Giải pháp tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

08:12, 17/12/2018

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được thực hiện ở nước ta từ ngày 1-1-2008, áp dụng đối với người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Từ ngày 1-1-2018, Luật BHXH sửa đổi chính thức có hiệu lực, được sự đón nhận tích cực của người dân, đặc biệt là những người đã gần hết tuổi lao động nhưng chưa tích lũy được đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH; Điều 14 và Điều 17 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Về phương thức hỗ trợ: Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu; định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ (mẫu D06-TS), gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH; cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ do cơ quan BHXH chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ BHXH mỗi quý một lần; chậm nhất đến ngày 31-12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ BHXH của năm đó. Về kinh phí hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp; ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các địa phương ngân sách khó khăn.

Các bí thư chi bộ cơ sở của xã Hải Hưng (Hải Hậu) trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.  Bài và ảnh: Việt Thắng
Các bí thư chi bộ cơ sở của xã Hải Hưng (Hải Hậu) trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tại tỉnh ta, sau 10 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là số đối tượng tham gia trong 2 năm trở lại đây có xu thế giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017, toàn tỉnh có 7.148 người người tham gia; đến tháng 11-2018, số người tham gia BHXH tự nguyện là 3.657 người, giảm 3.815 người (tương ứng với 48,9%) so với cùng kỳ năm 2017. Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp là do 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, chính sách BHXH tự nguyện mặc dù đã được thiết kế ưu việt về quyền lợi nhưng tính hấp dẫn còn chưa cao trong bối cảnh đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện là người lao động thuộc khu vực phi chính thức, tính chất công việc không ổn định, mặt bằng thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm); mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn thấp. Hiện nay, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ là hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động đối tượng do chưa có cơ chế chiết khấu hoa hồng đủ sức hấp dẫn đối với các đại lý thu BHXH so với sản phẩm bảo hiểm thương mại; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin về BHXH, đăng ký tham gia; các phương pháp giao dịch, đăng ký và thu nộp chưa đa dạng và tiện lợi. 

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%. Tại tỉnh ta, so với lực lượng lao động hiện có, đến năm 2019 sẽ phát triển thêm 100 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Để đạt được điều đó thời gian tới, BHXH tỉnh tăng cường các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giải quyết tốt hơn thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH cho người dân, doanh nghiệp theo hướng nhanh gọn, thuận lợi. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước. Thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước (ví dụ ưu đãi vay vốn sản xuất, kinh doanh). Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu BHXH tự nguyện; đẩy mạnh việc thực hiện thu và chi BHXH tự nguyện qua ngân hàng; đa dạng mạng lưới cung cấp dịch vụ./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com