Phát huy hiệu quả của các phòng học bộ môn

07:04, 09/04/2015

Từ nhiều năm qua, để chuẩn bị cho môi trường dạy và học tương tác, khơi dậy tính tích cực tham gia của học sinh, nhiều trường học trong tỉnh đã chú trọng xây dựng phòng học bộ môn nhằm giúp học sinh sớm làm quen với môi trường khoa học, có những kiến thức thực tiễn. Việc xây dựng phòng học bộ môn được coi là một trong những mục tiêu để các nhà trường “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Để xây dựng phòng học bộ môn đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay, các nhà trường trang bị cho phòng học bộ môn đồng bộ các thiết bị dạy học hiện đại như bàn ghế thí nghiệm cho học sinh, hệ thống điện, cấp thoát nước, bảng chống lóa, các thiết bị kỹ thuật số, các trang thiết bị phục vụ cho giờ thí nghiệm, có máy tính, máy chiếu  phục vụ cho việc dạy và học. Nhằm triển khai dạy học có hiệu quả ở phòng học bộ môn, các nhà trường đều tổ chức cho đội ngũ giáo viên nghiên cứu, học tập các văn bản quy định về phòng học bộ môn; hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của phòng học bộ môn trong quá trình giáo dục và giảng dạy. Thực tế các phòng học bộ môn đã phát huy tính tích cực của thầy và trò trong quá trình giảng dạy và học tập của nhà trường. Năm học 2013-2014, Trường THCS Giao Xuân (Giao Thủy) đã được đầu tư thêm một phòng dạy tiếng Anh hiện đại trị giá 300 triệu đồng cùng dàn máy vi tính hiện đại cho phòng học Tin học. Từ khi được đầu tư, chất lượng việc dạy và học bộ môn tiếng Anh và Tin học của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Học sinh được rèn luyện kỹ năng nghe nói, từ đó việc đọc, viết của các em cũng tốt hơn so với việc trước đây các em lên lớp chủ yếu chỉ được cung cấp vốn từ và ngữ pháp theo bài học. Bên cạnh đó, việc học môn Tin học cũng được thực hành trực tiếp trên máy vi tính nên việc tiếp thu bài học của các em tốt hơn hẳn so với trước. Cùng với các phòng học bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, học sinh nhà trường được học lý thuyết song song với thực hành, đã phát huy tốt khả năng tiếp thu, có cách tư duy lôgic. Hiện tại, nhà trường đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Trong năm học vừa qua, nhà trường đã có 6 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 16 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện; 245/628 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định) trong một giờ thực hành môn Hóa học.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định) trong một giờ thực hành môn Hóa học.

