Tăng cường công tác phát hiện, quản lý, điều trị bệnh lao

08:03, 22/03/2019

Đến nay mạng lưới chống lao trên địa bàn tỉnh được củng cố ở cả ba tuyến. Công tác xã hội hóa, truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở; 100% dân số được chương trình bảo vệ. Công tác phát hiện người nhiễm lao đạt 104,7% kế hoạch; đặc biệt chú trọng nguồn lây lao phổi AFB (+) đưa vào quản lý điều trị. 100% số bệnh nhân phát hiện được quản lý điều trị bằng hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS), tỷ lệ khỏi cao đạt 93%.

Nuôi cấy vi khuẩn lao nhanh trong môi trường lỏng để phát hiện bệnh lao bằng máy MG Batex 3960 tại Bệnh viện Phổi tỉnh.
Nuôi cấy vi khuẩn lao nhanh trong môi trường lỏng để phát hiện bệnh lao bằng máy MG Batex 3960 tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Đạt được kết quả trên, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, những người làm công tác phòng chống lao từ tỉnh đến cơ sở luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mạng lưới phòng chống lao toàn tỉnh được củng cố toàn diện, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chương trình chống lao quốc gia. Các đơn vị từng bước nâng cao chất lượng công tác điều trị. Năm 2018, Bệnh viện Phổi tỉnh đã khám cho 7.502 lượt bệnh nhân, tiếp nhận và điều trị nội trú cho 3.178 bệnh nhân; 100% bệnh nhân lao phát hiện được bệnh viện đưa vào quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp, tỷ lệ khỏi đạt 94%. Bệnh viện tiếp tục triển khai điều trị lao bằng công thức 6 tháng kiểm soát trực tiếp (DOTS); bệnh nhân giai đoạn tấn công điều trị nội trú; giai đoạn củng cố giao cho y tế xã, phường quản lý. Bệnh viện phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh trong quản lý điều trị bệnh nhân lao/HIV; phối hợp y tế công, tư trong công tác phòng chống lao nhằm tăng cường phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân lao đi đôi với việc phát hiện, theo dõi, quản lý và điều trị lao trẻ em theo quy định của Chương trình chống lao quốc gia… Đội ngũ cán bộ làm công tác chống lao trong toàn tỉnh hiện có 428 người, trong đó tuyến tỉnh là 124 cán bộ, tuyến huyện 75 cán bộ, tuyến xã, phường 229 cán bộ, bảo đảm các xã, phường, thị trấn đều có mạng lưới chống lao, đạt yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng để thực hiện tốt Chương trình chống lao quốc gia. Năm 2018, tổng số bệnh nhân lao đã phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 1.722/1.645 người, đạt 104,7% kế hoạch; trong đó lao/HIV 20 trường hợp, lao kháng đa thuốc 51 trường hợp, lao trẻ em 44 trường hợp; đã khám sàng lọc HIV cho 1.680/1.722 bệnh nhân lao, chiếm tỷ lệ 97,6%, khám sàng lọc lao cho tất cả bệnh nhân HIV tại các phòng khám ngoại trú. Những đơn vị làm tốt công tác phòng, phát hiện và điều trị lao là Bệnh viện Phổi tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy. Để đẩy mạnh công tác phòng chống, khám và điều trị bệnh lao, cùng với công tác truyền thông, các cơ sở chống lao đã thực hiện liên kết toàn diện với các cơ sở y tế công, tư trong phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao trên cơ sở chiến lược DOTS, tăng cường sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và huy động xã hội hỗ trợ về tài chính, nguồn nhân lực công tác... Lồng ghép phòng chống lao với chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS; tập huấn cho các điều dưỡng viên; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã và mạng lưới chống lao từ tỉnh đến cơ sở...

Tuy nhiên, công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức: Công tác phát hiện còn yếu, hoạt động phòng chống lao trẻ em chưa được quan tâm đúng mức; cán bộ làm công tác chống lao còn thiếu; hạ tầng xây dựng, trang thiết bị chưa đáp ứng hoạt động phòng chống bệnh lao; vẫn còn một số bộ phận người dân kỳ thị với người bị bệnh lao. Việc phát hiện, thu dung, điều trị bệnh lao kháng thuốc tại một số đơn vị thấp; lao/HIV diễn biến phức tạp... Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3-2019, Chương trình chống lao quốc gia đã chỉ đạo triển khai Chiến dịch truyền thông với chủ đề: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Đây là hoạt động quan trọng hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng, chống lao; giảm mặc cảm kỳ thị đối với người bị bệnh lao; tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành Y tế cung cấp. Tăng cường công tác phát hiện bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong phát hiện, xây dựng và triển khai các công cụ, can thiệp và chiến lược mới, cũng như trong nghiên cứu về lao và bệnh phổi.

Hưởng ứng thông điệp trên, tỉnh ta tập trung thực hiện các giải pháp: Tăng cường phát hiện các thể lao trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng đến nguồn lây chính lao phổi AFB (+) để đưa vào quản lý điều trị ngăn chặn nguồn lây, phát hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tiếp tục triển khai điều trị bằng các phác đồ điều trị theo Quyết định 3126/QĐ-BYT ngày 23-5-2018 của Bộ Y tế, phấn đấu tỷ lệ khỏi trên 90%, hạn chế tỷ lệ bỏ điều trị, tử vong. Bệnh viện Phổi tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh trong quản lý điều trị bệnh nhân lao/HIV. Đẩy mạnh phối hợp y tế công, để thực hiện theo mô hình 1 nhằm tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và quản lý điều trị; từng bước triển khai các mô hình tiếp theo cho các phòng khám tư có đủ điều kiện. Tăng cường phát hiện, theo dõi, quản lý và điều trị lao trẻ em theo quy định của Chương trình chống lao quốc gia; lập sổ theo dõi trẻ dưới 5 tuổi có tiếp xúc với nguồn lây lao phổi. Điều trị dự phòng bằng INH cho trẻ em được xác định không mắc lao có tiếp xúc với nguồn lây. Củng cố nâng cao chất lượng công tác xét nghiệm tuyến huyện; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phát hiện chẩn đoán và điều trị. Thực hiện tốt công tác kiểm định theo lô (LQAS) theo quy định của Chương trình chống lao quốc gia. Tuyến tỉnh tiếp tục triển khai nuôi cấy những trường hợp lao phổi AFB (-) và lao ngoài phổi, tiến tới làm kháng sinh đồ phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị lao kháng thuốc; hoàn thiện mạng lưới chống lao cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã, phường; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bệnh viện Phổi tỉnh và các khoa lao Trung tâm y tế tuyến huyện. Ngoài ra, để công tác phòng chống lao tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, cần có sự chia sẻ trách nhiệm, đầu tư nguồn lực của địa phương, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân trong cộng đồng trong công tác phòng chống lao ở địa phương./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com