Tăng cường quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm trong hè

08:07, 24/07/2018

Với mục đích học để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nhiều gia đình chẳng ngại dành thời gian, tiền bạc để đầu tư cho con em tham gia các lớp học văn hóa ngoài thời gian học ở trường. Tuy nhiên, điều đáng nói là hoạt động dạy thêm, học thêm vào dịp hè đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.

Giờ học nhạc của học sinh Trường THCS Bình Minh (Nam Trực).
Giờ học nhạc của học sinh Trường THCS Bình Minh (Nam Trực).

Em Bùi Thúy Linh năm nay chuẩn bị bước vào lớp 5 ở một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định. Dù là học sinh giỏi 4 năm liền nhưng từ khi vừa kết thúc năm học, được cô giáo gợi ý, mẹ em đã đăng ký cho em học thêm ngay từ tháng 6, học tại nhà cô giáo 4 buổi/tuần. Thay vì được nghỉ hè xả hơi, em lại cần mẫn với sách vở. Có những hôm nắng gay gắt đến 39 độ C, 2h chiều em đã có mặt ở lớp. Phòng học chật hẹp chứa tới 30 học sinh mà chỉ có chiếc quạt trần phe phẩy. Linh cho biết: “Con chỉ muốn được nghỉ hè thôi nhưng cô giáo và bố mẹ nói con cần phải cố gắng để sang năm mới có thể thi tuyển vào trường chất lượng cao được”. Khác với Bùi Thúy Linh, cậu bé Duy Khoa năm nay mới chuẩn bị vào lớp 1. Với vóc dáng gầy gò, đến bữa ăn vẫn phải mẹ bón cho từng thìa cơm, thế nhưng ngay sau khi hoàn thành chương trình mầm non, cậu bé đã phải đến lớp học chữ mỗi ngày. Mẹ em, chị Trần Thị Hà cho biết: “Mới đầu tôi cũng không định cho cháu đi học chữ trước đâu, nhưng thấy xung quanh các bé cùng lứa tuổi đi học từ sau Tết Nguyên đán và đều đã biết đọc, biết viết nên tôi lo lắm. Đến tháng 6, do sốt ruột quá nên tôi mới cho cháu đi học(!). 

Để học sinh không bị bớt xén thời gian nghỉ hè, những năm qua, ngành GD và ĐT đã ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Trong đó, đáng chú ý, tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT nêu rõ: Cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học và học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên thực tế năm nào tình trạng dạy thêm, học thêm, nhất là trong dịp hè vẫn diễn ra. Qua khảo sát tại địa bàn Thành phố Nam Định, tình trạng dạy thêm, học thêm bắt đầu sôi động từ tháng 6, chủ yếu tại các hộ dân cho thuê nhà. Điều dễ nhận thấy tại các lớp học này là việc thực hiện theo những quy chuẩn cần thiết như diện tích lớp học, bàn ghế, bảng chống lóa... chưa bảo đảm theo quy định, số lượng học sinh quá đông so với diện tích phòng học, thu học phí cao hơn quy định, dạy trước chương trình, không phân loại học sinh khi chia lớp dạy… Đành rằng việc bồi dưỡng “lỗ hổng” kiến thức đối với những học sinh yếu kém, nâng cao, mở rộng kiến thức đã học ở trên lớp… đối với những em khá, giỏi là nhu cầu chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, hầu hết việc đi học thêm hiện nay, nhất là học thêm trong hè đều không nhằm mục đích trên mà là để học trước chương trình, nghĩa là học chương trình mà vào năm học mới các em chỉ việc… học lại. Được biết, giữa tháng 8 hằng năm, việc dạy thêm, học thêm cũng chỉ được tổ chức cho các em học sinh có học lực yếu kém, các em trong diện phải thi lại… và việc dạy thêm, học thêm được tổ chức ngay tại nhà trường. Còn trong năm học, tất cả các giáo viên có nhu cầu dạy thêm phải được sự cho phép của nhà trường. Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện quy định như thế nào lại là chuyện của… các thầy, cô giáo(!) Mặt khác về phía phụ huynh, thấy “nhà nhà học thêm, người người học thêm” nên phần lớn mọi người đều lo lắng nếu con cái mình không đi học thêm sẽ không theo kịp các bạn. Điều ghi nhận là ngay từ khi kết thúc năm học 2017-2018, Sở GD và ĐT đã có công văn chỉ đạo các nhà trường, tập thể, cá nhân trong ngành không tổ chức dạy thêm, học thêm trong tháng 6 và tháng 7-2018 dưới mọi hình thức. Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của đơn vị mình theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, quy định giáo viên không được dạy thêm với học sinh mà mình dạy chính khóa được coi là biện pháp ngăn chặn hành vi tiêu cực, nhưng thực tế, cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều muốn được học và dạy chính học sinh của mình, bởi thầy - trò là người hiểu nhau hơn ai hết. Vì vậy, việc thỏa thuận “ngầm” việc dạy và học giữa giáo viên và phụ huynh, nhất là trong dịp nghỉ hè là không khó. Do vậy, các hiệu trưởng cũng không thể kiểm soát hết các giáo viên của mình có dạy thêm hay không. Đây thực sự là một bài toán khó mà các cơ quan quản lý chưa tìm ra lời giải (!). Lỗi này không chỉ do giáo viên và còn cả là sự “tiếp sức” của phụ huynh học sinh. 

Dạy thêm, học thêm là cụm từ không mới mà được nhắc đến hết năm này qua năm khác và đối với nhiều phụ huynh đó là điều “tất yếu” trong dịp hè. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có nhiều kỳ vọng về con thông qua việc bắt ép con học, nhất là học thêm trong dịp hè. Chị Thu Liễu ở Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cho biết: Các bậc cha mẹ đừng đặt nhiều kỳ vọng vào con, rồi ép các con phải học tập quá nhiều để tạo gánh nặng đối với con trẻ. Với gia đình tôi, trong kỳ nghỉ hè các cháu được nghỉ ngơi, thư giãn cho thoải mái tinh thần. Chúng tôi cho các cháu tham gia các lớp rèn kỹ năng sống, học các lớp bồi dưỡng năng khiếu văn nghệ, thể dục thể thao... Hiện nay, con tôi đứa đã vào lớp 11, đứa vào lớp 7 nhưng vào năm học các cháu rất có ý thức trong học tập và luôn là học sinh giỏi. 

Thực tế, việc tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường, nhất là dịp hè luôn được Sở GD và ĐT quan tâm chỉ đạo thông qua việc ban hành kế hoạch thời gian bước vào năm học mới trên cơ sở khung kế hoạch thời gian năm học Bộ GD và ĐT ban hành. Trong đó, quy định rõ ngày học sinh tựu trường của từng cấp học, đảm bảo phù hợp với lứa tuổi và thực tiễn của địa phương; hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức các hoạt động giáo dục như ôn tập, phụ đạo kiến thức cho học sinh học yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao... cho học sinh sau ngày tựu trường của các cơ sở giáo dục. Hy vọng, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD và ĐT và chính quyền các địa phương, hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh sẽ được quản lý tốt hơn, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, để các em có được những ngày hè thực sự bổ ích trước khi bước vào năm học mới./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com