Khát vọng tri thức

02:01, 23/01/2017

Trong không khí vui mừng phấn khởi đón Tết cổ truyền của dân tộc, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh lại tổ chức tuyên dương, khen thưởng, trao quà, tặng học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh nghèo vượt khó…, với mong muốn đem lại niềm vui, sự tự tin giúp các em thêm niềm tin, động lực vượt khó vươn lên trong học tập.

Khuyến học từ dòng họ…
 
Như thường lệ, Tết đến dòng họ Hoàng ở làng Xuân Bảng, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) lại chuẩn bị các nghi thức cúng tổ tiên, trong đó không thể không có phần báo công về những thành tích trong lao động sản xuất, học tập của con cháu và mong một năm mới với những thành công hơn trước. Trong lòng mỗi người con dòng họ Hoàng ai cũng hiểu rõ, việc phấn đấu vươn lên trong học tập và lao động đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Là dân gốc làng Xuân Mai (ngoại thành Hà Nội) theo tướng công Ngô Miễn (đỗ Thái học sinh - tức Tiến sĩ ở triều Trần, làm quan cho nhà Hồ) về vùng Xuân Bảng khai hoang lập làng (đền thờ tướng công Ngô Miễn hiện còn thờ tại làng Xuân Bảng) đến nay đã hàng chục đời. Người đầu tiên trong dòng họ đạt được học vị cao là tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, về dạy học tại Trường Thành Chung (Nam Định). Tiếp theo là 3 cụ trong dòng họ đỗ tú tài Tây, trong đó có cụ Hoàng Thọ Mục làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm đầu tiên của tỉnh Nam Định. Thời tiền khởi nghĩa, khi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Xuân Trường được thành lập ở Xuân Bảng, đã có 3 đảng viên là người của dòng họ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đã có trên 60 người của họ Hoàng Thọ ở Xuân Bảng tham gia quân đội, 8 người trong số đó đã trở thành sĩ quan cao cấp (thượng tá, đại tá), 16 người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Hiện tại, dòng họ Hoàng Thọ có trên 300 hộ, nhưng ở quê gốc Xuân Bảng chỉ có 200 hộ, còn phần lớn sống ở Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1954 trở lại đây, dòng họ có 22 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ và hàng trăm cử nhân, nhiều người đã và đang theo học đại học, tiến sĩ tại nước ngoài... Từ rất lâu, các bậc cao niên trong dòng họ đã luôn giáo dục cho các thế hệ sau lòng tự tôn dòng họ và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Hằng năm, vào dịp năm mới, ngày giỗ tổ, dòng họ họp mặt để ôn lại công đức của tổ tiên, giáo dục, khuyến khích mọi người làm việc tốt, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hiện tại, dòng họ có 5 ban khuyến học, mỗi ban đều có hoạt động khác nhau nhưng đều chung mục đích động viên con cháu tiến bộ trong học tập, chăm ngoan, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống ông cha, đoàn kết, hiếu nghĩa làm việc hữu ích cho đời. Vốn quỹ khuyến học đều do các gia đình tự nguyện đóng góp nhằm khen thưởng cho các cháu học giỏi, trợ cấp cho học sinh là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, ốm đau, tai nạn… Trong những năm qua, số tiền thưởng cho học sinh của dòng họ đã lên tới 200 triệu đồng, góp phần thúc đẩy tinh thần học tập của con em trong dòng họ. Riêng ngành ba dòng họ Hoàng ở làng Xuân Bảng hiện tại chỉ có 72 hộ gia đình nhưng từ năm 1998 đã thành lập chi hội khuyến học. Ban đầu chi hội có 15 hội viên, trong đó có 8 nhà giáo nghỉ hưu và đang công tác. Vào dịp đầu năm học, chi hội khuyến học đã tổ chức thăm và tặng quà cho các cháu con gia đình chính sách của dòng họ và các cháu con gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời vận động con cháu là những người thành đạt, có điều kiện đang sinh sống, làm việc ở mọi nơi quan tâm đến phong trào khuyến học, đóng góp ủng hộ quỹ để động viên con em học hành tiến bộ. Từ sự đóng góp của con em trong dòng họ, đến nay, quỹ khuyến học của ngành ba dòng họ Hoàng Thọ đã có gần 50 triệu đồng. Với sự sát sao, chỉ bảo của các gia đình, đặc biệt là sự quan tâm của các nhà giáo, học sinh trong dòng họ ngày càng học hành tiến bộ. Qua các kỳ phát thưởng, đã có hàng trăm lượt học sinh có thành tích cao và học sinh có hoàn cảnh khó khăn được phát thưởng. 15 năm qua, ngành ba dòng họ Hoàng đã được các cấp khen thưởng về công tác khuyến học khuyến tài.
Đại diện Ban khuyến học thôn Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) trao phần thưởng cho các cháu có thành tích học tập xuất sắc.
Đại diện Ban khuyến học thôn Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) trao phần thưởng cho các cháu có thành tích học tập xuất sắc.
Đến mỗi thôn, làng…
 
