Vụ Bản thực hiện mục tiêu ổn định quy mô dân số

07:09, 22/09/2016
Qua 5 năm triển khai kế hoạch hành động thực hiện chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Vụ Bản còn gặp nhiều thách thức như: quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và vẫn tiếp tục tăng, cơ cấu dân số biến động mạnh, mất cân bằng giới tính khi sinh còn phức tạp; tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh; chất lượng dân số chưa cải thiện.
 
Thực tế trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” hiện nay nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ cao dẫn đến những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh ở huyện Vụ Bản. Đến nay, toàn huyện có 36.500 hộ với 134.965 khẩu. Trong 5 năm qua, tổng số sinh trên địa bàn huyện là 9.124 cháu. Tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng (năm 2011 là 9,12%, đến hết năm 2015 tăng là 10,8%). Bên cạnh đó, tình trạng mất giới tính khi sinh diễn biến phức tạp. Thời gian qua, cả 18 xã, thị trấn trong huyện đã triển khai thực hiện Đề án “Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, tuy nhiên, tỷ lệ cháu trai vẫn ở mức cao là: 111 cháu trai/100 cháu gái (năm 2015). Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn tồn tại tư tưởng thích đông con, nhiều cháu, muốn có con trai “nối dõi tông đường”. Đồng chí Vũ Tài Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Trong nghiên cứu “Thực trạng tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Nam Định” (có điều tra, thống kê tại 18 xã, thị trấn huyện Vụ Bản) cho thấy có 43,4% ý kiến cho rằng có áp lực phải sinh con trai và áp lực về sinh con gái chỉ là 14,9% trong lần sinh gần đây nhất. Quan niệm có con trai để nối dõi tông đường có nguy cơ chẩn đoán giới tính trước sinh cao gấp 1,76 lần so với những người không có quan niệm trên. Một số gia đình không có con trai đã xảy ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình và phần lớn phụ nữ và trẻ em là nạn nhân. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội còn hạn chế; giá trị của phụ nữ, trẻ em gái không được đề cao. Nguyên nhân khác gây ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về công tác dân số ở Vụ Bản là: Một số địa phương trong chỉ đạo còn có biểu hiện thiếu tập trung, quyết liệt. Một số nơi, lãnh đạo địa phương có tư tưởng chủ quan, thiếu kiên quyết trong thực hiện các chính sách khuyến khích, xử lý vi phạm; mục tiêu và một số chỉ tiêu về dân số còn chưa phù hợp, dẫn đến các giải pháp thực hiện thiếu tính khả thi, chưa đạt kết quả đặt ra. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện thường xuyên, hình thức giáo dục chủ yếu vẫn là thông qua báo cáo, sản phẩm truyền thông chưa đáp ứng được nhu cầu đặc thù của các nhóm đối tượng. Bộ máy tổ chức chưa thực sự ổn định ở tuyến cơ sở, đặc biệt là cán bộ làm dân số ở 18 xã, thị trấn, hằng năm thay đổi nhiều, kể cả đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, xóm dẫn đến phong trào thực hiện công tác dân số - KHHGĐ ở một số nơi có phần giảm sút. Tại huyện Vụ Bản, nguồn lực đầu tư cho các chương trình còn hạn chế: kinh phí địa phương chưa được hỗ trợ nhiều cho công tác dân số - KHHGĐ; kinh phí hằng năm từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia dân số bị cắt giảm mạnh, vì vậy chưa đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện công tác dân số.
 
Mục tiêu của chính sách dân số trong thời gian tới của huyện Vụ Bản là duy trì xu thế giảm sinh vững chắc tiến tới ổn định quy mô dân số. Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện Vụ Bản đã ban hành kế hoạch “Thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản huyện Vụ Bản giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu cho cả giai đoạn 5 năm tới là: Nâng cao chất lượng dân số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, khống chế tốc độ gia tăng của tỷ số giới tính khi sinh, nhanh chóng thích ứng với sự già hóa dân số, tận dụng giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, đảm bảo phát triển bền vững. Trong đó, Vụ Bản đề ra 9 mục tiêu cụ thể và 6 nhóm giải pháp cơ bản là: Duy trì tốc độ giảm sinh trung bình mỗi năm đạt 0,1%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 xuống còn 10%; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con; giảm tỷ suất tăng dân số tự nhiên xuống còn 8,0%o; phấn đấu đến năm 2020 quy mô dân số không quá 140 nghìn người; giảm chỉ số giới tính khi sinh xuống còn 109 cháu trai/100 cháu gái; tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh lên 50%, tỷ lệ sản phụ được cán bộ y tế chăm sóc đạt 100%. Để đạt được mục tiêu ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, đồng thời nâng cao chất lượng dân số, huyện Vụ Bản đề ra các giải pháp như: Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị; đưa công tác dân số - KHHGĐ trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động, là chỉ tiêu đánh giá Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; là tiêu chí đánh giá, phân loại, đề bạt cán bộ, đảng viên. Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá công tác dân số - KHHGĐ, đồng thời đánh giá thực trạng công tác dân số - KHHGĐ ở mỗi địa phương và cam kết thực hiện nhằm ổn định mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số bằng việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ. Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi, bình đẳng giới, với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức, thái độ thực hành dân số, sức khỏe sinh sản. Mở rộng giáo dục về dân số - sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tăng cường công tác tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Tiếp tục triển khai mô hình “Chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh” nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ bệnh tật ở trẻ sau khi ra đời. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở siêu âm, cơ sở sử dụng kỹ thuật cao, hướng dẫn sinh con theo ý muốn, cơ sở nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, tư vấn để mọi người gắn quyền sinh sản với nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc./.
 
Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com