Kiên cường đưa hàng tới đích

08:04, 28/04/2017

Giai đoạn 1965-1975, trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên khắp cả nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, cán bộ, công nhân viên, xã viên ngành GTVT tỉnh đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu trên mọi mặt trận công tác của ngành. Bên cạnh công tác bảo đảm giao thông thông suốt, nhiều cán bộ, công nhân viên, xã viên ngành GTVT đã dũng cảm hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ chuyển hàng hoá chi viện cho miền Nam.

Ông Hoàng Ngọc Mai, 82 tuổi, ngụ tại số 55, ngõ 418 xã Lộc Hòa (TP Nam Định), từng đảm trách các chức vụ Trưởng phòng Kỹ thuật Ty GTVT, Phó Giám đốc Sở GTVT, tâm sự: giai đoạn 1965-1969, ông đang là Trưởng Phòng Kỹ thuật tại Ty GTVT, là kỹ sư cơ khí trực tiếp thiết kế, đóng tàu thuyền và sửa chữa ô tô phục vụ vận tải lương thực, hàng hóa vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam nên ông nhớ rất rõ mức độ tàn phá của giặc Mỹ đối với nhân lực, phương tiện ngành GTVT. Trong 4 năm (1965-1968) chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, chiến sự diễn ra càng ác liệt thì yêu cầu vận chuyển hàng hoá càng lớn. Trước yêu cầu đòi hỏi cấp bách đó của chiến trường nên dù đế quốc Mỹ đánh phá ngày đêm ở cả đường thủy lẫn đường bộ nhưng các cán bộ, công nhân viên lái, phụ xe ô tô, các sĩ quan thủy thủ trên các con tàu, lực lượng công nhân bốc dỡ với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” đã đội mưa bom, bão đạn, nêu cao tinh thần quyết tâm vừa tổ chức chiến đấu vừa vận chuyển hành khách và hàng hoá. Mở đầu chiến dịch vận tải phục vụ tiền tuyến là đoàn vận tải của Xí nghiệp Ô tô Nam Hà trong trận đầu thử thách đưa hàng vào Khu 4 đã vận chuyển hàng hoá tới đích an toàn. Tàu khách sông Đào còn có tên là tàu Biên Hoà, khi bị máy bay Mỹ đuổi thì các thuỷ thủ công nhân viên trên tàu đã dũng cảm, mưu trí, lướt né di chuyển để cứu sống gần 100 hành khách trước khi tàu bị chìm và chỉ sau 24 giờ lại kịp thời trục vớt tàu khẩn trương sửa chữa, cứu sống con tàu để tiếp tục chở khách... Tại những trọng điểm, những tuyến sông huyết mạch, trên đoàn xe vận tải, đoàn thuyền hoạt động ở Khu 4, các cán bộ, công nhân viên của ngành GTVT tỉnh đã dũng cảm, kiên cường, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhiều đoàn xe của Xí nghiệp Ô tô Nam Hà đã anh dũng băng qua những cung đường “tắm” bom đạn. Nhiều đoàn thuyền của Xí nghiệp Ca nô, các HTX thuyền buồm Tháng 8, HTX Xuân Hải… đã dũng cảm vượt qua những khúc sông Mã dày đặc thuỷ lôi. Ông Lan ở xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng), một xã viên người Công giáo bị thương nặng trước khi hy sinh vẫn căn dặn lại anh em phải cố giữ gìn bảo vệ hàng hoá. Đồng chí Dũng, thuyền trưởng tàu khách Sông Vỹ khi bị máy bay oanh tạc đã khôn khéo lái tàu cập bờ, bắc cầu đưa hành khách sơ tán lên bờ trú ẩn. Ngay sau đó bom thả nổ tung boong tàu, hàng trăm hành khách đã thoát chết… Trong 4 năm (1965-1968) chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, ngành GTVT tỉnh đã vận chuyển được 4.375.134 tấn hàng hoá để phục vụ cho tiền tuyến chiến đấu và duy trì sản xuất. Trong giai đoạn 1969-1971, ngay khi Mỹ buộc phải ngừng ném bom đánh phá, miền Bắc chuyển từ chiến tranh sang hoà bình, các cán bộ, công nhân viên của ngành GTVT tiếp tục tập trung một mặt đảm bảo GTVT chi viện kịp thời đầy đủ cho tiền tuyến, mặt khác phải hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển ở địa phương đảm bảo tiếp nhận tốt hàng hoá. Tháng 8-1968, ngành GTVT đã được lệnh chuẩn bị tham gia một chiến dịch vận tải hàng lớn được ký hiệu là VT5 trong 3 tháng (tháng 11, 12-1968 và tháng 1-1969) với nhiệm vụ huy động 1.000 xe tốt để chuyển vào Quảng Bình 12 vạn tấn hàng hoá. Ngay sau khi địch tuyên bố ngừng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, ngày 1-11-1968, chiến dịch VT5 được bắt đầu. Trên thực tế, địch vẫn duy trì những phi vụ trinh sát, những cuộc tập kích nhỏ bằng không quân ra miền Bắc. Suốt quá trình vận tải, đoàn xe luôn luôn bị máy bay địch trinh sát đeo bám, nhưng cán bộ, công nhân viên của ngành GTVT của tỉnh đã huy động 111 chuyến xe ô tô của Xí nghiệp Vận tải ô tô tham gia tiếp chuyển vòng ngoài từ Nam Định đến Nghệ An 11 nghìn tấn hàng, vượt kế hoạch 124 tấn.

