Bất cập trong công tác an toàn vệ sinh lao động ở làng nghề đúc Tống Xá

09:04, 08/04/2015

Làng nghề đúc Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) hiện có khoảng 90 doanh nghiệp chuyên đúc kim loại và hàng trăm cơ sở sản xuất vệ tinh cho các doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trong xã và các xã lân cận. Từ nghề truyền thống, nhiều hộ đã giàu lên. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại làng nghề đúc Tống Xá vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.

Người lao động ở làng nghề đúc Tống Xá không sử dụng đầy đủ bảo hộ khi sản xuất.
Người lao động ở làng nghề đúc Tống Xá không sử dụng đầy đủ bảo hộ khi sản xuất.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề, từ năm 1993, xã Yên Xá đã quy hoạch, xây dựng CCN Tống Xá, thu hút trên 50 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất tận dụng nhà ở trong khu dân cư làm xưởng nên diện tích chật hẹp gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại, ảnh hưởng đến môi trường sống. Để đảm bảo công tác ATVSLĐ, xã Yên Xá thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phân công cán bộ đến từng hộ sản xuất nhắc nhở, hướng dẫn chủ cơ sở và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, an toàn sử dụng điện, sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Qua đó, nhận thức và ý thức tự giác của các chủ cơ sở sản xuất cũng như người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tại một số doanh nghiệp vào đầu tháng 3-2015 cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề ATVSLĐ-PCCN. Việc thực hiện trách nhiệm đối với người lao động cũng như các vấn đề đảm bảo ATLĐ, PCCN trong quá trình sản xuất còn nhiều hạn chế. Từ cuối tháng 2-2015, Ban Chỉ đạo tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN xã Yên Xá đã có văn bản chỉ đạo về việc triển khai các hoạt động trong Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN nhưng dường như các doanh nghiệp trong CCN Tống Xá không có sự hưởng ứng, không có pa nô, khẩu hiệu áp phích tuyên truyền. Do đặc thù của nghề đúc kim loại, cùng với tiếng ồn thì lượng khí thải và bụi từ hoạt động đúc kim loại, gia công cơ khí… xả ra rất lớn khiến các nhà xưởng và xung quanh khu vực làng nghề luôn có mùi khét lẹt, nhưng tại các xưởng sản xuất, vẫn còn không ít người lao động không sử dụng hoặc sử dụng không đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất như: không mang khẩu trang, giày, đeo kính; nhiều lao động chỉ trang bị bảo hộ lao động duy nhất là đôi găng tay. Một số lao động chia sẻ rằng môi trường làm việc ô nhiễm, độc hại, chưa kể do đặc thù nghề đúc thì các tai nạn gây thương tích và nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn nhưng bản thân họ cũng không sử dụng bảo hộ lao động cá nhân vì “vướng víu” (!)… Trong nhà xưởng, vật liệu sản xuất bày đặt ngổn ngang, không có lối đi; không có lối thoát hiểm nếu chẳng may sự cố cháy nổ xảy ra. Hệ thống điện mắc thủ công, đấu nối tùy tiện, dây dẫn điện vận hành máy móc chăng chằng chịt, cầu dao điện phần lớn bị mất nắp, nguy cơ mất an toàn cao. Môi trường làm việc ẩm thấp, điều kiện làm việc của người lao động về ánh sáng, tiếng ồn không đảm bảo. Người lao động nặng nhọc, độc hại không được bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, không được khám sức khỏe định kỳ. Doanh nghiệp không kiểm định các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, không có bảng hướng dẫn nội quy, quy trình vận hành. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ ATLĐ, cháy nổ. Trên thực tế tại làng nghề Tống Xá đã từng có những vụ tai nạn lao động xảy ra làm chết người. Đoàn kiểm tra đã nghiêm túc nhắc nhở, yêu cầu chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong công tác ATVSLĐ-PCCN đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khoẻ của người lao động; đôn đốc, nhắc nhở người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc…

Để làng nghề truyền thống đúc Tống Xá phát triển bền vững, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần chỉ đạo đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất và người lao động về công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN và bảo vệ môi trường; tổ chức các lớp huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp và những tai nạn lao động. Trước hết, chủ doanh nghiệp, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất cần sớm thay đổi nhận thức, ý thức, cải thiện hành vi chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người lao động và tài sản của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com