Sức trẻ ở làng nghề truyền thống

08:01, 25/01/2012

Mùa xuân đang về trên các làng nghề truyền thống với không khí lao động nhộn nhịp của những đơn hàng cuối năm. Và ở nhiều làng nghề trong tỉnh còn có một mùa xuân khác, đưa đến sức sống mới cho những làng nghề đã ra đời từ hàng trăm năm, đó là lớp người trẻ đang miệt mài gắn bó, làm giàu với nghề ông cha, góp phần vào sự hưng thịnh của các làng nghề hôm nay.

Những thanh niên làm giàu từ nghề truyền thống

Mô hình vườn cây cảnh của thanh niên làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực).
Mô hình vườn cây cảnh của thanh niên làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực).

Kế thừa nghề gia truyền từ đời trước để lại, nhiều thanh niên làng nghề hiện nay không chỉ có thu nhập cao mà còn giúp nhiều lao động trẻ khác có việc làm ổn định. Cty TNHH Tân Thiên Phú chuyên sản xuất máy, thiết bị nông nghiệp của Trần Kiều ở làng cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) khá nổi tiếng. Theo đuổi ước mơ đầu đời, Kiều đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2002, ngay khi tốt nghiệp đại học, Kiều đã thành lập và trở thành giám đốc Trung tâm tin học Fly có chức năng đào tạo phổ cập, giới thiệu sản phẩm, thiết bị tin học và viết, cung cấp phần mềm tại 4 huyện phía nam tỉnh. Nhưng rồi những thăng trầm cuộc sống đã gắn bó cuộc đời anh với nghề truyền thống. Năm 2007, làng nghề cơ khí Xuân Tiến quê anh đang bước vào thời kỳ phát đạt, bạn bè đồng lứa với anh nhiều người đã lập nghiệp, thành danh chính từ nghề tổ. Bản thân anh dù theo đuổi nghiệp tin học, nhưng trong ký ức tuổi thơ vẫn thấm đẫm tiếng búa quai đe, sắc rực đỏ và sức nóng nung người của bễ lò rèn. Kiều xây dựng kế hoạch rồi xin ý kiến gia đình, bạn bè, người thân. Cuối năm 2007, Cty TNHH Tân Thiên Phú ra đời tại xóm 6, xã Xuân Tiến. Cũng từ thời điểm này, làng nghề Xuân Tiến đóng góp thêm cho xã hội nhiều sáng kiến, phát minh về các sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp. Nói về kết quả sáng tạo của mình, Kiều chỉ lý giải đơn giản “Vì tìm thấy có sự say mê, vì quyết tâm lập nghiệp!” nhưng chính những bạn nghề, gia đình và cả những người thợ đang làm thuê cho anh cho biết để có những sản phẩm ấy là quá trình lao động miệt mài. Họ đã chứng kiến việc Kiều hàng tháng trời, ngày thì lăn lộn ngoài đồng, dọ dẫm với chuồng trại; tối về lại miệt mài cả đêm với bản vẽ, với máy vi tính để cho ra đời những chiếc máy thay thế sức lao động thủ công của người nông dân. Chưa hết, cứ nghe ở đâu hay thị trường có loại máy nông nghiệp nào mới xuất hiện là anh tìm đến xem bằng được để tìm tòi các thông số. Sau đó, lại miệt mài suốt đêm, ngày để cải tiến, đưa ra những chiếc máy có giá thành rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo công năng. Cũng từ đó đã tạo ra những máy xay, máy sấy, máy nghiền, máy trộn ép cám, kể cả đến máy băm bèo, thái chuối… Đến năm 2011, Cty TNHH Tân Thiên Phú đã có số vốn kinh doanh vài tỷ đồng với hệ thống máy móc đồng bộ cho hơn 20 lao động làm không hết việc. Có vô vàn những vấp ngã trên con đường lập nghiệp mới mà Trần Kiều đã kể, lần nào cũng khắc nghiệt nhưng qua đó anh càng say hơn với nghề truyền thống, tự hào vì giữ được “lửa” nghề tinh hoa của tổ tiên.

