Trực Ninh tháo gỡ khó khăn trong cải tạo nhà ở cho gia đình chính sách

07:03, 21/03/2017
Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình chính sách trong những năm qua là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều gia đình ở huyện Trực Ninh đã được hỗ trợ về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tại các địa phương vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc khiến tiến độ triển khai rất chậm...
 
Theo Phòng Công thương huyện Trực Ninh, thời gian qua, Ban chỉ đạo hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng huyện đã tổ chức kiểm tra thực tế việc triển khai xây dựng mới, sửa chữa nhà ở của từng hộ. Tổng số hộ người có công với cách mạng của 18 xã, thị trấn được xây dựng mới, sửa chữa nhà ở trong đợt 1 là 96/100 hộ. Các hộ đều đã có đơn và biên bản nghiệm thu gửi về Ban chỉ đạo, trong đó, 66 hộ sửa chữa; 30 hộ xây dựng mới (8 hộ thuộc diện hỗ trợ xây mới và 22 hộ thuộc diện được hỗ trợ sửa chữa chuyển sang xây mới). Trong quá trình triển khai, còn hộ bà Nguyễn Thị Thanh ở xóm Bình Minh, xã Việt Hùng và 37 hộ rải rác trên địa bàn huyện chưa thể triển khai sửa chữa, cải tạo nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu do một số hộ đối tượng người có công đã mất, một số hộ đã được chương trình khác hỗ trợ, có hộ con cái, dòng tộc, anh em đã hỗ trợ xây dựng, một số hộ không có nhu cầu sửa chữa và xây mới. Theo đề án đã được phê duyệt, huyện Trực Ninh có tới 1.082 hộ người có công với cách mạng cần được hỗ trợ về nhà ở. Vì thế, đến nay mới chỉ có 96 hộ/1.082 hộ là quá ít so với kế hoạch đề ra. Khó khăn lớn nhất theo phản ánh tại các địa phương là nguồn vốn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương chậm phân bổ trong 3 năm qua dẫn đến tình trạng một số gia đình do nhu cầu cấp bách đã phải vay mượn tiền để đầu tư xây mới, sửa chữa nhà, nhưng sau đó lại phải “chờ” tiền chính sách quá lâu để trả nợ gây bức xúc trong người dân.
Khó khăn về kinh tế, ông Nguyễn Xuân Được ở xóm An Thành, xã Trực Chính vẫn phải chờ nguồn vốn hỗ trợ để sửa chữa căn nhà cũ.  Bài và ảnh: Đức Toàn
Khó khăn về kinh tế, ông Nguyễn Xuân Được ở xóm An Thành, xã Trực Chính vẫn phải chờ nguồn vốn hỗ trợ để sửa chữa căn nhà cũ. 
Đồng chí Đỗ Khắc Điều, cán bộ LĐ-TB và XH xã Trực Chính cho biết: “Thống kê rà soát theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, toàn xã có 32 hộ thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Đến nay, xã đã hỗ trợ cho 5 hộ sửa chữa nhà ở đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cuộc sống thường ngày”. Đến nhà các gia đình: bà Nguyễn Thị Thi, xóm An Bình; Mai Thanh Đồng xóm An Thịnh, chúng tôi tận mắt chứng kiến các ngôi nhà đã có diện mạo mới, tường gạch vững chãi, mái cứng, nền cứng đảm bảo an cư. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, địa phương còn nhiều trường hợp chưa thể sửa chữa dù nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng do chưa có nguồn vốn Trung ương phân bổ; nhiều gia đình phải cố gắng vay mượn bà con họ hàng để sửa chữa để đảm bảo an toàn người trong mùa mưa bão, song tâm tư còn lo lắng nguồn trả nợ. Đến thăm nhà ông Nguyễn Xuân Được, 69 tuổi ở xóm An Thành, chúng tôi được chứng kiến vợ chồng ông hiện đang phải sống trong ngôi nhà 40m 2 tường đã nứt dọc từ mái xuống tận móng, toàn bộ khung cột nhà lợp phải chằng chống. Nhiều năm nay mỗi khi mưa bão, gia đình ông đều phải sơ tán sang nơi khác. Kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào 3 sào ruộng trong khi ông liên tục đau ốm bởi di chứng vết thương với mảnh đạn cũ còn găm trên người. Do vậy, vợ chồng ông vẫn phải sống trong căn nhà cũ suốt chục năm nay. Đến nhà bà Nguyễn Thị Hồng ở xóm An Ninh, căn nhà cấp 4 dột nát đang được xây dựng tường thô. Chia sẻ với chúng tôi, con trai bà, anh Phạm Văn Khải cho biết: “Qua 20 năm, căn nhà mái lợp phi-brô xi măng của gia đình nay đã xuống cấp nghiêm trọng, tường nứt vữa, mái phải che bạt để tránh dột. Suốt 3 năm qua, gia đình chờ nguồn kinh phí hỗ trợ sửa chữa để có thể cải tạo căn nhà nhưng vẫn chưa có. Đầu năm 2017, chúng tôi phải vay mượn để tạm xây lại căn nhà”. Theo dự toán, toàn bộ kinh phí xây dựng căn nhà mới ước khoảng 100 triệu đồng. Cũng chung hoàn cảnh như bà Hồng, bà Vũ Thị Thân ở xóm Dịch Diệp cũng đã tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà hảo tâm để xây dựng nhà mái ngói mới trong lúc chờ kinh phí hỗ trợ của chương trình. Đó cũng là tình trạng chung của 26 hộ gia đình chính sách còn lại trên địa bàn xã Trực Chính. 
 
Hiện tại, huyện Trực Ninh đã kiến nghị ngành chức năng cấp trên chuyển số kinh phí chưa sử dụng sang hỗ trợ cho các đối tượng trong đề án đã được phê duyệt. Trong đợt 2, Ban chỉ đạo hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng huyện đã kiểm tra thực tế và nghiệm thu thêm 5 hộ triển khai việc sửa chữa nhà ở và 2 hộ chuyển từ hỗ trợ chuyển sang xây mới. Tuy nhiên, số hộ cần hỗ trợ còn lại rất nhiều và chủ yếu thuộc thành phần già yếu, neo đơn và không có sức lao động, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hơn nữa qua 4 năm chờ đợi, nhiều ngôi nhà tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, không thể ở được. Trước mắt để khắc phục khó khăn về nhà ở cho các đối tượng người có công trong khi nguồn vốn Trung ương đang “tắc”, huyện đang hướng đến giải pháp động viên các địa phương tăng cường huy động từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các nguồn vốn xã hội hóa khác để xây mới, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này. Tập trung vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ, đẩy mạnh xã hội hóa việc tham gia xây dựng, sửa chữa nhà ở giúp đỡ những gia đình người có công khó khăn về nhà ở, tránh tư tưởng chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước./.
 
Bài và ảnh:  Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com