Hiện nay, ở nhiều trường học trong tỉnh vẫn chưa có phòng bộ môn, nên học sinh vẫn phải học trong các lớp truyền thống. Tại các trường này, vào những giờ thực hành, học sinh và giáo viên phải kê lại bàn ghế, rất mất thời gian nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giờ dạy. Đồ dùng thực hành của học sinh được lưu giữ trong phòng thiết bị giáo dục, vì vậy giáo viên phải đăng ký mượn, lục tìm rất khó khăn và mất thời gian. Việc triển khai công nghệ thông tin hoặc ứng dụng thông tin vào bài giảng rất hạn chế vì giáo viên đa số ngại chuẩn bị máy tính, phông, máy chiếu. Học sinh không được tiếp cận các thông tin, hình ảnh sinh động liên quan, làm giảm hứng thú học tập và hạn chế lĩnh hội kiến thức. Kho học liệu điện tử của nhà trường chưa được khai thác thường xuyên. Độ bền và chất lượng của các thiết bị chưa thực sự tốt và chưa được thay thế bổ sung kịp thời, vì vậy việc khai thác sử dụng phòng học bộ môn kém hiệu quả... Tại một trường THCS, phòng thí nghiệm chung của trường có diện tích tương đương một phòng học, trong đó được trang bị bàn ghế, dụng cụ thí nghiệm ngổn ngang nên khi thực hành học sinh phải quây quần theo nhóm bên bộ thí nghiệm cùng giáo viên hướng dẫn, số còn lại phải tản ra xung quanh hoặc ngồi dưới chờ đến nhóm của mình. Vì vậy, cuối tiết thực hành, khi giáo viên kết luận về kiến thức, kết quả thực hành vừa diễn ra, nhiều học sinh vẫn ngơ ngác vì chưa hiểu hoặc có hiểu cũng chỉ là “qua lý thuyết”, kiểu như A kết hợp với B sẽ thành ra C... Bên cạnh đó, không phải các dụng cụ, trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm đều đáp ứng được yêu cầu thực hành. Một học sinh lớp 12 cho biết: “Chiếc kính hiển vi ở phòng thí nghiệm trường em mờ nên khi thực hành chúng em không thấy được sự vật, hiện tượng giống như những kiến thức đã học ở phần lý thuyết. Nhiều thiết bị còn không đồng bộ hoặc hư hỏng một phần nên không đạt được hiệu quả sử dụng. Chúng em vào phòng thí nghiệm chỉ để tuân thủ theo đúng chương trình học. Trong lớp có một số bạn rất ham mê các bài thí nghiệm nên ngoài kiến thức được học trong phần học lý thuyết, các bạn ấy thường lên mạng để tìm kiếm thông tin và nghiên cứu sâu hơn về bài thực hành nhưng như vậy cũng chỉ hiểu mà không được ứng dụng thực tế!”. Trong mỗi trường học hiện nay, bình quân có từ 3 đến 5 phòng bộ môn nên các trường xếp lịch các lớp luân phiên nhau vào thực hành thí nghiệm. Vì thế, nhiều khi lớp này vừa kết thúc, lớp khác vào thực hành và vì nhiều nguyên nhân, thiết bị đã không còn sử dụng được, thầy cô giáo phải dạy chay và học sinh chỉ thấy được bộ thí nghiệm thực hành, bởi vậy một số giáo viên còn bỏ qua tiết thí nghiệm. Một thực trạng nữa là ở các trường sư phạm hiện nay chưa có chuyên ngành đào tạo giáo viên phụ trách thí nghiệm và nhiều giáo viên các môn học, ngành học, cấp học cũng chưa chuẩn bị tốt cho việc thực hành thí nghiệm tương ứng với giáo trình, sách giáo khoa. Việc dạy cho học sinh biết bố trí một thí nghiệm kiểm chứng khoa học theo đúng mục đích đặt ra của bài thực hành thí nghiệm cũng rất khác với việc biểu diễn một thí nghiệm cho học sinh xem. Nhiều giáo viên cho rằng, dạy thí nghiệm, thực hành ở phòng bộ môn chủ yếu là phải rèn kỹ năng thực hành cho học sinh nên khó hơn dạy kiến thức khoa học cơ bản, do đó, giáo viên rất ngại tiết thực hành… Học sinh hiện nay ngoài kiến thức được học trên lớp các em có thể dễ dàng thu thập thêm kiến thức từ nhiều nguồn; còn để thực hành tốt thì các em phải tự mày mò và thực hành đến thuần thục thì mới có được kỹ năng cần thiết nhưng thời gian trên lớp không cho phép và không phải học sinh nào cũng có thể được trực tiếp thực hành. Bên cạnh đó, việc dạy thực hành, thí nghiệm hiện nay, chương trình khung của Bộ GD và ĐT mới chỉ nêu “dạy cái gì’’, còn “dạy như thế nào’’ thì lại là vấn đề của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Và như vậy, việc học sinh giỏi lý thuyết nhưng lơ mơ thực hành là hiện tượng phổ biến trong các trường phổ thông hiện nay. Chỉ những em học lớp chuyên có điều kiện được thực hành tại phòng thí nghiệm, có đầy đủ trang thiết bị được thầy cô đầu tư nhiều công sức, trí tuệ hoặc những em chuyên tâm tự mày mò tìm hiểu thêm ở nhà, ở các nơi có liên quan đến chuyên môn thì việc thực hành mới hiệu quả.

Phòng học bộ môn trong các nhà trường góp phần giúp học sinh được rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo niềm hứng thú, nghiên cứu, ham mê khám phá, sáng tạo và ứng dụng kiến thức được học vào thực tế. Tuy nhiên, hiện nay để xây dựng phòng học bộ môn theo đúng quy định của Bộ GD và ĐT cần một khoản kinh phí không nhỏ. Vì vậy, bên cạnh sự đầu tư của địa phương, của ngành GD và ĐT, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt công tác xã hội hóa giáo dục, sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên nhằm giúp các nhà trường xây dựng các phòng bộ môn đạt chuẩn, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com