Phụ nữ Nghĩa Hưng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:03, 25/03/2019

Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và nhiệm vụ của địa phương, chú trọng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế bằng nhiều hoạt động thiết thực: cho vay vốn; đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ liên kết, chuỗi sản phẩm nông sản thực phẩm sạch… góp phần nâng cao đời sống hội viên, xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng rau, củ, quả hữu cơ của phụ nữ xã Nghĩa Hồng.
Mô hình trồng rau, củ, quả hữu cơ của phụ nữ xã Nghĩa Hồng.

Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; hướng dẫn hội viên thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí không đói nghèo. Các cấp Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; xây dựng kế hoạch hoạt động các tổ, nhóm phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhân rộng các mô hình như tổ đan cói của các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hồng; tổ phụ nữ liên kết “Nuôi trồng thủy hải sản” tại xã Nghĩa Bình; mô hình Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền; mô hình nuôi giun quế tại các xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh và Nam Điền. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển tổ chức tổng kết mô hình nông nghiệp khép kín cho phụ nữ tại 2 xã Nghĩa Minh, Hoàng Nam; nhân diện mô hình nuôi giun quế tại xã Nam Điền. Đến nay, mô hình nuôi giun quế đã có 23 thành viên tham gia với 142m2 sinh khối giun cung cấp thức ăn cho gia cầm và nuôi thủy sản; từ đó góp phần tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã khai trương mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toàn” tại xã Nghĩa Hồng với 15 thành viên tham gia. Thực hiện Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng mở 4 lớp dạy nghề đan lát thủ công cho 170 hội viên phụ nữ các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Châu, Thị trấn Quỹ Nhất. Đến nay, đã có 3.517 người tham gia làm nghề đan cói với mức thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện còn tích cực nhận ủy thác nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ TYM, Quỹ Châu Á... hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng các nguồn vốn các cấp Hội đang quản lý là 224,965 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 8.419 thành viên có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Cùng với việc hỗ trợ hội viên vay vốn, các cấp Hội tích cực vận động thành viên tham gia gửi tiết kiệm. Đến nay đã huy động tiết kiệm từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ TYM được 3,916 tỷ đồng với 8.338 thành viên tham gia. Riêng đối với Quỹ TYM, trong năm 2018 đã mở rộng địa bàn hoạt động tại Thị trấn Quỹ Nhất. Thực hiện chương trình “Tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, 10 xã, thị trấn có hoạt động của Quỹ TYM đã tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nội dung chương trình tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tới đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ. Trong 6 tháng thực hiện chiến dịch huy động tiết kiệm theo chương trình đặc biệt, tổng số tiền tiết kiệm huy động được 3,5 tỷ đồng với 84 thành viên và khách hàng tham gia. Cùng với đó, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục vận động thực hiện tiết kiệm tại Chi hội, tạo nguồn vốn tại chỗ để hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay tổng số tiền vận động tiết kiệm tại Chi hội được 1,081 tỷ đồng với  8.217 thành viên tham gia, cho 209 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, các cấp Hội thường xuyên quan tâm đến hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động giúp đỡ hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được các cấp Hội quan tâm. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã xây dựng kế hoạch rà soát số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Đến nay, trong tổng số 1.600 hộ nghèo có 700 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Trong năm 2018, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã giúp được 956 hộ nghèo, 334 hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; đã có 317 hộ thoát nghèo. Các cuộc vận động xây dựng quỹ “Vì phụ nữ khó khăn”, “Vì phụ nữ biên cương”; duy trì nồi cháo từ thiện và xây dựng thêm mỗi tuần 2 nồi cháo vào thứ bảy và chủ nhật; xây dựng 2 tủ quần áo từ thiện tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lâm; phát động phong trào nuôi “lợn đất”; kêu gọi các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ các gia đình có khó khăn, khó khăn đột xuất… tiếp tục được nhân rộng và triển khai, được các tầng lớp phụ nữ trong huyện ủng hộ tích cực. Trong năm 2018, đã hỗ trợ xây 3 nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên của các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Thái, Nghĩa Phú với tổng trị giá 60 triệu đồng; hỗ trợ 9 gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tổng số tiền 120,5 triệu đồng từ nguồn quỹ phụ nữ nghèo của huyện và kêu gọi từ tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm. Tiếp tục duy trì và phát động cán bộ, hội viên phụ nữ ủng hộ xây dựng Quỹ học bổng Hoàng Ngân nhằm động viên, khích lệ các cháu học sinh là con cán bộ nữ, cán bộ hội, hội viên phụ nữ, con nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Kết quả đã vận động quyên góp được 61,5 triệu đồng; phối hợp với Hội Khuyến học huyện tổ chức trao học bổng cho con em cán bộ, hội viên phụ nữ có thành tích xuất sắc trong năm học 2017-2018, 100 suất trao tại huyện mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng và 10 suất trao tại tỉnh mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.

Với các hoạt động thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com