Cần quan tâm xây dựng các công trình dành cho người khuyết tật

07:04, 09/04/2015

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta có hơn 1.114 hội viên và hàng nghìn người khuyết tật (NKT) khác hiện đang sinh sống tại cộng đồng các khu dân cư; trong đó có rất nhiều người bị khuyết tật vận động. Theo đồng chí Vũ Thị Lan, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết: “Bản thân tôi là một NKT vận động trên 40% từ hơn 30 năm nay. Mỗi khi tiếp cận với các công trình công cộng như: UBND, trạm y tế, trường học, NVH, ngân hàng, bưu điện, điểm vui chơi..., không chỉ tôi mà những NKT khác thường gặp nhiều trở ngại bởi phần lớn thiết kế của các công trình chưa có hoặc có nhưng chưa đủ các điều kiện để NKT có thể tiếp cận và sử dụng”. Đặc biệt, đối với các công trình công cộng chính như đường giao thông, bãi đỗ xe (đối với người sử dụng xe lăn) lại càng khó khăn hơn. Trên địa bàn Thành phố Nam Định không hiếm gặp tình trạng NKT đi xe lăn gặp khó khăn khi tham gia lưu thông bằng các phương tiện công cộng. Tại các công sở, không có lối riêng cho NKT với những công cụ trợ giúp người khiếm thính, khiếm thị, người đi xe lăn… Chính vì thế, NKT có những hạn chế, thiệt thòi trong cuộc sống, khó có cơ hội tìm việc làm cũng như tham gia vào các hoạt động kinh tế, thương mại giải trí… Đây là rào cản hạn chế NKT hòa nhập cộng đồng, phát huy năng lực và những đóng góp của họ đối với xã hội.

Hầu hết các điểm chờ xe buýt ở Thành phố Nam Định đều không bố trí vệt dốc hay đường dốc dành cho người khuyết tật.
Hầu hết các điểm chờ xe buýt ở Thành phố Nam Định đều không bố trí vệt dốc hay đường dốc dành cho người khuyết tật.

Đánh giá về các công trình đảm bảo cho NKT tiếp cận và sử dụng, Sở Xây dựng cho biết hiện tại một số công trình đã được chú trọng trong quá trình thiết kế, xây dựng đảm bảo được vấn đề tiếp cận, chiếm tỷ lệ cao nhất là các công trình y tế, giáo dục, triển lãm, nhà trưng bày, trụ sở cơ quan. Tuy nhiên, việc quan tâm xây dựng các công trình công cộng là không đồng đều, các công trình chưa được chú ý là chợ, siêu thị, bưu điện, nhà ga, công trình có tỷ lệ tiếp cận ít nhất là ngân hàng. Bên cạnh đó, các hạng mục thiết kế trong 1 công trình cũng không hoàn thiện đầy đủ, chủ yếu chỉ hỗ trợ ban đầu cho NKT vận động sử dụng xe lăn bằng vệt dốc, đường vào công trình, đường và hè phố… Đa phần các công trình đều chưa có biển báo, biển chỉ dẫn cho NKT. Lý giải nguyên nhân tình trạng trên, cán bộ Sở Xây dựng cho biết, việc triển khai xây dựng công trình tiếp cận cho NKT còn gặp một số trở ngại do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công công trình còn chưa cao. Đa số chỉ tập trung thiết kế phục vụ cho phần đông người sử dụng chứ ít chú ý đến thiết kế các hạng mục dành cho NKT. Các chủ đầu tư, đặc biệt đối với các công trình không có nguồn vốn Nhà nước thường ngại ngần do giá thành công trình tăng lên nhiều (chi phí thiết kế, giá vật tư vật liệu, biển báo, biển chỉ dẫn). Nhận thức của các ngành, các cấp trong việc quan tâm đến NKT chưa đầy đủ dẫn đến chưa triệt để trong công tác kiểm soát các khâu thiết kế, xây dựng (thẩm định thiết kế cơ sở các công trình công cộng, hạ tầng giao thông đô thị, trụ sở cơ quan Nhà nước).

Trước thực trạng trên, ngày 29-12-2014, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng. Trong đó quy định rõ các loại công trình bắt buộc áp dụng các quy chuẩn thiết kế có tính đến phục vụ NKT, bao gồm nhà chung cư; công trình công cộng: trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao; công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ; nhà ga, bến tàu, bến xe, đường, hè phố, hầm đi bộ, cầu vượt và các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị khác (nhà tang lễ, nghĩa trang, nhà vệ sinh công cộng, điểm chờ xe buýt, máy rút tiền tự động, điểm truy cập internet công cộng…). Thông tư có hiệu lực từ 1-7-2015 sẽ là cơ sở để các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng tiến hành áp dụng. Hiện tại, Thành phố Nam Định đã tiến hành cải tạo các công trình công cộng như Công viên Vỵ Xuyên, Thống Nhất, Prato; thiết kế lại các đường lên xuống ở hè phố, giải phóng vỉa hè và lối đi bộ cho NKT tiếp cận đảm bảo cho NKT có thể tham gia dễ dàng. Dự kiến thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành áp dụng quy chuẩn mới trong các công trình trạm y tế mới, NVH mới trên địa bàn. Ngoài ra, các sở, ngành, cơ quan Nhà nước cũng từng bước tiến hành thẩm định, yêu cầu các chủ đầu tư áp dụng quy chuẩn trong các công trình thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật thiết kế, xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận các công trình xây dựng tới các địa phương. Tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của quy chuẩn xây dựng đảm bảo NKT tiếp cận công trình./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com