Những vướng mắc trong giải quyết chế độ BHXH cho người lao động

09:11, 02/11/2012

Anh Nguyễn Văn Thứ, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) trên đường đi làm về bị tai nạn gẫy chân phải vào viện điều trị 2 tháng. Sau khi ra viện, anh Thứ đề nghị Cty nơi anh công tác làm thủ tục thanh toán tai nạn lao động, nhưng cơ quan BHXH cho biết hồ sơ của anh không đủ căn cứ để giải quyết do thiếu biên bản điều tra tai nạn giao thông, biên bản giám định y khoa theo khoản 2, điều 114, Luật BHXH quy định. Hiện nay, những trường hợp bị tai nạn như anh Thứ không ít, nhưng trên thực tế, ở những nơi xa trung tâm tỉnh, huyện, việc lập biên bản tai nạn giao thông rất khó thực hiện. Người bị nạn thường được nhanh chóng đưa đi cấp cứu, ít nghĩ đến việc báo công an đến lập biên bản, trừ trường hợp tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy, hầu hết các hồ sơ tai nạn lao động trong trường hợp này đều chậm được hoàn thiện, gây khó khăn cho cơ quan BHXH khi giải quyết chế độ, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Cán bộ Phòng Sổ thẻ (BHXH tỉnh) đảm bảo cấp phát kịp thời sổ BHXH, thẻ BHYT cho đối tượng tham gia.
Cán bộ Phòng Sổ thẻ (BHXH tỉnh) đảm bảo cấp phát kịp thời sổ BHXH, thẻ BHYT cho đối tượng tham gia.

Trong quá trình giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động theo Luật BHXH, cơ quan BHXH đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như đối với chế độ tử tuất có sự chênh lệch lớn giữa mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng với mức hưởng trợ cấp tuất một lần. Nhiều người thường tìm cách "lách luật", kê khai hoàn cảnh gia đình theo hướng được trợ cấp tuất một lần. Trong khi đó, cơ quan BHXH rất khó kiểm tra thông tin kê khai, pháp luật cũng chưa có chế tài cụ thể đối với người kê khai thông tin. Đối với việc giải quyết chế độ ốm đau, những trường hợp bệnh dài ngày, cơ quan BHXH căn cứ vào giấy ra viện hoặc biên bản hội chẩn ghi thời gian nghỉ việc điều trị để thanh toán chế độ. Tuy nhiên, nếu sau đó người lao động vẫn tiếp tục nghỉ việc để điều trị bệnh thì không có căn cứ để duyệt số ngày nghỉ. Trường hợp người lao động bị ung thư, giấy ra viện ghi thời gian điều trị dài ngày nhưng trên thực tế, người lao động không nằm viện hết thời gian đó thì cơ quan BHXH cũng không có cơ sở để thanh toán. Theo giám đốc một số BHXH cấp huyện, nhiều quy định liên quan đến thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau dài ngày cho người lao động chưa phù hợp. Vì một số bệnh như: lao, đái tháo đường… khi bệnh nhân nghỉ việc để điều trị ngoại trú thì không có giấy ra viện và bản sao giấy hội chẩn hoặc biên bản hội chẩn của cơ sở y tế. Những trường hợp người lao động bị gãy tay, gãy chân phải bó bột hoặc bị động thai cần nghỉ ngơi tại nhà từ 1-2 tháng theo chỉ định của bác sỹ nhưng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu C65 chỉ được cấp tối đa 5 ngày, 7 ngày hoặc 10 ngày theo tuyến điều trị quy định tại Thông tư liên tịch số 11 ngày 22-6-2009 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, danh mục bệnh cần điều trị dài ngày hiện đã lạc hậu, cần bổ sung thêm một số bệnh như: viêm gan siêu vi các loại; các bệnh về mắt dẫn đến khiếm thị, mù loà; xơ gan, suy thận… làm mất khả năng lao động hoàn toàn. Các quy định bệnh về nội tiết được hưởng chế độ bệnh dài ngày song do chưa có văn bản quy định cụ thể về các bệnh nội tiết nên việc duyệt chế độ cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số quy định của ngành cần chỉnh sửa cho phù hợp. Chẳng hạn như tại khoản 1, điều 72, Quyết định số 1111 của BHXH Việt Nam quy định giám đốc BHXH huyện, thành phố phải ký trực tiếp (không được uỷ quyền cho phó giám đốc) trên tờ rời xác nhận thời gian đóng BHXH, BH thất nghiệp và trên tờ bìa sổ BHXH cấp mới. Vì vậy, với những đơn vị quản lý số đối tượng tham gia BHXH lớn, riêng việc ký xác nhận đã tốn nhiều thời gian, thậm chí không đảm bảo trả hồ sơ đúng hẹn; giám đốc đơn vị cũng không còn thời gian để kiểm tra các nghiệp vụ chuyên môn khác và nếu khi đi công tác (không có người ký) sẽ làm chậm thời gian giải quyết chế độ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Trước những vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết chế độ BHXH, gây khó khăn cho đơn vị thực hiện cũng như đối tượng được hưởng BHXH, các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung để Luật BHXH phù hợp với thực tế. Điều này không chỉ góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH mà còn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH./.

Bài và ảnh: Hồng Hạnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com