Thực hiện chính sách người có công: Nhiều vướng mắc từ văn bản

08:10, 21/10/2011

Những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương luôn quan tâm, điều chỉnh kịp thời việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công (NCC) theo yêu cầu thực tiễn. Song do thời gian đã lâu nên đến nay nhiều người có công nhưng không lưu giữ đầy đủ giấy tờ, dẫn đến quá trình làm thủ tục để xét duyệt chính sách gặp nhiều khó khăn. 

Cán bộ Phòng NCC (Sở LĐ-TB và XH) trao đổi nghiệp vụ xét duyệt hồ sơ người có công.
Cán bộ Phòng NCC (Sở LĐ-TB và XH) trao đổi nghiệp vụ xét duyệt hồ sơ người có công.

Nguyên nhân là do một số văn bản hướng dẫn triển khai của cấp có thẩm quyền không kịp thời, đồng bộ dẫn đến địa phương khó triển khai. Sau hơn một năm khi Pháp lệnh về chính sách ưu đãi NCC có hiệu lực thì các Nghị định số 54/2006, Nghị định số 89/2007 mới được ban hành... Hoặc một số quy định chồng chéo khó giải quyết như Nghị định số 49/2010 và Thông tư liên bộ số 29/2010 hướng dẫn chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là con NCC rất khó thực hiện. Có diện đối tượng chưa quy định rõ về tiêu chuẩn giải quyết chính sách, điều kiện xác nhận, hoặc quy định chưa đầy đủ như độ tuổi hưởng trợ cấp tuất đối với thân nhân thương, bệnh binh chết (Nghị định 54/2006 quy định khi đến tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tuất nhưng văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB và XH lại quy định khi thương, bệnh binh chết thì thân nhân tại thời điểm đó đủ tuổi quy định mới được hưởng trợ cấp tuất chứ không quy định chờ đến đủ tuổi cho hưởng, rất khó cho cơ quan làm chính sách, gây thắc mắc trong nhân dân). Cũng trong Nghị định 54/2006 có quy định, NCC bị phạt tù không thuộc tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc bị phạt tù chung thân thì được giải quyết hưởng lại các chế độ ưu đãi khi đã hoàn thành thời gian chấp hành hình phạt. Nhưng trước đó, Nghị định số 28/CP quy định, NCC phạm tội bị phạt tù trên 5 năm thì không được giải quyết trợ cấp. Thông tư của Bộ LĐ-TB và XH hướng dẫn thi hành Nghị định lại quy định: “NCC với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi bị kết án tù trên 5 năm có thời gian chấp hành hình phạt tù quy định tại bản án kéo dài đến sau ngày 30-9-2005 thì được hưởng chế độ ưu đãi…”. Quy định này được hiểu là trước thời gian đó thì các đối tượng này không được hưởng, gây thắc mắc trong nhân dân. Một thực trạng khác là văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên chưa thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật như hướng dẫn của Cục NCC (Bộ LĐ-TB và XH) hướng dẫn về đối tượng tham gia kháng chiến ở vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học phải đồng thời sinh con dị dạng, dị tật và có bệnh theo danh mục do Bộ Y tế quy định (17 bệnh) mới được giới thiệu đi khám và giải quyết chế độ, không phù hợp và thống nhất với Nghị định và hướng dẫn tại Thông tư 08/2009. Đặc biệt hiện nay, mặc dù Bộ Y tế quy định danh mục 17 bệnh do chất độc hóa học nhưng cơ quan giám định y khoa của tỉnh mới có thể giám định được 3 bệnh, các bệnh còn lại theo như ý kiến của lãnh đạo ngành Y tế thì chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ và cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng không đủ năng lực. Hồ sơ bệnh án của ngành Y tế là “đầu vào” công việc cho các ngành liên quan trong giải quyết chính sách NCC, ách tắc ở khâu này gây chậm trễ, khó khăn cho việc giải quyết tiếp theo. Trong khi đó đối tượng NCC đều đã cao tuổi, điều kiện kinh tế, sức khỏe hạn chế, nạn nhân chất độc da cam/điôxin thì chịu nhiều gánh nặng do di chứng đến các thế hệ thứ hai, thậm chí thế hệ thứ ba. Nếu không sớm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục thì có những đối tượng không kịp hưởng chính sách, và việc giải quyết chế độ cho người liên quan cũng sẽ khó khăn khi đối tượng không còn. Trong việc quy định chế độ hiện nay, con của người bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chính sách ưu đãi như con thương, bệnh binh trong khi thực tế tổn hại sức khỏe và di chứng do ảnh hưởng của chất độc hóa học thì có khi còn nặng nề, nan giải hơn.

