Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong lao động phi chính thức: Khó khăn từ nhiều phía

08:07, 30/07/2019

Được chính thức áp dụng đối với người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, từ ngày 1-1-2008 bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng đến mục tiêu tạo an sinh cho người lao động không làm công ăn lương có việc làm. Thực tế, tại các địa phương trong tỉnh, số lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn, bao gồm lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do, lao động trong kinh tế hộ gia đình, sản xuất kinh doanh cá thể.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút đông đảo người dân tham gia; đặc biệt là số đối tượng tham gia trong 2 năm trở lại đây có xu thế giảm mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh chỉ có trên 5.300 người tham gia bảo hiểm tự nguyện, giảm hơn 2.000 người so với năm 2017. Nguyên nhân do đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, lao động nông, lâm nghiệp... ở khu vực không chính thức với thu nhập thấp và không ổn định; thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là 20 năm là khá dài; nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa có chính sách hỗ trợ thêm cho các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Luật. Người lao động trong khu vực phi chính thức thường làm trong doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; chủ doanh nghiệp không có ký kết hợp đồng lao động với người lao động, không có bảo hiểm xã hội, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó không được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa phù hợp với các nhóm đối tượng, một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Giao dịch việc làm tỉnh.
Tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Giao dịch việc làm tỉnh.

Nghị quyết 15 và Nghị quyết 21 về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế khẳng định quan điểm và đề ra mục tiêu cụ thể “Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tự nguyện; thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế”. Đồng chí Nguyễn Lương Ba, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có nhiều quy định mới về bảo hiểm xã hội tự nguyện khắc phục một phần khó khăn cho đối tượng tham gia, như: Bỏ quy định tuổi trần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bỏ quy định mức thu nhập đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở); thay vào đó là quy định mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016-2020) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Theo đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể lựa chọn mức đóng phù hợp với khả năng của mình. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người tham gia có thể lựa chọn những phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt như: Đóng theo tháng, theo quý, theo 6 tháng, theo năm hoặc có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đồng thời, từ tháng 4-2016 mở rộng phương thức đóng bảo hiểm xã hội cho người dân đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian công tác còn thiếu (không quá 10 năm), thì được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 1 lần để hưởng lương hưu, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày 1 tháng sau liền kề tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3-8-2018 của Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đến hết năm 2019 tỉnh ta phải đạt 10.800 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội giúp người lao động yên tâm làm việc, có trách nhiệm trong công việc. Thông qua việc người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, tạo lập mối quan hệ ổn định và gắn bó giữa người lao động với người sử dụng lao động, hạn chế được hiện tượng tranh chấp và mâu thuẫn giữa hai bên, góp phần ổn định xã hội. Đồng thời, chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện đối với các nhóm đối tượng, trong đó trọng tâm là lao động phi chính thức sẽ đảm bảo tính công bằng trong chính sách bảo hiểm xã hội. Hiện nay, theo luật định, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp thu hút, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ cụ thể bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Năm 2019 và những năm tiếp theo, để đạt chỉ tiêu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng tăng cường phối hợp trong liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan có liên quan để nắm bắt chính xác số doanh nghiệp, người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tập trung đôn đốc, yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó lưu ý đối với một số nhóm đối tượng người lao động đang làm việc trong các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, các doanh nghiệp nhỏ. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện quy trình, thủ tục tham gia và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tham gia và thụ hưởng chế độ, đặc biệt liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách đối với người lao động; tập trung thực hiện tuyên truyền đối với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ một phần của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan Bảo hiểm xã hội; trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com