Ngành Xây dựng Nam Định góp phần kiến thiết quê hương "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"

07:04, 23/04/2016
Ngày 29-4-1958, kỳ họp thứ III Quốc hội khoá I đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng. Chỉ một năm sau, UBND tỉnh đã thành lập Ty Kiến trúc, tiền thân của Sở Xây dựng Nam Định ngày nay. Trải qua 58 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, đến nay, ngành Xây dựng tỉnh đã không ngừng lớn mạnh cả về bộ máy, năng lực quản lý với hơn 1.100 doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng.
 
Trải qua gần 6 thập kỷ, ngành Xây dựng Nam Định đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Diện mạo Thành phố Nam Định, thị trấn các huyện, vùng nông thôn toàn tỉnh đã và đang đổi thay với hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật “đường, trường, trạm, chợ”, công sở, nhà ở, phúc lợi công cộng… khang trang, được quy hoạch, xây dựng có hệ thống. Đó là niềm tự hào của nhân dân và cũng là niềm tự hào của mỗi cán bộ, nhân viên ngành Xây dựng Nam Định. Những năm đầu thành lập, ngành Xây dựng cùng nhân dân thực hiện 2 nhiệm vụ chính trị trọng tâm là hàn gắn vết thương chiến tranh do thực dân Pháp để lại và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng cơ sở vật chất để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Ngành đã kiên trì khắc phục khó khăn, tổ chức tốt nhiệm vụ thi công xây dựng cơ sở làm việc nơi sơ tán cho các cơ quan đầu não của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, bệnh viện, trường học... như: Xây hầm đảm bảo nơi làm việc an toàn cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hầm chỉ huy của Thành ủy Nam Định, Khu chỉ huy Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm... Nhiều công trình xây dựng tại thành phố, tại nơi sơ tán và vùng nông thôn, bất chấp bom đạn và bao khó khăn thời chiến, công tác xây dựng vẫn đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như Xí nghiệp Vôi Lạc Quần với hệ thống lò liên hoàn công suất lớn, Nhà máy Ô tô 2-9, Nhà máy Ươm tơ Sông Ninh… Cũng trong thời kỳ này, hàng trăm lượt cán bộ công nhân viên toàn ngành đã lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên các chiến trường và lập được nhiều thành tích xuất sắc, không ít người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, toàn ngành đã nỗ lực vươn lên, củng cố sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới tư duy, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, toàn ngành đã tổ chức phát động nhiều đợt thi đua; các phong trào: “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - PCCN”; “Tổ chức tốt điều kiện sống và làm việc của CNVCLĐ ngành Xây dựng”; “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm ngành Xây dựng”…, đã tạo bước chuyển biến mới về nhận thức, góp phần phát huy tính tự giác, tạo động lực tinh thần, khích lệ sáng tạo khắc phục khó khăn, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành Xây dựng nói riêng.
Quốc lộ 10 đoạn chạy qua Thành phố Nam Định.
Quốc lộ 10 đoạn chạy qua Thành phố Nam Định.
Giai đoạn 5 năm trở lại đây đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Sở Xây dựng trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, tạo cơ sở quan trọng cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng, phát triển trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; lập một loạt quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Thịnh Long tỉnh Nam Định đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Quất Lâm đến năm 2030; Quy hoạch phân khu 20 phường trên địa bàn Thành phố Nam Định; Quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý; Quy hoạch chung xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông; Quy hoạch xây dựng NTM toàn bộ các xã, thị trấn. Đồng thời thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch các khu đô thị mới Mỹ Trung, Thống Nhất, Hòa Vượng; Quy hoạch chung Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Khu nghỉ dưỡng, tắm biển, dịch vụ du lịch xã Giao Phong (Giao Thủy)… Ngoài ra, Sở cũng tích cực phối hợp với các cấp, ngành triển khai lập các quy hoạch chuyên ngành phục vụ công tác quản lý như Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2025; điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; triển khai lập Quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định đến năm 2025. Đồng thời với công tác lập quy hoạch, các lĩnh vực khác cũng được tập trung đổi mới nâng cao chất lượng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đặc biệt trong công tác thẩm định, thẩm tra các dự án, các công trình giúp các chủ đầu tư quản lý có hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư xây dựng góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ năm 2011 đến nay, qua thẩm định, thẩm tra 1.543 công trình, hạng mục công trình với tổng dự toán lập 6.758 tỷ đồng, đã cắt giảm 445 tỷ đồng, tương đương 7% so với giá trị dự toán lập. Công tác quản lý chất lượng công trình không ngừng được quan tâm, chỉ đạo sát sao, nhất là những công trình có nguy cơ cao như: các công trình viễn thông, trạm BTS, cột tháp ăng ten, cửa hàng xăng dầu, nhà ở nguy hiểm... Nhờ vậy, suốt thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đều không xảy ra sự cố về mất an toàn công trình và an toàn lao động. Hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 87%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước máy là 43%. Các hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đi vào nền nếp, tuân thủ theo các văn bản pháp luật về xây dựng. Sở Xây dựng cũng tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách an sinh xã hội về nhà ở cho các đối tượng chính sách.
 
Toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 5.530 hộ người nghèo cải thiện nhà và 1.522 hộ người có công có khó khăn về nhà ở. Nỗ lực thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng gạch không nung kết hợp xóa bỏ lò gạch thủ công truyền thống, hướng tới phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng bền vững. Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo có liên quan đến xây dựng bảo đảm kịp thời, dứt điểm. Công tác cải cách hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ được triển khai tích cực trên mọi mặt; đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ quản lý của ngành. Với những thành tích, đóng góp xuất sắc trong quá trình hình thành và phát triển, Sở Xây dựng đã vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1974); Huân chương Lao động hạng Hai (1983); Huân chương Lao động hạng Nhất (1987, 2001). Huân chương Độc lập hạng Ba (2009); Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (1979, 2000, 2007, 2015); Cờ thi đua của Bộ Xây dựng liên tục 5 năm liền; Cờ thi đua của UBND tỉnh Nam Định (1998, 2000, 2003, 2006, 2014) và nhiều danh hiệu thi đua cho các tập thể, cá nhân trong ngành. 
 
Phát huy những truyền thống, giai đoạn 2016-2020, ngành Xây dựng đề ra phương hướng là: Tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực của ngành theo chức năng được giao. Hướng dẫn và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và giáo dục pháp luật về xây dựng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật; tạo chuyển biến trong quản lý trật tự xây dựng. Tham mưu cho tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, tạo cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phục vụ tích cực cho đầu tư và phát triển; giải quyết kịp thời theo chỉ đạo của cấp trên về nhà ở xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức ngành Xây dựng, góp phần tích cực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiếp tục kiến thiết quê hương ngày càng to đẹp, văn minh, hiện đại./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com