Đến làng đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên), tôi gặp anh Nguyễn Văn Tự, sinh năm 1981, thầy giáo sau gần 10 năm đứng trên bục giảng nay trở thành chủ doanh nghiệp đúc đồng Tân Phú. Anh tâm sự: “Tôi chưa lúc nào nghĩ sẽ thôi dạy học nhưng có lẽ là cơ duyên với nghề truyền thống được truyền qua bao đời của gia đình là sợi dây gắn bó khó có thể dứt bỏ. Sau khi xuất ngũ, bố tôi là thương binh hạng 2/4, sức khỏe ngày càng suy giảm, không đủ sức để tiếp tục làm nghề. Không can tâm để nghề truyền thống mai một, sau bao đêm trăn trở, tôi xin nghỉ dạy về nối nghiệp cha ông”. Và mạch nguồn nghề truyền thống như có sẵn trong huyết quản, anh nhanh chóng nắm bắt được những kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh. Hàng ngày anh thức khuya, dậy sớm cùng người thợ, miệt mài trên những nẻo đường gần xa thậm chí là sang tận Lào, Trung Quốc để tìm nguồn hàng. Đến nay, anh đã là chủ doanh nghiệp với hệ thống nhà xưởng hơn 1.000m2, tạo việc làm ổn định với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng cho 25 lao động.

Anh Trần Kiều, giám đốc Cty TNHH Tân Thiên Phú, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Anh Trần Kiều, giám đốc Cty TNHH Tân Thiên Phú, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Ở làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh Việt Nam hiện có khoảng 10 thanh niên tuổi đời dưới 35 nhưng đã có vườn cây cảnh trị giá hàng chục tỷ đồng và hàng trăm vườn cây giá trị hàng tỷ đồng chủ yếu do thanh niên làm chủ. Những thanh niên mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã trải qua không ít khó khăn, thăng trầm để có thể giữ gìn và làm rạng danh nghề truyền thống như ngày hôm nay. Ngoài những thế cổ được ông cha truyền lại, những nghệ nhân trẻ còn không ngừng sáng tạo nên những dáng, thế mới, hiện đại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, khẳng định "thương hiệu" cây cảnh Vị Khê có mặt khắp trong và ngoài nước. Nhiều người thưởng lãm trầm trồ thán phục với sự khéo léo của các nghệ nhân khi uốn tỉa ra những khuôn hình chim thú, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh,… tài tình. Và cũng không ít người ngưỡng vọng trước khối tài sản lên tới vài chục tỷ đồng… Gặp và trò chuyện cùng những người thanh niên trẻ nơi đây tôi cảm nhận được một tài sản lớn lao hơn mà họ có, đó là tình yêu với nghề truyền thống của ông cha. Người xưa có câu: Chơi đồ cổ để giữ "thần", chơi cây cảnh để giữ "lễ". Để gần gũi, "chơi" và sáng tạo được những tác phẩm cây cảnh, người thợ cần có một tâm hồn trong sáng, bình an để cảm nhận được những tinh túy của đất trời tích tụ vào mỗi thân cây. Nhìn những tỷ phú trẻ say sưa, tỉ mỉ uốn nắn từng gốc cây tôi cảm nhận được tâm hồn thanh khiết của bậc tiền nhân được lưu giữ trên mỗi góc vườn, nhành cây cùng triết lý nhân sinh sâu sắc được truyền qua bao đời chưa lúc nào bị lãng quên trong những người thanh niên ấy. Và chính sự gắn bó với nghề trồng hoa cây cảnh, hàng ngày thổi hồn vào từng dáng cây thô mộc đã tạo cho các anh sự ôn hoà, trầm tĩnh và dung dị đến kỳ lạ. Anh Nguyễn Minh Hoạt, chủ của vườn cây có giá trị hàng chục tỷ đồng tự hào chia sẻ về nghề truyền thống của ông cha mình: "Cái quý của nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống ở chỗ, không phải ai có tiền cũng chơi được. Ví như với thế cây trực, gia đình nào phải là gia đình có cách sống trung trực, có trước có sau với hàng xóm láng giềng. Hay với bộ tam đa, biểu hiện cả dòng họ cùng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Với triết lý nhân sinh ấy, đến với Vị Khê, không phải cứ đưa ra bạc triệu là có thể mua được bất cứ cây cảnh nào". Điều cao quý ấy, dù đã trải qua hàng trăm năm lịch sử vẫn luôn được các nghệ nhân của Vị Khê ý thức rất sâu sắc.

