Tháo gỡ khó khăn trong cắm mốc chỉ giới quy hoạch ngoài thực địa ở cấp xã

06:05, 28/05/2016
Triển khai cắm mốc chỉ giới ngoài thực địa sau khi quy hoạch được phê duyệt nhằm thực hiện mục tiêu quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch, có nề nếp, hạn chế các tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép. Theo cơ quan chuyên môn, việc cắm mốc giới cũng là một hình thức công khai quy hoạch trực tiếp tại địa bàn chứ không phải chỉ trên hồ sơ sổ sách và điều này rất có lợi cho người dân. Khi khu đất có mốc giới rõ ràng và thông tin quy hoạch đầy đủ người dân sẽ biết chính xác nhất mục đích sử dụng của khu vực, phạm vi đến đâu. Từ đó việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất trái phép hay vi phạm xây dựng, tranh chấp trong giải phóng mặt bằng cũng được hạn chế tối đa.
Thi công nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 487 tại xã Trung Đông (Trực Ninh).
Thi công nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 487 tại xã Trung Đông (Trực Ninh).
Theo Điều 4 của Thông tư liên tịch số 13 ngày 28-10-2011 của liên Bộ: Xây dựng, NN và PTNT, TN và MT quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM; sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND cấp xã có trách nhiệm công bố công khai và cung cấp thông tin quy hoạch, tổ chức cắm mốc giới, chỉ giới các công trình hạ tầng kỹ thuật và ranh giới phân khu chức năng, xác định cụ thể diện tích ranh giới đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ ngoài thực địa và lưu trữ hồ sơ quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai cắm mốc quy hoạch NTM từ bản vẽ ra ngoài thực địa thời gian qua có nhiều bất cập mà hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian đầu triển khai xây dựng NTM đều vướng mắc. Đó là, trong quy hoạch NTM, các bản vẽ thường sử dụng bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 kết hợp với các bản đồ chuyên ngành khác như bản đồ giải thửa, bản đồ sử dụng đất… để làm cơ sở thiết kế quy hoạch, cho nên khi chuyển tất cả các yếu tố quy hoạch như các tim, mốc giao thông, các mốc ranh giới sử dụng đất công trình công cộng… thường gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống mốc khống chế đi kèm. Bên cạnh đó, do các địa phương không có cán bộ chuyên môn để lập hồ sơ cắm mốc cũng như thực hiện việc định vị cắm mốc ngoài thực địa. Nguồn kinh phí triển khai cắm mốc cũng khá lớn so với ngân sách địa phương nên các xã chỉ ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn triển khai lập quy hoạch NTM chứ không thuê tư vấn phần việc cắm mốc giới ngoài thực địa nên sau khi quy hoạch được phê duyệt việc mời gọi các đơn vị tư vấn lập quy hoạch để thực hiện cắm mốc giới rất khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Văn Công, Trưởng Phòng Quy hoạch và Quản lý kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết: Để giải quyết khó khăn của các xã, giúp công tác cắm mốc quy hoạch NTM được triển khai theo đúng quy định, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn thực hiện các nội dung trong công tác cắm mốc giới như: Trình tự thực hiện, các loại mốc cần cắm, hồ sơ cắm mốc, quy định về mốc và nguồn kinh phí để thực hiện. Theo hướng dẫn, các loại mốc cần cắm là: Mốc lộ giới các tuyến đường liên thôn, liên xã - mốc ranh giới các khu chức năng như khu công cộng, khu sản xuất tập trung, khu nghĩa trang, khu xử lý rác thải, khu cấm xây dựng. Bên cạnh đó, Sở cũng hướng dẫn các địa phương học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn các địa phương đã triển khai việc lập quy hoạch và cắm mốc hiệu quả, trực tiếp ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch, đơn vị chuyên nghiệp về trắc địa bản đồ, hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ, biên bản nghiệm thu và bàn giao quản lý cột mốc quy hoạch cho các thôn, xóm. Đến nay, công tác triển khai cắm mốc giới quy hoạch xây dựng NTM ở các xã trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản đi vào nề nếp. Tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên), hiện tại đã triển khai cắm các mốc quy hoạch hệ thống giao thông, đường dong ngõ xóm, đường nội đồng; quy hoạch hệ thống khu công nghiệp dịch vụ, sân vận động, nhà văn hóa và quy hoạch vùng. Cụ thể, xã đã tiến hành cắm 53 cột mốc tại các tuyến đường, 42 cột mốc tại vùng quy hoạch sản xuất CN-TTCN và 133 cột mốc phân chia quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp. Các cột mốc chôn cách nhau 100m/cọc, sát với vùng quy hoạch, được bàn giao cho các thôn, xóm quản lý kèm với trích lục bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1.000 xác định rõ các địa giới hành chính của vùng quy hoạch trên bản đồ. 
 
Tuy nhiên, công tác cắm mốc quy hoạch của các địa phương, đặc biệt là địa bàn các xã, thôn, xóm mới chỉ được áp dụng dựa trên tham chiếu và vận dụng linh hoạt từ Thông tư 15/2010/TT-BXD ngày 28-8-2010 của Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị. Do Thông tư chỉ giới hạn đối tượng áp dụng là các đô thị, việc triển khai cắm mốc giới quy hoạch ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về các quy định. Ngày 15-3-2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2016/TT-BXD quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng, có hiệu lực từ ngày 30-4-2016. Trong đó, Thông tư đã bổ sung nhiều quy định rõ ràng hơn về việc triển khai cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa tại địa bàn xã, thôn, xóm; đưa quy hoạch nông thôn vào nhóm đối tượng áp dụng của Thông tư. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa của từng đơn vị, tổ chức hành chính từ tỉnh đến tận xã. Hướng dẫn đầy đủ hơn các thành phần của hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng; quy trình triển khai phối hợp thực hiện, nghiệm thu và bàn giao mốc giới ngoài thực địa; yêu cầu về trách nhiệm quản lý, bảo vệ mốc giới; lưu trữ hồ sơ và cung cấp thông tin về mốc giới. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương nhanh chóng triển khai các quy định mới của Thông tư về cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng, đặc biệt đối với các xã đã và đang hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, thống kê các cột mốc ngoài thực địa để xây dựng kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện theo đúng thông tư mới. Có như vậy, công tác quản lý quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh sẽ được đảm bảo, đúng định hướng mà tỉnh ta đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com