“Đi trông đường”

04:10, 27/10/2011

- A, chào các bác, may quá, chúng em chỉ lo mọi người không lên kịp, bác để em đỡ xe cho - Bố, mẹ tôi vừa mau mắn đỡ chiếc xe máy từ tay ông bác đang lùng tùng trong chiếc áo mưa lướt thướt, vừa hỏi: ở quê vẫn còn mưa à, sao em nghe bảo tạnh từ hôm qua mà?

- Tạnh rồi, nhưng chúng tôi vẫn phải mặc áo mưa, chứ không thì có bộ cánh đẹp đi ăn cưới cô cháu “gái rượu” lên đến đây lại bẩn hết.

Vừa giũ áo mưa, bác tôi vừa giải thích: cô chú lạ gì đường về quê mình, mang tiếng là đường nhựa cả, nhưng có mấy đoạn nhà dân làm kín hai bên đường, nước mưa không có chỗ thoát, cứ động mưa to là lại ngập, cả ngày sau chưa rút hết nước. Nhất là khu vực chợ Dần đấy. Chả hiểu ngành giao thông và các cơ quan quản lý tính toán thế nào lúc cấp đất cho dân làm nhà hai bên đường, đường không có cống, rãnh thoát nước. Đã thế nhiều nhà dân lại còn làm đường ống thoát nước mái nhà ở phía trước cho chảy ra đường nên mỗi lần mưa đường càng nhanh ngập. Trong khi đó, nhiều người đi đường bây giờ thiếu ý thức quá. Lái ô tô, xe máy đi qua chỗ ngập nước đáng nhẽ phải giảm tốc độ, thì lại cứ giữ tốc độ cao, nhiều cậu thanh niên lại có vẻ muốn biểu diễn tốc độ, tài nghệ “xé gió” nữa, qua đoạn có nước cứ lao vút đi, nước tóe ra hai bên bắn cao hơn cả đầu người, chỉ báo hại những người đi bộ và đi xe đạp. Mà nhiều anh ăn mặc rõ lịch lãm ngồi trong xe ô tô cứ thế là lao ào qua vũng nước theo kiểu “sống chết mặc bay”, chả để ý đến ai đó đang “lĩnh đủ” nước bẩn dưới đường bắn lên vì hành vi thiếu văn hóa của mình.

Chị Hà, con gái bác phân trần: nhà cháu đáng lẽ lên sớm rồi, nhưng mấy đoạn phải đi chậm, có khi phải dừng hẳn lại cho họ đi qua mới dám đi tiếp đấy. Khổ thân có hai cháu bé đi học mặc áo trắng đồng phục, bị hai thanh niên đi xe máy phóng ào qua, nước bẩn té ướt từ đầu đến chân lem nhem cả, một cháu không giữ được tay lái ngã bẩn hết cặp sách, may mà không bị thương gì. Người dân hai bên đường giận quá nhưng đuổi theo không kịp vì nước ngập.

Gấp gọn chiếc áo mưa, bác trai nói thêm: mà cứ vài trận mưa ngập nước như thế này, từ nay đến cuối năm nhiều đoạn đường chắc cũng nát bét thôi. Chú bảo, mấy ông cán bộ giao thông về địa phương hướng dẫn cách bảo trì đường giao thông nông thôn thì giảng cho chúng tôi rằng nước ngập, nước đọng là “kẻ thù” của đường, vì chỉ một rạn nứt nhỏ trên mặt đường làm nước ngấm xuống phá dần kết cấu thân và móng đường từ bên trong, khi có xe đi lại hàng ngày tác động lực lên là một “ổ gà”  nhỏ sẽ nhanh chóng thành “ổ voi, ổ trâu” ngay thôi mà. Ở trong dong xóm, mỗi khi có mưa chúng tôi đều phải xẻ rãnh cho thoát nước nhanh thì mới giữ được đường để mà đi chứ. Ấy vậy mà trên đường lớn thì lại để ngập như thế. Mà các hộ dân kinh doanh hai bên đường ở khu vực chợ cũng khổ, thiệt hại tính sao cho hết. Nước ngập khách đã ngại vào hàng, lại gặp phải mấy trường hợp đi đường thiếu ý thức đó làm tóe hết nước bẩn lên hàng hóa thì còn bán chác gì!

Mấy người khách dự đám cưới nghe chuyện chêm vào:

- Đúng đấy các bác ạ, đoạn đường trước cửa nhà em cũng bị ngập cục bộ kiểu đó, khổ ghê lắm, mỗi khi mưa to là cứ phải đóng cửa suốt cho đến lúc hết ngập. Mà chỗ ấy có phải do mình đâu, đường lún “cao su” võng xuống. Có lần định mang xà beng ra đục lỗ cho nước ngấm xuống rút nhanh thì lại bị nhắc nhở là làm sai luật, vi phạm công trình nhà nước không được tự ý đào rãnh. Khổ lắm, có hôm vừa mở cửa để đi làm, gặp chiếc xe ào qua thế là “ôi thôi”, bẩn từ đầu đến chân, mở được mắt ra thì “kẻ” gây họa đã phóng mất dạng.

Các cụ xưa dạy văn hóa ứng xử “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Đi đường cũng phải có văn hóa “trông đường mà đi”, không thể viện cớ lo được việc mình mà không “đếm xỉa” đến những người đi đường khác gây nguy hiểm, khó khăn cho họ. Vấn đề này phải được tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở thường xuyên, liên tục, từ mỗi gia đình, khu phố. Tất nhiên, ngành giao thông cũng phải nâng cao trách nhiệm, chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp có chức năng quản lý các công trình giao thông, không để tình trạng đường đọng nước tràn lan, kéo dài như ở một số tuyến đường hiện nay./.

Vân Anh

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com