Công tác an toàn vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều bất cập

08:04, 02/04/2016
Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quản lý, điều hành, tạo chuyển biến tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN). Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân chưa nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. 
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với trên 160 nghìn lao động, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và các cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ. Nhằm làm tốt công tác quản lý ATVSLĐ-PCCN, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo BCĐ Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN; đồng thời tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp, đặc biệt tại những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ cao. Từ năm 2015 đến nay, BCĐ Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh đã thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN tại 15 doanh nghiệp và 1 làng nghề. Các ngành chức năng, Ban quản lý các KCN tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề ATVSLĐ-PCCN, việc thực hiện chính sách lao động, giám sát công tác bảo hộ lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp… tại trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trọng điểm. Qua các cuộc kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định về ATVSLĐ-PCCN, bảo vệ sức khoẻ người lao động, cải thiện môi trường làm việc. Ông Trương Đức Chiến, Phó Tổng giám đốc Cty CP Gạch Granit Nam Định cho biết: Với phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, ngay từ khi mới đi vào hoạt động, Cty đã chú trọng đến công tác ATVSLĐ-PCCN. Hằng năm, cùng với xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, Cty xây dựng, thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác ATVSLĐ-PCCN, kiện toàn hệ thống, bộ máy làm công tác ATVSLĐ-PCCN, cấp phát đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân, tổ chức huấn luyện kỹ năng thực hiện quy trình ATVSLĐ-PCCN, đặc biệt là tuyên truyền tại các phân xưởng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người lao động về ATVSLĐ. Phong trào bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp được Cty tiến hành thường xuyên dưới nhiều hình thức phong phú, do đó đã thu hút được đông đảo công nhân lao động tham gia hưởng ứng. Cùng với đó, Cty tổ chức tốt các hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên, đồng thời chỉ đạo sát sao công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy lao động, quy định về ATVSLĐ, sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất. Với những hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, Cty CP Gạch Granit Nam Định được đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đánh giá là doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN.
Người lao động ở làng nghề Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) không sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động khi sản xuất.
Người lao động ở làng nghề Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) không sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động khi sản xuất.
Bên cạnh các doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ-PCCN, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn tỉnh thực hiện chưa nghiêm các quy định ATVSLĐ dẫn đến không ít các vụ tai nạn đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh xảy ra 78 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết, 26 người bị thương nặng. Ngoài ra, việc không đảm bảo điều kiện lao động an toàn trong sản xuất đã khiến nhiều lao động mắc các bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống. Qua các cuộc kiểm tra công tác ATVSLĐ cho thấy, ở một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, điều kiện lao động vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn dẫn đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Một số người sử dụng lao động và nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN. Huấn luyện ATVSLĐ là một trong những nội dung bắt buộc của công tác bảo hộ lao động nhằm cung cấp kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, giúp người lao động biết cách thực hành ATVSLĐ, xử lý những tình huống trong quá trình sản xuất. Điều 102 Bộ luật Lao động quy định: trước khi nhận việc, người lao động, kể cả người học nghề phải được hướng dẫn, huấn luyện ATVSLĐ và được huấn luyện định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, thời gian huấn luyện ít nhất 2 ngày; người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải được tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ… Song, do chủ quan, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sự an toàn tính mạng, sức khỏe người lao động; cũng như bảo đảm an toàn về tài sản của doanh nghiệp nên một số doanh nghiệp thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động theo cách đối phó, rút ngắn thời gian huấn luyện. Nội dung huấn luyện mới chỉ tập trung vào lý thuyết, phổ biến các nội quy, quy chế của đơn vị, phần thực hành kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị còn hạn chế... Việc lập hồ sơ theo dõi về công tác ATVSLĐ-PCCN của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đầy đủ, công tác đảm bảo an toàn điện trong sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số làng nghề, người lao động phải làm việc trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Các chỉ số về môi trường lao động, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, ánh sáng, bụi, tiếng ồn, độ rung, hơi, khí độc... chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, thiết bị máy móc, công cụ lao động không bảo đảm an toàn vẫn đưa vào sử dụng và người lao động không được trang bị đầy đủ các phương tiện cá nhân trong lao động sản xuất. Nhiều người lao động cũng chưa ý thức sử dụng bảo hộ lao động cá nhân như: khẩu trang, kính, găng tay, ủng... khi làm công việc có yêu cầu sử dụng bảo hộ lao động vì cho rằng vướng víu, khó chịu… đều là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
 
Để tăng cường công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, chế độ bảo hộ lao động, kiến thức ATVSLĐ. Tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ; hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng, triển khai kế hoạch và tự kiểm tra công tác ATVSLĐ. Xây dựng, trang bị đầy đủ nội quy lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn. Trang cấp thiết bị ATVSLĐ, bảo hộ cá nhân cho người lao động, đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm. Các doanh nghiệp cần tự giác, chủ động thực hiện quy định về huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Đặc biệt, người lao động cần tích cực tham gia các lớp huấn luyện, tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ-PCCN./.
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com