

08:07, 31/07/2019

Mục tiêu xuyên suốt trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do đó, cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập... việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng, nhằm khơi gợi, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi nhà và trong từng thôn làng.

Người dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) tìm hiểu lịch sử địa phương tại nhà truyền thống của xã.
Người dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) tìm hiểu lịch sử địa phương tại nhà truyền thống của xã.

Văn hóa truyền thống là nền văn hóa gắn chặt với cộng đồng, gia đình, dòng họ, làng xã. Thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Nghị quyết Trung ương 10 (khoá IX) về xây dựng và phát triển văn hoá, các ngành chức năng, các địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong đó chú trọng đến xây dựng đời sống văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Trên cơ sở đó, các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) và văn hóa (tiêu chí số 16) trong xây dựng nông thôn mới được các địa phương cụ thể hóa theo hướng duy trì và phát huy những giá trị truyền thống trong nếp sinh hoạt, tín ngưỡng, văn hóa và lao động, sản xuất của người dân địa phương. Đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 3.005 nhà văn hóa; 189 khu thể thao cấp xã; 2.090 sân chơi thể thao; thành lập 866 đội văn nghệ quần chúng và gần 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện, thu hút gần 2.000 hội viên,… đáp ứng yêu cầu hội họp, triển khai công việc của cơ sở thôn, đội và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Việc đẩy mạnh xã hội hóa, hệ thống thiết chế văn hóa của các địa phương trong toàn tỉnh được đầu tư đồng bộ đã góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của xã phát triển gắn với đặc trưng văn hóa của các vùng miền. Trong đó các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở các địa phương vùng phía bắc tỉnh là nơi lưu giữ phát triển những làn điệu chèo, chầu văn, hát trống quân, múa tứ linh, kéo chữ…; khu vực phía nam tỉnh là võ thuật, múa lân, thổi kèn đồng, diễn cà kheo. Tiêu biểu như Câu lạc bộ kèn đồng xã Hải Minh (Hải Hậu), Câu lạc bộ hát chèo xã Yên Phong, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Ninh, Yên Trị, Yên Chính (Ý Yên); Nghệ thuật kéo chữ (Hoa trượng hội), múa tứ linh, hát Văn của câu lạc bộ các xã Kim Thái, Thành Lợi, Quang Trung, Đại Thắng (Vụ Bản)… Hoạt động văn hóa dân gian ở các địa phương trong toàn tỉnh đã thấm sâu vào đời sống của từng cá nhân, gia đình, dòng họ, đóng vai trò chính trong các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ ở địa phương nhân dịp kỷ niệm các ngày: Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đặc biệt việc nghi thức thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đây là sự kết tinh những giá trị văn hoá bản địa, tính cố kết cộng đồng. Các địa phương đều nâng cao nhận thức xây dựng văn hóa trong nông thôn mới không đơn thuần chỉ là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa mà rộng hơn là xây dựng con người nông thôn mới. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển mạnh gắn liền với phong trào xây dựng làng, cơ quan, đơn vị văn hóa được cán bộ, nhân dân hưởng ứng triển khai đồng bộ với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, bao gồm các nội dung thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”... Các gia đình chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Nếp sống văn minh, văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực; lấy văn hóa làm nền tảng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và là “chìa khóa” để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Thực tế chứng minh, qua gần 10 năm xây dựng nông thôn mới với khối lượng công việc lớn như: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan nông thôn, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực của hệ thống chính trị cơ sở… đều được giải quyết bằng sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết của người dân nói chung trong cộng đồng và giữa chính quyền cấp cơ sở với nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã huy động được hơn 18 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó nguồn lực xã hội chiếm 71%. Các hộ dân đã hiến gần 3.000ha đất nông nghiệp và hơn 200ha đất thổ cư, ước trị giá 7.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Từ 90 làng nghề truyền thống, đến nay toàn tỉnh đã có 130 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn với hơn 52 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động. Tại huyện Ý Yên, nghề mộc mỹ nghệ ban đầu chỉ có ở xã Yên Ninh, nghề đúc đồng xã Yên Xá nhưng đã nhanh chóng phát triển ra hầu hết các xã trong huyện và huyện lân cận… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đem về thu nhập khá cho không ít gia đình, góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008. Đặc biệt vào thời điểm toàn tỉnh phát động phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều địa phương đã chọn mô hình xóm, làng văn hóa, làng nghề truyền thống để thí điểm. Trong đó, xã Điền Xá (Nam Trực) với mô hình làng nghề nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái tại thôn Vị Khê, xã Điền Xá; thôn Hồng Hà xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) xây dựng mô hình làng văn hóa phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái cộng đồng; xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong (Thành phố Nam Định) xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới phát triển kinh tế gắn với du lịch trải nghiệm…

Chương trình xây dựng nông thôn mới có khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Giai đoạn tới sẽ tập trung vào 5 trụ cột là: Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội - dân sinh, phát triển sản xuất, bảo đảm môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - tình làng nghĩa xóm và hệ thống chính trị chính quyền vững mạnh, trong sạch để hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục coi trọng việc phát huy giá trị cốt lõi của truyền thống văn hiến trên quê hương nhằm nâng cao năng lực cộng đồng và đời sống tinh thần của người dân, góp phần giúp từng địa phương trở thành những vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng xã, thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa. Nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, đồng thời duy trì quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa bảo đảm thiết thực, tiết kiệm và an toàn; quản lý di tích lịch sử, văn hóa. Tiếp tục giữ vững vai trò của văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân, là “chìa khóa” để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com