Thành phố Nam Định đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động

08:04, 22/04/2019

Những năm gần đây cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số cơ học cao nên Thành phố Nam Định đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động.

Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định tạo việc làm cho trên 500 lao động.
Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định tạo việc làm cho trên 500 lao động.

Hàng năm, UBND Thành phố Nam Định đều kiện toàn Ban Chỉ đạo 1956; xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn đến các phường, xã trên địa bàn. Đài phát thanh thành phố và đài truyền thanh các phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung cơ bản của Đề án 1956 như: Đối tượng học nghề, chính sách hỗ trợ học nghề để những người có nhu cầu học nghề nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thành phố khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn. Năm 2018, qua khảo sát thành phố có 240 người có nhu cầu học nghề, trong đó có 140 người có nhu cầu học nghề nông nghiệp, 100 người có nhu cầu học nghề phi nông nghiệp. UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn; giao Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thành phố Nam Định thẩm định các điều kiện, tổ chức đào tạo theo quy định như: Chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị, tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý. Các học viên đã được Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thành phố Nam Định tư vấn, tuyển sinh; đồng thời ký cam kết học viên sau học nghề có điều kiện phát triển sản xuất. Từ năm 2018 đến nay, Thành phố Nam Định đã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho 130 lao động, gồm: 2 lớp nghề nông nghiệp là chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng và 3 lớp may công nghiệp; trong đó có 12 lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; 4 lao động  thuộc hộ nghèo; 7 lao  động thuộc hộ cận nghèo; 8 lao động thuộc diện bị thu hồi đất canh tác... Trong quá trình đào tạo, Ban Chỉ đạo 1956 thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề, đảm bảo đúng quy định. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản; các học viên học nghề may đều tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. Các học viên học nghề nông nghiệp đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tự tạo việc làm trong gia đình, nâng cao thu nhập. Cùng với thực hiện đề án, các đoàn thể của thành phố như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và 5 xã ngoại thành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hội viên, đoàn viên. Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thành phố Nam Định mở hàng chục lớp đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề cho lao động địa phương. Ngoài ra, thành phố triển khai thu thập thông tin cung - cầu lao động, thống kê lực lượng lao động và nhu cầu lao động; từ đó, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động. Các ngành chức năng của thành phố phối hợp với Sàn giao dịch việc làm tỉnh, các Trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp trên địa bàn định hướng và giới thiệu việc làm mới cho người lao động. Năm 2018, thành phố đã tư vấn và giới thiệu việc làm mới cho 5.250 lao động (đạt 105% kế hoạch năm); ước tính 4 tháng đầu năm 2019 tư vấn và giới thiệu việc làm mới cho 1.800 lao động. Qua đó, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm xuống còn 2,95% (đạt chỉ tiêu dưới 3%), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho người lao động ở Thành phố Nam Định còn gặp một số khó khăn do nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như cơ hội tìm việc làm. Một bộ phận người lao động thường xuyên thay đổi công việc, nơi làm việc gây khó khăn cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động và khó khăn trong công tác quản lý đối tượng sau khi học nghề. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề còn chưa chặt chẽ. Thời gian tới, Thành phố Nam Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề; tăng cường điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Thực hiện đúng chính sách ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định, bền vững./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com