Bảo vệ tài nguyên, môi trường ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy

08:02, 07/02/2012

Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy được quốc tế công nhận là rừng ngập mặn thứ 50 của Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước trên thế giới. Với diện tích hơn 7.100ha, VQG Xuân Thuỷ là điểm dừng chân của trên 200 loài chim di trú, trong đó có những loài gần như tuyệt chủng nằm trong sách đỏ quốc tế như: cò thìa, bồ nông, mòng biển, choi choi, mỏ thìa, diệc đầu đỏ…

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Xuân Thủy.  Ảnh: An Đăng - TTXVN
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Để bảo vệ môi trường sinh học cảnh quan, hạn chế sự khai thác quá mức nguồn thuỷ sản, Ban quản lý (BQL) VQG Xuân Thủy đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân các xã trong vùng đệm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường trong khu vực. Năm 2007 Bảo tàng tổng hợp VQG Xuân Thủy được xây dựng trong khuôn khổ Dự án đầu tư phát triển VQG Xuân Thủy với tổng diện tích trưng bày 600m2. Đến năm 2010 với sự hỗ trợ của Viện Phát triển các nguồn nhân lực ven biển Á Châu (Corin Asia), BQL dự án Wap, Bảo tàng tổng hợp VQG Xuân Thủy đã sưu tầm, thiết kế, phục dựng gần 200 mẫu vật tổ chức trưng bày thành các góc biểu đạt ấn tượng và nêu rõ được các biện pháp cũng như những lợi ích từ bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động văn hóa, sản xuất từ nhiều thập kỷ trước của người dân nơi đây. BQL VQG Xuân Thủy đã cân nhắc, lựa chọn, triển khai nhiều sinh kế thích hợp theo quan điểm chia sẻ lợi ích với người dân vùng đệm để thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi trường VQG Xuân Thuỷ. BQL đã phối hợp với chính quyền các xã trong vùng xác lập phương thức canh tác quảng canh cải tiến phù hợp, nhằm giúp người dân ở đây duy trì mô hình lâm ngư kết hợp có thu nhập ổn định và bền vững. Ở các đầm “trắng", rừng được trồng lại theo thiết kế khoa học, đảm bảo độ che phủ đạt 30%-50%. Cùng với việc phục hồi rừng, chính quyền các địa phương đã phối hợp với BQL VQG xây dựng mô hình nuôi ngao bền vững. UBND huyện Giao Thủy và BQL VQG Xuân Thủy đã dùng nguồn vốn từ dự án “Nâng cao và đẩy mạnh việc quản lý rừng đất ngập nước thuộc Công ước Ramsar" do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tài trợ cấp cho các hộ dân phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả và phát triển nghề phụ. Chính quyền của 5 xã vùng đệm đã kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân triển khai các lớp dạy nghề tại chỗ như mây tre đan xuất khẩu nhằm nâng cao thu nhập và giải quyết thời gian nông nhàn cho nhân dân. Đến nay, tại các xã trong khu vực đã có hơn 400 người theo học nghề và làm gia công sản phẩm mây tre đan, thu nhập từ trên dưới 1 triệu đồng/tháng… Những hoạt động thiết thực của BQL và chính quyền địa phương đã góp phần cải tạo môi trường của VQG Xuân Thủy, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu và khám phá. Thu nhập và đời sống của người dân tại các xã vùng đệm ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số người thiếu ý thức lén lút khai thác thuỷ sản ở những bãi tự nhiên gây mất cân bằng sinh thái. Hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường.

Theo đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc BQL VQG Xuân Thủy, năm 2012 với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, tỉnh ta sẽ triển khai nhiều dự án, đề án bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến các biện pháp thực thi hiệu quả đề án về quản lý hoạt động khai thác ngao giống tự nhiên ở cửa sông Hồng; phối hợp với các bên liên quan thực hiện Đề án cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn ở khu vực vùng đệm VQG Xuân Thủy. Tiếp tục thực hiện pha thứ 5 Dự án của Chương trình Liên minh đất ngập nước quốc tế (WAP) với các công việc tiếp nối như: trồng nấm, nuôi ong, làm VAC, nghiên cứu quy hoạch phát triển các sinh kế thay thế bền vững... Tiếp tục hợp tác với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện các hoạt động tạo lập sinh kế thay thế bền vững và góp phần tăng cường năng lực cho cộng đồng dân cư khu vực xã Giao Xuân. MCD cũng đã ra mắt Dự án mới “Tăng cường sức đề kháng của cộng đồng ven biển (xã Giao Xuân, Giao Thủy) để thích ứng với biến đổi khí hậu" giai đoạn 2011-2014 nhằm tiếp nối các hoạt động truyền thống, đồng thời tìm kiếm các cơ chế thích nghi tốt hơn cho cộng đồng với biến đổi khí hậu ở khu vực. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai giai đoạn I dự án "Xóa bỏ rào cản trong công tác bảo tồn thiên nhiên ở VQG Xuân Thuỷ" do Tổng cục Môi trường thực hiện giai đoạn 2011-2014. Phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp và Viện Khoa học quản lý môi trường thực hiện đề tài "Quan trắc các ô định vị Rừng ngập mặn (RNM) - Lượng giá hệ sinh thái RNM và bảo tồn Hệ sinh thái đất nước ở khu vực VQG Xuân Thuỷ". Ngoài ra, BQL VQG Xuân Thuỷ hợp tác với IUCN - Mangrove for future (Chương trình RNM cho tương lai) thực hiện dự án “Xây dựng và tổ chức thực thi cơ chế đồng quản lý sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn ở khu vực VQG Xuân Thủy”. Hiện, gói thầu xây lắp số 4 và gói thầu thiết bị cho các công trình kiến trúc Khu Trung tâm hành chính - dịch vụ thuộc dự án xây dựng cơ bản vùng lõi cũng đang được thực hiện với các công trình: xây dựng 3 cầu trên tuyến đường trục I - Cồn Ngạn, xây dựng và lắp đặt thiết bị cho nhà giáo dục môi trường, Nhà công vụ, Nhà dịch vụ và các công trình phụ trợ tại Khu Trung tâm hành chính dịch vụ của VQG Xuân Thuỷ... Dự án vùng đệm cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt bổ sung các hạng mục công trình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của cộng đồng vùng đệm. Dự án này đã hoàn thành việc thiết kế, các thủ tục đấu thầu thi công gói xây lắp số 3 cho giai đoạn 2011-2013; giải ngân hoàn chỉnh kinh phí năm 2011 và tổ chức thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng các hạng mục công trình mới đường trục qua 5 xã cùng các công trình phúc lợi khác…

Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com