Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

06:09, 10/09/2016
Những năm qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được các cấp bộ Đoàn huyện Hải Hậu triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng...
 
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, Ban thường vụ Huyện Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức Đoàn cơ sở tập trung triển khai nhiều chương trình cụ thể, đồng hành với thanh niên trong nhiều lĩnh vực như: học tập, nghiên cứu khoa học; dạy nghề, giải quyết việc làm; phát triển kỹ năng xã hội... Theo đó, để đồng hành với thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học, các cấp bộ Đoàn đã duy trì và thành lập mới các CLB môn học, CLB sở thích, xây dựng môi trường học tập lành mạnh. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ ĐVTN khối nhà trường đăng ký nghiên cứu các đề tài khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập. Vận động ĐVTN tích cực tham gia các kỳ hội giảng, thao giảng, hội thi tay nghề, thao diễn kỹ thuật trong thanh niên công nhân, học sinh, sinh viên; vận động xây dựng các Quỹ “Vì bạn nghèo”, “Hỗ trợ tài năng trẻ” và các loại học bổng, giải thưởng trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học để khuyến khích, hỗ trợ thanh niên... Ngoài ra, đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội, các tổ chức Đoàn trong huyện đã tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho thanh niên thông qua các chương trình: “Khi tôi 18”, “Học làm người có ích”; duy trì, thành lập mới các CLB Kỹ năng sống... Từ đầu năm 2016 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã tổ chức 23 chương trình “Học làm người có ích”, 100% các trường THPT tổ chức chương trình “Khi tôi 18”. Thông qua các hoạt động trên đã góp phần trang bị kỹ năng sống, giúp ĐVTN tự tin hơn trong cuộc sống. 
Anh Phạm Văn Phong, Bí thư chi đoàn tổ 13, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) mở xưởng chế biến thủy sản với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 công nhân, mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phạm Văn Phong, Bí thư chi đoàn tổ 13, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) mở xưởng chế biến thủy sản với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 công nhân, mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, để góp phần hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, các tổ chức Đoàn trong huyện còn chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh, định hướng chọn nghề, học nghề và giới thiệu việc làm cho học sinh THPT. Cụ thể, phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện tổ chức các buổi tư vấn mùa thi và định hướng nghề nghiệp; giải đáp những thắc mắc, cung cấp thông tin chi tiết thi tuyển và đào tạo cho thanh niên, học sinh trong huyện. Từ đầu năm 2016 đến nay, Huyện Đoàn đã tổ chức, phối hợp tổ chức tư vấn tuyển sinh, định hướng chọn nghề, học nghề và giới thiệu việc làm cho 10/10 trường THPT trên địa bàn huyện; tổ chức Ngày hội tư vấn về vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, thu hút trên 500 ĐVTN nông thôn tham gia. Qua đó, cung cấp thông tin về tình hình và nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn cũng như của cả nước, giúp ĐVTN có hành trang, kỹ năng khi liên hệ xin việc làm. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn còn phối hợp với các ngành, đoàn thể như Hội Nông dân, Trung tâm dạy nghề của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, may mặc, cơ khí, thu hút nhiều thanh niên tham gia. Cụ thể, Huyện Đoàn phối hợp với với Hội Nông dân huyện mở 2 lớp học trồng nấm, chăn nuôi, thu hút 300 ĐVTN; phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện mở 5 lớp dạy các nghề: may, cơ khí, điện cho 500 ĐVTN nông thôn. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH giúp đỡ, đồng hành với ĐVTN là hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận, vay vốn nhằm phát triển kinh tế gia đình, phục vụ nhu cầu học tập. Đến nay, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên đứng ra tín chấp từ Ngân hàng CSXH là trên 21 tỷ đồng với 38 tổ quản lý nguồn vốn vay ở 11 xã; phát triển tốt các nguồn vốn vay 120 của Trung ương Đoàn, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm… Thông qua hoạt động triển khai các nguồn vốn vay đã khích lệ thanh niên tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, hạn chế tình trạng thanh niên đi làm ăn xa, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ. Nhờ đó, nhiều thanh niên có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình kinh doanh mới, trở thành các “triệu phú” trẻ. Điển hình như mô hình sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản của các anh: Phạm Văn Phong, Bí thư chi đoàn tổ 13, Thị trấn Thịnh Long với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 công nhân, mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng; mô hình trang trại VAC của anh Nguyễn Văn Anh, xã Hải Long, tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng, hằng năm trừ chi phí cho thu nhập 200 triệu đồng/năm; hay như mô hình trồng nấm của Nguyễn Xuân Thùy, xóm 7, xã Hải Anh, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức lương từ 2,8-3,2 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hằng năm đạt trên 200 triệu đồng… Song song với đó, tổ chức Đoàn các cấp còn duy trì có hiệu quả các mô hình CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế; các HTX dịch vụ của thanh niên, các tổ, nhóm thanh niên giúp nhau lập thân, lập nghiệp để thanh niên có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kiến thức KHKT…
 
Phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp đã khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn huyện Hải Hậu trong đời sống thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho họ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thông qua phong trào đã thu hút, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội. Đến nay, toàn huyện đã có trên 80% thanh niên trong độ tuổi vào tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn, Hội. Thời gian tới, để đẩy mạnh phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Huyện Đoàn Hải Hậu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, từ đó định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực, sở trường, khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, trong đó quan tâm đào tạo nghề công nghiệp dịch vụ cho thanh niên, học sinh mới tốt nghiệp THPT hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay qua các kênh khác nhau… Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Hội cũng chú trọng xây dựng những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ chức thăm, học tập mô hình để nhân rộng; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các Cty, doanh nghiệp tổ chức các sàn giao dịch việc làm để thanh niên có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp./.
 
Bài và ảnh:  Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com