Giải pháp nào cho phát triển du lịch làng nghề?

08:04, 26/04/2016

Với 124 làng nghề, trong đó có 94 làng nghề truyền thống và 30 làng nghề mới, tỉnh ta được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ khách du lịch đến tham quan tại các làng nghề còn thấp so với tổng lượng khách đến tỉnh, thời gian khách lưu lại không lâu, sự chi trả các dịch vụ cũng không cao.

Du khách lựa chọn hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên).
Du khách lựa chọn hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên).

Khó khăn trong phát triển du lịch của các làng nghề ở tỉnh ta là thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Làng nghề ươm tơ Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh) được hình thành cách đây hàng trăm năm hiện vẫn thu hút hàng chục hộ gia đình giữ nghề theo quy trình chế biến thủ công luộc kén, kéo tơ… Do nổi tiếng trong cả nước với nghề ươm tơ cộng với cảnh quan còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính nên làng nghề đã được một số doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh xây dựng là điểm dừng chân cho khách du lịch, nhất là các đoàn khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu. Ông Phạm Xuân Hướng, trưởng thôn Cổ Chất cho biết: Thi thoảng cũng có các đoàn khách du lịch nước ngoài đến thăm làng nghề theo các tour, tuyến du lịch sinh thái. Tuy nhiên, do thiếu hạ tầng du lịch làng nghề như nhà nghỉ, khách sạn, trạm dừng chân, nhiều tuyến đường trục xã, liên xóm chưa được nâng cấp nên các đoàn khách không ở lại lâu, các gia đình trong làng hầu như không hưởng được lợi ích từ hoạt động du lịch này. Cùng tình trạng với làng nghề ươm tơ Cổ Chất là làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê xã Điền Xá (Nam Trực). Với tuổi đời gần 800 năm trồng hoa, cây cảnh nức tiếng trong cả nước, thời cây cảnh gây “sốt” thị trường, mỗi tháng làng nghề đón vài chục đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống người dân, cách làm cây cảnh. Có thời điểm UBND tỉnh xác định làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê là một trong 7 khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh và có kế hoạch xây dựng một số nhà vườn thành điểm dừng chân cho du khách, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng; duy trì tổ chức lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê vào tháng Giêng hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách cả nước đến du xuân, thưởng lãm các loại cây thế, cây cảnh độc đáo. Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng các đoàn khách đến tham quan làng nghề ngày càng ít; một phần do ảnh hưởng của thị trường cây cảnh, cây thế không còn giá trị cao, một phần do làng nghề không có đủ cơ sở hạ tầng như dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, đội ngũ hướng dẫn viên để phát triển du lịch. Hầu như các đoàn khách chỉ ghé qua một số gia đình nghệ nhân sinh vật cảnh nổi tiếng của làng nghề rồi lên đường đến các điểm du lịch khác trong tỉnh. Ở một số làng nghề khác vẫn chưa có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch. Chị Phạm Thanh Lan, hướng dẫn viên Cty lữ hành Việt Nam travel ở Hà Nội cho biết: “Cty chúng tôi dự tính chọn thêm một số làng nghề tiêu biểu của tỉnh Nam Định là điểm dừng chân mà không được bởi có nhiều bất cập như nhiều làng nghề không có bãi đỗ xe, không có nơi giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm, thậm chí không có biển báo chỉ dẫn, hướng dẫn giao thông; môi trường nhiều làng nghề bị ô nhiễm nặng nề, chưa bố trí chỗ vệ sinh khiến nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài ái ngại. Nhiều nơi không có hướng dẫn viên du lịch, hoặc đội ngũ nghệ nhân làm sản phẩm trình diễn cho du khách nên các đoàn khách chỉ ghé qua…”. Nguyên nhân khiến du lịch làng nghề trong tỉnh thời gian qua chưa phát triển còn do các làng nghề chỉ quan tâm đến phát triển các mặt hàng phục vụ tiêu dùng, chưa chú trọng sản xuất hàng hoá phục vụ khách du lịch mua làm kỷ niệm với kích cỡ nhỏ, gọn. Sản phẩm bán cho du khách cũng chính là hàng bán ra thị trường tiêu dùng, trong khi nhu cầu của hai thị trường này lại hoàn toàn khác nhau. Thực tế, ở một số làng nghề như: Sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên); Chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh; Đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá… thỉnh thoảng cũng có đoàn khách của các Cty lữ hành du lịch ngoài tỉnh tổ chức ghé qua tìm hiểu công việc chế tạo, hỏi mua các sản phẩm nhưng số lượng khách mua hàng lưu niệm rất ít. Anh Trần Văn Sơn, chủ cơ sở sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến cho biết, phần lớn các làng nghề đang sản xuất cái chúng ta có chứ chưa sản xuất cái khách du lịch cần trong khi khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài khá cầu kỳ trong việc mua hàng. Khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan thích những sản phẩm tinh tế, hoạ tiết đẹp mắt. Khách Mỹ, châu Âu lại ưa những sản phẩm đơn giản, hoạ tiết gọn ghẽ, đặc biệt quan tâm đến độ an toàn sản phẩm như chất liệu có độc hại không, sản phẩm có dễ bị bong tróc, mốc trong điều kiện thời tiết lạnh không... Nhìn chung các sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, bởi họ yêu cầu mẫu mã đẹp, độc đáo, mang đặc trưng vùng miền; mặt khác họ không thể mang đi vác lại những món đồ cồng kềnh trong suốt cuộc hành trình cũng như không thể mang về nhà làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Khó khăn tiếp theo khi phát triển du lịch làng nghề là các làng nghề trong tỉnh chưa được tạo điều kiện tham gia các cuộc trưng bày, triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến khách hàng. Sự tham gia của cộng đồng và phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại cũng như quen tác phong làm du lịch và tiếp thị sản phẩm theo kênh này. Công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm của các làng nghề còn yếu. Hiện trên địa bàn tỉnh, chỉ duy nhất có làng nghề Vị Khê xây dựng được trang web để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch làng nghề. Do vậy, du khách ít có điều kiện được giới thiệu về các làng nghề và các giá trị văn hoá, kinh tế của làng nghề truyền thống khác của tỉnh.

Để đưa du lịch làng nghề phát triển, thời gian tới, ngành VH, TT và DL, các huyện, thành phố cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề trong tỉnh trên các phương tiện truyền thông; tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát tiềm năng làm du lịch từ đó thiết lập các tour du lịch đến các làng nghề; tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch làng nghề; tham gia các liên hoan làng nghề truyền thống của vùng, khu vực để quảng bá thương hiệu, các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các làng nghề, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, nhân dân các làng nghề về ý nghĩa phát triển du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao khả năng làm du lịch của người dân; các cơ sở sản xuất tại làng nghề phải đầu tư nghiên cứu thị trường từng đối tượng khách để sản xuất ra những sản phẩm có mẫu mã, màu sắc phù hợp. Ngoài ra, các làng nghề cũng cần thực hiện tốt khâu tổ chức xây dựng quy hoạch với khu sản xuất, khu triển lãm để du khách tham quan, tìm hiểu và có thể tham gia làm một số công đoạn tạo ra sản phẩm; thành lập Ban quản lý phát triển du lịch làng nghề với sự tham gia một số người am hiểu, có nhiệt huyết hướng dẫn du khách… Qua đó từng bước đưa du lịch làng nghề phát triển./.       

Bài và ảnh: Thanh Ngọc    
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com