Giao Thủy với công tác đào tạo nghề cho người lao động

09:05, 30/05/2016
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Mỗi năm có hàng nghìn lao động nông thôn được học nghề, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phòng LĐ-TB và XH huyện Giao Thủy phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên khu vực Sông Hồng tổ chức lớp dạy nghề may công nghiệp tại cơ sở may Giao Phong, ở xóm Lâm Tiến, xã Giao Phong.
Phòng LĐ-TB và XH huyện Giao Thủy phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên khu vực Sông Hồng tổ chức lớp dạy nghề may công nghiệp tại cơ sở may Giao Phong, ở xóm Lâm Tiến, xã Giao Phong.
Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện Giao Thủy, hiện nay trên địa bàn huyện có 115.900 người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số. Phần lớn lực lượng lao động này trình độ kỹ thuật hạn chế, lao động thủ công là chính và năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển. Đồng chí Nguyễn Huy Thanh, Phó Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện cho biết: Xác định đào tạo nghề là một trong những nội dung chủ yếu để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh, hằng năm UBND huyện Giao Thủy đều xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn chủ động phối hợp chặt chẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề trên đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn, nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của học nghề trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, qua đó thu hút người lao động tham gia học nghề. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của huyện và các xã, thị trấn; nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như điều kiện khả năng của người lao động, huyện mở các lớp đào tạo theo ngành nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động. Trong quá trình triển khai hoạt động đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, huyện luôn coi trọng đến đối tượng, ngành nghề đào tạo hợp lý. Cụ thể là đẩy mạnh đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề truyền thống. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động và mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương. Trong năm 2015, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã mở 13 lớp dạy nghề cho 390 lao động; trong đó có 5 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 170 người và 8 lớp dạy nghề nông nghiệp như: chăn nuôi lợn, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi gà, vịt, trồng cây lương thực cho 260 người. Trong tháng 4-2016, huyện đã khai giảng 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 70 lao động nông thôn. Ngoài ra, các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Thanh niên khu vực Sông Hồng, Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn người. Trong năm 2015, toàn huyện đã tổ chức dạy nghề cho 3.170 lao động, đạt 100,35% kế hoạch. Qua các lớp dạy nghề, nhiều người dân đã mạnh dạn áp dụng kiến thức KH-KT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho chính mình cũng như nhiều lao động khác. Do đó hiệu suất lao động nâng lên, mức thu nhập, đời sống của người dân trong huyện cải thiện. Đặc biệt, thông qua công tác đào tạo nghề, số lao động qua đào tạo ngày càng tăng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đi đôi với việc đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh qua các cơ chế chính sách phát triển CN-TTCN, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, phát triển các mô hình phát triển kinh tế VAC... Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, giúp nhân dân giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho nhân dân.
 
Thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo; đẩy mạnh thực hiện dạy nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề; mời các doanh nghiệp có uy tín về địa phương tuyển dụng lao động, tạo thuận lợi để nhân dân được lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp, giúp người lao động việc làm, có thu nhập ổn định đời sống./.
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com