Ông Hoàng Ngọc Mai, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ty GTVT, Phó Giám đốc Sở GTVT cùng vợ ôn lại kỷ niệm công tác thời chiến tranh chống Mỹ.
Ông Hoàng Ngọc Mai, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ty GTVT, Phó Giám đốc Sở GTVT cùng vợ ôn lại kỷ niệm công tác thời chiến tranh chống Mỹ.

 Kể tiếp về những đóng góp của cán bộ, nhân viên ngành GTVT trong cuộc chiến tranh, ông Mai cho biết: Ngày 6-4-1972, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ 2; tuy thời gian ngắn hơn so với 4 năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất nhưng mức độ tàn phá lại vượt xa rất nhiều. Là một tỉnh có vị trí chính trị, kinh tế quan trọng của miền Bắc nên trong vòng chưa đầy 6 tháng từ ngày 5-10-1972, giặc Mỹ đã đánh tỉnh ta gần 700 trận lớn nhỏ. Nhằm tập trung mọi khả năng cao nhất của hậu phương lớn đáp ứng kỳ được yêu cầu rất khẩn trương của chiến trường, từ tháng 6-1972, Trung ương giao cho tỉnh huy động một phần lực lượng vận tải thuỷ, bộ, thô sơ và cơ giới tham gia “Chiến dịch 19-8” vận chuyển gạo vào Khu 4. Lúc này, GTVT của tỉnh có rất nhiều khó khăn. Riêng hệ thống GTVT trong tỉnh, Mỹ đã đánh 202 trận vào 247 điểm với 2.084 quả bom phá, 712 quả bom nổ chậm và từ trường, 106 quả bom xuyên mẹ, 19 tên lửa, gây thiệt hại 1.519km đường bộ, 820m đường sắt, 143 cầu, 3 đầu kéo ca nô, 8 sà lan và 51 thuyền bằng 1.084 tấn tải trọng, làm 14 người hy sinh. Sau khi đã đánh dứt điểm một số cầu, đường sắt, cầu đường bộ, phong toả các cửa sông, các nút vận chuyển đường sông quan trọng, từ tháng 7 trở đi, máy bay địch săn lùng các đoàn xe, tàu thuyền vận tải trên đường chở hàng và đánh phá theo hình thức vãi bom đạn để tiêu diệt. Tháng 11-1972, trước thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam - Bắc, Mỹ đã phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhưng từ Thanh Hoá trở vào thì địch lại tập trung đánh phá dữ dội. Nhất là ở vùng “cán xoong”, chúng huy động đủ loại phi pháo, kể cả máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm suốt ngày đêm, do đó cả vận tải đường sông và đường bộ vào Nghệ An lúc này đầy khó khăn ác liệt. Bên cạnh đó, khả năng phương tiện vận tải của tỉnh và ngành có hạn: xe ô tô cũ và hầu hết là xe chạy dầu, một số thuyền lớn không đi vào các kênh đào được, thuyền nhỏ thì chất lượng kém và thiếu mui che. Song trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, với tinh thần “tất cả vì miền Nam, quyết tâm vận chuyển hàng vượt mức”, cùng khẩu hiệu “địch phá ta cứ đi - kiên cường đưa hàng tới đích”, những chiến sĩ vận tải đã mưu trí, dũng cảm, lợi dụng những sơ hở của địch, sáng tạo nhiều cách phòng tránh mưa bom, bão đạn huỷ diệt của quân thù, tìm đường đưa những bao hàng nặng tình hậu phương chuyển ra tiền tuyến. Tháng 12-1972, Trung ương chủ trương tập