Bước đầu khắc phục tình trạng "phổ cập" học sinh giỏi tiểu học

03:06, 03/06/2017
Thời điểm này, các trường tiểu học trong tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ năm học và tổ chức tổng kết, khen thưởng cho học sinh. Thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư mới, năm học này không còn các danh hiệu học sinh xuất sắc, giỏi, tiên tiến, mà chỉ có những lời khen tặng, nhận xét dựa trên sự tiến bộ của học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, cách đánh giá này hạn chế được tình trạng “phổ cập” học sinh giỏi của những năm trước khi phần lớn các lớp có tới 98-100% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi.
 
Qua trao đổi với phụ huynh ở một số trường cho thấy, đa số cha mẹ có con học tiểu học hài lòng với cách đánh giá mới này. Chị Thanh Loan có con học lớp 1, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) cho biết, vừa qua, chị dự buổi họp phụ huynh học sinh, tổng kết năm học 2016-2017 của nhà trường. Ngoài các nội dung thông báo kết quả học tập của con, giáo viên cũng thông báo những quy định mới của Thông tư 22/2016/TT của Bộ GD và ĐT ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, trong sổ liên lạc của con được giáo viên đánh giá rất cụ thể như: ở môn Tiếng Việt: con chăm học, đọc tốt, chữ đều, kiểm tra định kỳ 10 điểm; ở môn Toán: kỹ năng tính tốt, tốc độ làm bài nhanh, kiểm tra định kỳ 10 điểm; ở môn Tự nhiên và xã hội: hoàn thành tốt các bài học, biết quan sát trả lời tốt câu hỏi; môn Đạo đức: biết đoàn kết giúp đỡ bạn trong lớp; môn Mỹ thuật: vẽ đẹp, rõ hình ảnh... Trong 8 môn học đều được cô ghi hoàn thành tốt. Mục đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất của con, giáo viên ghi: Ngoan, lễ phép, đi học chuyên cần... So sánh với con lớn khi đi học được chấm điểm trước đây, đầu năm học thấy băn khoăn vì không chấm điểm sẽ khó biết lực học của con thế nào. Tuy nhiên, quá trình theo dõi cách nhận xét của giáo viên hằng ngày, đặc biệt là phần đánh giá, khen thưởng học sinh cuối năm, tôi khá hài lòng với cách thức mới này, nhất là khi giấy khen của con không ghi đạt danh hiệu học sinh giỏi mà thay bằng nhận xét: “Đã hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện”. Nhiều phụ huynh cũng cho biết, hình thức nhận xét như hiện nay là phù hợp, tránh được căn bệnh thành tích, “phổ cập” học sinh giỏi. Thầy cô cũng đỡ áp lực phải đạt tỷ lệ học sinh giỏi, tiên tiến như trước đây. Việc nhận xét hằng ngày cũng như cách đánh giá, nhận xét học sinh cuối năm cũng giúp các em tự tin hơn, biết khắc phục những nhược điểm để phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ môn học cũng như rèn luyện tốt hơn.
Học sinh Trường Tiểu học Bình Hòa (Giao Thủy) trong một giờ học.
Học sinh Trường Tiểu học Bình Hòa (Giao Thủy) trong một giờ học.
Sự điều chỉnh trong cách đánh giá, nhận xét học sinh đã tạo ra khí thế mới cho giáo viên tiểu học khi dễ dàng đánh giá học sinh hơn và giảm gánh nặng sổ sách hơn, không gây áp lực cho học sinh và phụ huynh. Năm học này, việc đánh giá học sinh theo 3 mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Về mặt tâm lý tiếp nhận, 3 mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình. Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ, cuối mỗi học kỳ, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn. Đồng thời, giúp các em nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. Thông tư mới cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ đối với mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: tốt, đạt, cần cố gắng. Từ đó giáo viên, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn. Bên cạnh đó, sổ theo dõi chất lượng giáo dục được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ sách nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Giáo viên được quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần. Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ các em trong quá trình dạy học. Việc khen thưởng cuối năm với những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những em có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá đã giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho các em và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục. Trong năm học, các trường chỉ có 2 lần kiểm tra định kỳ với 2 môn Toán và Tiếng Việt có đánh giá bằng điểm số nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo. Năm học này, Sở GD và ĐT yêu cầu các nhà trường khen thưởng cho học sinh phải tự nhiên và đúng thực chất. Các cơ quan quản lý không giao chỉ tiêu khen thưởng cho các trường, hiệu trưởng không giao chỉ tiêu cho các lớp. Việc khen thưởng dựa trên khả năng và sở trường của mỗi em, như vậy có thể nhiều học sinh được khen, nhưng khác với đánh giá trước đây có trường đạt gần 100% học sinh giỏi. 
 
Với việc thay đổi căn bản trong đánh giá và khen thưởng, học sinh tiểu học sẽ dần dần xóa bỏ chuyện học vì thành tích. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, hầu như ở 2 môn kiểm tra định kỳ cuối năm, các em đều đạt điểm 10 và có rất ít điểm 9, trong khi đó chưa hẳn trong năm học các em đã học tốt các môn học này. Phải chăng các nhà trường vẫn đang cố gắng “chiều” theo mong muốn của học sinh và phụ huynh và “danh tiếng” của nhà trường(?). Để đánh giá thực chất kết quả học tập, rèn luyện của học sinh là không khó nếu bài kiểm tra cuối năm có tính chất phân loại được học sinh để từ đó đánh giá, khen thưởng hợp lý, công bằng. Đó cũng là mong muốn của nhiều phụ huynh để từ đó đánh giá đúng kết quả học tập của con em mình, để các em có ý thức phấn đấu học tập và rèn luyện, không chủ quan ngay từ những năm đầu tiên cắp sách tới trường./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com