Một ngày cuối năm, khi không khí mùa xuân đã ngấp nghé ở mỗi cửa nhà, chúng tôi về thăm thôn Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực), một vùng quê mà trong những năm đổi mới đã biết chuyển mình bật phá vươn lên xây dựng và phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo cho con cháu học hành. Đi trên những con đường được lát gạch trải dài khắp các dong ngõ, được ngắm những ngôi nhà kiên cố khang trang quanh làng mới cảm nhận rõ sự năng động, chăm chỉ làm lụng của mỗi người dân nơi đây. Thôn có 515 hộ với 1.870 khẩu, là vùng quê thuần nông nhưng về chuyện học hành và giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa luôn đứng đầu xã. Truyền thống hiếu học của nhân dân Thanh Khê đã có từ lâu đời, thời nào cũng có người đỗ đạt. Hội Tư văn của thôn được xây dựng từ rất sớm để tôn sùng việc khuyến học, khuyến tài và đã thu hút hầu hết dân làng tham gia. Trong đó cụ tổ đã hiến 3 mẫu ruộng và hàng trăm quan tiền cho Hội Tư văn để dành động viên những người hiếu học. Hội Tư văn đã xây dựng văn chỉ của làng, hằng năm đến ngày đông chí, Hội cùng nhân dân tổ chức tế lễ vị sáng lập ra đạo học và biểu dương các vị học hành đỗ đạt. Hiện nay, tên tuổi các bậc tiền nhân vẫn còn lưu lại tại văn tế của làng năm 1889. Truyền thống hiếu học của thôn còn thể hiện ở sự tôn sư trọng đạo, tôn kính người thầy, coi trọng đạo học mà minh chứng còn rõ ràng khi hơn 30 học trò của thôn cùng nhất tâm tặng thầy đồ của thôn bức hoành phi còn lưu dấu dòng chữ “Huệ vũ khê lưu” (tức “ơn nhờ có mưa mà dòng suối chảy, nhờ ơn thầy dạy dỗ trao cho trí tuệ mà mình được phát triển”). Tinh thần tôn sư trọng đạo đó của các bậc tiền nhân đã là tấm gương sáng cho con cháu và các thế hệ sau học tập. Ngày nay, truyền thống hiếu học đã được người dân Thanh Khê duy trì và ngày càng phát triển. Khi chi hội khuyến học của thôn được thành lập năm 2004, phong trào khuyến học, khuyến tài lại được tiếp thêm sức mạnh để mỗi gia đình, dòng họ tiếp tục răn dạy con cháu nỗ lực phấn đấu vươn lên, thi đua học tốt, lao động tốt. Nhờ sự động viên, tuyên truyền của chi hội khuyến học cùng với động lực thi đua giữa các gia đình mà ngay trong năm đầu tiên phát động phong trào, số học sinh trong thôn đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều học sinh trong thôn có hoàn cảnh khó khăn đã được động viên giúp đỡ kịp thời để thực hiện ước mơ vươn tới tầm cao tri thức. Nhiều ông bố, bà mẹ tháng ngày vất vả, thắt lưng buộc bụng để nuôi con ăn học nay đã được bù đắp bằng sự hiếu nghĩa của những đứa con trưởng thành. Hiện tại trong thôn đã có 4 giáo sư, 5 tiến sĩ, 27 thạc sĩ và khoảng 230 người có trình độ đại học, 140 người có trình độ trung cấp, cao đẳng và hàng chục người là doanh nhân; trong đó nhiều người là cán bộ cấp cục, vụ, các bộ, ngành, cán bộ đầu ngành cấp tỉnh, cấp huyện, nhà khoa học trong và ngoài nước và có hơn 40 giáo viên đang giảng dạy ở các cấp, từ mầm non đến đại học. Từ ngày thành lập chi hội khuyến học đến nay, toàn thôn không có học sinh phải bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT đều vượt mức bình quân chung của huyện, của xã. Số người học tập theo các hình thức ngày càng tăng, nhất là theo học các lớp chuyên đề do Trung tâm học tập cộng đồng của xã mở. Thôn hiện có 220 gia đình có con học từ trung cấp trở lên, trong đó có 65 gia đình có 2 con đã tốt nghiệp và đang học đại học. Hằng năm có từ 20-25 cháu đỗ vào các trường từ trung cấp đến đại học. Với sự cố gắng vươn lên trong học tập của con em trong làng, nhiều người đã không tiếc công tiếc của chăm lo, đầu tư cho con cái và huy động được nguồn lực từ những người con làm ăn xa quê hương ủng hộ cho quỹ khuyến học. Hiện tại riêng số quỹ khuyến học của thôn có số dư 100 triệu đồng để phát thưởng cho con, cháu có thành tích trong học tập. Những việc làm thiết thực đó đã trở thành một đòn bẩy đưa phong trào khuyến học, khuyến tài lan toả khắp làng. Vào ngày mùng 4 Tết, thôn lại tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi và lễ tuyên dương phát thưởng cho các cháu chăm ngoan học giỏi, thành đạt, tuyên dương gia đình hiếu học các cấp. Từ ngày thành lập đến nay, chi hội đã tổ chức phát thưởng cho hàng nghìn lượt cháu học giỏi và hàng trăm lượt cháu có hoàn cảnh khó khăn, tuyên dương hơn 100 gia đình hiếu học cấp xã và cấp huyện… Trong không khí ấm áp của mùa xuân, cùng các cụ cao niên trong thôn cùng các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân, những tấm gương học sinh chăm ngoan hiếu học, những em có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong rèn luyện và học tập sẽ có sức lan toả, thu hút mọi người, mọi nhà, các đoàn thể cùng tiếp tục quan tâm, chăm sóc những “mầm xuân”.
 
Phong trào khuyến học, khuyến tài ở các gia đình, dòng họ, thôn làng trong tỉnh mỗi nơi đều có cách làm riêng, nhưng tất cả đều là khát vọng xây dựng con người mới trong một xã hội học tập nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao trong công cuộc CNH-HĐH quê hương, đất nước./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com