trung đẩy mạnh khâu tiếp chuyển hàng từ Khu 4 trở vào là chủ yếu, nên lực lượng vận tải phục vụ chi viện của tỉnh trở về liền bắt tay ngay cùng lực lượng vận tải trong tỉnh, tranh thủ vận chuyển các loại hàng hóa phục vụ cho sản xuất công - nông nghiệp, phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân. Tháng 1-1973, tỉnh lại được nhận kế hoạch vận chuyển 3.000 tấn gạo đi Thanh Hoá, dựa trên nề nếp tổ chức sẵn có và trong điều kiện chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, các đơn vị vận tải đã nhanh chóng huy động lực lượng chuyên nghiệp và bán chuyên đưa phương tiện lên đường vận chuyển, đạt 102,3% kế hoạch. Đi đôi với công tác vận tải chi viện cho tiền tuyến thì ngành vận tải tỉnh đã ra sức phấn đấu vượt kế hoạch vận chuyển phục vụ địa phương dù đa số phương tiện còn lại ở địa phương đã cũ nát, khả năng sửa chữa chưa phục hồi kịp thời. Trong thời chiến, vận tải hành khách tuy có giảm sút nhưng việc phục vụ nhu cầu đi lại trên các tuyến đường bộ của nhân dân vẫn duy trì thuận tiện, an toàn. Đầu năm 1973, đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Từ năm 1973 đến năm 1975 ngành GTVT dần dần tổ chức củng cố lại mạng lưới vận tải, ổn định bến bãi bốc xếp hàng hóa và tiếp tục góp sức thúc đẩy cuộc cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp, công nghiệp, giữ vững ổn định kinh tế trong chiến tranh và khôi phục kinh tế sau chiến tranh.

Kết thúc buổi nói chuyện với những hồi ức về một thời bom đạn quả cảm đầy tự hào, giọng ông Mai chùng hẳn xuống bởi câu chuyện lại thêm một lần chạm đến xúc cảm của riêng ông về một thời khốc liệt, với những đau thương, mất mát của cả dân tộc cũng như của những người đồng đội, đồng chí, các cán bộ, công nhân cùng công tác, chiến đấu trong ngành với ông. Với riêng ông, chính những ngày tháng khó khăn, vất vả gian lao mà anh dũng ấy là lúc giúp ông cảm nhận rõ nhất những tình cảm thiêng liêng, vô giá về sự sẻ chia, tinh thần chung sức, đồng lòng cùng đương đầu vượt qua khó khăn, gian khổ. 10 năm lăn lộn trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, các chiến sĩ GTVT không kể ngày đêm san lấp đường, sửa cầu, vận chuyển hàng hoá, phát triển kinh tế địa phương đáp ứng mọi yêu cầu của cách mạng đã góp phần cùng dân tộc giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Với những đóng góp lớn lao đó, ngành GTVT thực sự xứng danh Anh hùng LLVT trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phát huy truyền thống anh dũng, sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong công cuộc đổi mới hôm nay, cùng với quân, dân toàn tỉnh, ngành vận tải tỉnh ta đã cơ bản được xã hội hóa với tốc độ phát triển nhanh chóng, phương tiện mới được đầu tư, chất lượng được nâng cao, số phương tiện tăng nhanh đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com