Điểm chung của những người trẻ đã thành công chính là quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề cha ông để lại, và có một niềm tin tưởng vững chắc vào tương lai của làng nghề.

Để lớp trẻ gắn bó với nghề truyền thống

Quá trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống đang đặt ra những thách thức mới. Trong mối lo ngại nghề truyền thống mai một, việc giữ được làng nghề hơn lúc nào hết càng trở nên cấp bách. Đây không chỉ là cách để phát triển kinh tế, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa của từng vùng miền, mỗi địa phương. Trong khi lớp nghệ nhân tâm huyết đang ngày càng già đi và ít tham gia vào sản xuất, lớp trẻ có xu hướng xa quê, tìm hướng phát triển, thì việc giúp thanh niên làng nghề khởi nghiệp với nghề truyền thống là một hướng đi cần thiết để vực dậy sự hưng thịnh của các làng nghề. Hướng thanh niên làng nghề ý thức hơn về tầm quan trọng và lợi ích kinh tế của việc phát triển làng nghề, đầu tư xứng đáng cho việc đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho làng nghề truyền thống... là những động thái đang được tính đến để cùng người trẻ làm hưng thịnh nghề truyền thống.

Toàn tỉnh hiện có hơn 80 làng nghề truyền thống. Các mặt hàng thủ công truyền thống có rất nhiều tiềm năng về thị trường trong nước và quốc tế. Để thúc đẩy sự phát triển của làng nghề truyền thống thì vai trò các đoàn thể rất quan trọng. Các tổ hợp tác do các hộ gia đình hợp lại hoạt động rất hiệu quả: Giúp đỡ nhau trong việc nhận đơn hàng, gia công mẫu mã, thiết kế, mua nguyên liệu, bán sản phẩm... Hợp tác xã thì hoạt động với quy mô lớn hơn, giúp cho việc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, tổ chức liên doanh liên kết. Đặc biệt, trong làng nghề truyền thống, với việc sản xuất phân tán, các tổ hợp tác và hợp tác xã là những vệ tinh, đầu mối để các cơ sở này phát triển. Mối quan hệ giữa hợp tác xã với doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp làm nghề truyền thống ở nhiều khâu. Hợp tác xã cũng liên kết với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... để giúp các hộ gia đình làm nghề truyền thống. Những đơn hàng ngày càng lớn về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (mà hầu hết được sản xuất tại các làng nghề truyền thống) cả trong và ngoài nước khiến việc đào tạo đội ngũ thợ có tay nghề giỏi đang trở thành yêu cầu ngày càng cấp bách. Việc truyền nghề tại các làng nghề cũng đứng trước yêu cầu phải mới hơn cách làm lâu nay, trong đó vai trò của những nghệ nhân cao tuổi cần được quan tâm hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, trong đó chú trọng đến vai trò của nghệ nhân là một ưu tiên cần được tính đến trong thời gian tới. Với mỗi làng nghề, việc hệ trọng nhất là đảm bảo cho các sản phẩm thủ công của làng ngày càng phát triển mà vẫn giữ được đặc trưng vốn có. Các nghệ nhân cao tuổi là người nắm giữ nhiều kinh nghiệm bí quyết nghề nghiệp, là mắt xích đầu tiên của quá trình đào tạo, hành nghề và lưu giữ. Chính vì vậy, người trẻ có trách nhiệm đứng ra tổ chức việc tạo nên một không gian rộng mở cho nghệ nhân cao tuổi hoạt động truyền dạy kinh nghiệm làng nghề. Đây cũng là một việc làm cho thanh niên làng nghề thấy được nếu “trụ” lại với làng nghề cũng là một trọng trách của mình và được xã hội đánh giá cao.

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, việc đưa các sản phẩm vượt khỏi lũy tre làng, tới nhiều địa phương và vươn ra với thế giới nằm trong tay lớp trẻ, là những người có kiến thức, có khả năng giao tiếp và đặc biệt là có khát vọng vươn cao trong xã hội. Tương lai của làng nghề truyền thống sẽ khả quan nếu thanh niên làng nghề được khích lệ, được quan tâm đầu tư. Một mùa xuân mới lại đến ghi thêm tuổi đời của các làng nghề và lớp thanh niên trẻ nơi đây như những mầm xanh căng tràn sức sống đang cùng “thắp lửa” nghề ông cha./.

Bài và ảnh: Thúy Ngần



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com