Lạt mềm

01:02, 02/02/2012

Không ít giáo viên hiện nay vẫn quan niệm, khi học sinh mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục hiệu quả nhất là trừng phạt. Nhưng khi bị áp đặt kỷ luật, đến một "ngưỡng” nào đó, các em dễ nảy sinh tâm lý chống đối, hung hăng, thách thức, nói dối, lo sợ hoặc rơi vào trạng thái bi quan, nảy sinh hành vi tiêu cực.

Dự án "Bảo vệ trẻ em và tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực” do Bộ GD và ĐT phối hợp với tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện ba năm qua tại cấp Trung ương và bảy tỉnh thành Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Hà Nội, đã xây dựng củng cố môi trường giáo dục thân thiện, không bạo lực, củng cố quan hệ thầy cô với học trò, phụ huynh với con em gần gũi, tích cực, có thể được xem là hình thức giáo dục kỷ luật kiểu "lạt mềm” hiệu quả.

Cái chết đau lòng vì tự tử của một nữ sinh THPT tại tỉnh Thái Bình những ngày giáp Tết Nhâm Thìn vừa qua một lần nữa gióng chuông báo động về tình trạng ức chế tâm lý dễ nảy sinh hành vi tiêu cực trong học sinh. Cô giáo ở đây yêu cầu những em có điểm chưa đạt yêu cầu phải chép phạt nhiều lần một bài tập, một nữ sinh học lực khá của lớp phản đối, bị cô mắng lập tức chạy ra khỏi lớp, nhảy từ tầng cao xuống.

Học trò mắc lỗi là chuyện thường xảy ra ở nhà trường. Nếu trừng phạt tinh thần là la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi, chửi rủa... làm các em xấu hổ. Nếu bạo lực thì tát, đánh, véo, giật tóc, nhốt, cách ly, quỳ úp mặt vào tường... Cả hai cách thức trừng phạt ấy đều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý làm trẻ mất danh dự, mất tự tin và dù ở đâu, kỷ luật áp đặt cũng chỉ tạo ra ở học sinh những hành vi nghiêm trọng hơn… Giáo dục kỷ luật tích cực là động viên chia sẻ, khuyến khích cảm thông, hỗ trợ, nuôi dưỡng năng lực và lòng tin của học sinh, rằng mọi khuyết điểm đều có thể tự nguyện sửa chữa tốt.

Để "trị” bệnh hút thuốc lá vốn phổ biến với học sinh của trường, Ban giám hiệu trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho các em đăng ký tự cai nghiện và kiểm soát việc hút thuốc lá của các em tại một góc trong trường với cam kết hút với số lượng giảm dần. Nếu không thực hiện được cam kết, phải tự quyết định hình thức kỷ luật bằng cách lựa chọn làm một số việc có ích cho tập thể (dọn phòng học, làm vệ sinh trường lớp…).

Tại hội nghị tổng kết dự án "Bảo vệ trẻ em, tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực” mới đây, nhiều cơ sở giáo dục đã chia sẻ phương pháp giáo dục tích cực. Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị) kể về kỳ tích của một giáo viên dạy văn tên Nhung, đã cảm hóa 5 học sinh cá biệt trở nên ngoan ngoãn bằng những lá thư tâm sự ân cần. "Cô biết em là đại ca của lớp. Nếu em lãnh đạo phong trào của lớp tốt lên thì sẽ tốt biết bao”, cô giáo Nhung đã "biến” những học sinh cá biệt của lớp trở nên hòa đồng, thân thiện. Cô Nhung cho rằng những biện pháp cứng rắn dường như phản tác dụng nên khi các em quậy, cô chỉ cười trừ, lấy lại bình tĩnh để tìm hướng giải quyết. Với những bức thư nhỏ, chân thành, cô Nhung đã động viên, khích lệ và cũng "khích tướng” các em. Dần dần, những học sinh cá biệt đã có chuyển biến tích cực, gần gũi, thân thiện hơn với cô và các bạn.

Thời gian đang cho thấy hiệu quả và sự cần thiết của việc nhân rộng phương pháp kỷ luật thân thiện cho cả thầy và trò, để áp lực từ cuộc sống hiện đại, nhiều phức tạp, sự căng thẳng nảy sinh từ việc dạy, việc học trong nhà trường có thể sẽ được hạ nhiệt đáng kể./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com