Liên quan đến hồ sơ thủ tục cũng có nhiều vướng mắc trong việc xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách. Các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC hiện hành đều quy định việc công nhận, xác nhận đối tượng phải căn cứ trên giấy tờ chứng lý gốc, trong khi nhiều đối tượng thực tế nhưng không bảo quản, giữ gìn được giấy tờ, nhất là các diện đề nghị xác nhận liệt sỹ thời kháng chiến chống Pháp và người hoạt động kháng chiến trong vùng Mỹ có sử dụng chất độc hóa học. Có trường hợp, lãnh đạo Hội CCB, Hội Cựu TNXP biết rõ là có công và thuộc diện đối tượng nhưng vì không đủ chứng lý theo quy định nên không thể làm gì được. Hay việc quy định “hành động dũng cảm” trong việc xác nhận thương binh theo khoản 4, 5 Điều 11 Nghị định 54/2006 chưa rõ ràng: căn cứ vào đâu, cơ quan nào xác nhận hành động đó là dũng cảm hay không? Hay trường hợp liệt sỹ là thương binh chết do vết thương tái phát: Nếu đối tượng đang điều trị tại bệnh viện mà chết thì có xác nhận của bệnh viện, nhưng có trường hợp gia đình xin về khi biết chắc chắn người bệnh không qua khỏi, đối tượng chết tại nhà nên không có xác nhận của bệnh viện và không được công nhận là liệt sỹ vì không đủ căn cứ theo quy định mặc dù đúng là chết do vết thương tái phát. Đặc biệt khó khăn hiện nay trong việc giải quyết chế độ cho nạn nhân chất độc hóa học: như quy định về giám định các bệnh do chất độc hóa học vượt quá khả năng của cơ quan chuyên môn địa phương, hoặc nhiều đối tượng nay đã cao tuổi, hết tuổi lao động nhưng quy định vẫn phải giới thiệu đi giám định sức khỏe là không cần thiết (vì không quy định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tối thiểu để làm căn cứ giải quyết trợ cấp). Nhiều trường hợp do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến vô sinh đã có xác nhận của bệnh viện chuyên khoa và chính quyền địa phương nhưng vẫn yêu cầu giám định y khoa trong khi cơ quan giám định y khoa lại không thực hiện việc giám định này. Về chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình cũng có nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, kết quả các lần giám định có thể không khớp nhau do nhiều nguyên nhân (diễn biến thương tật, trình độ năng lực thiết bị giám định…), cơ quan giải quyết chế độ không biết căn cứ vào kết luận nào để áp dụng chế độ.

Quy định chặt chẽ là để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách, “lách luật” để hưởng trợ cấp của Nhà nước, gây mất công bằng, ảnh hưởng đến an sinh, ổn định xã hội. Trên thực tế, hiện tượng này đã có, nhất là trong hai, ba năm trở lại đây khi Nhà nước quan tâm mở rộng diện đối tượng được hưởng, như: Tình trạng xin làm con nuôi đối tượng chính sách, lợi dụng quy định quyền lợi của con nuôi như con đẻ vì các chính sách ưu đãi về giáo dục dành cho con NCC là rất lớn. Hay tình trạng tăng đột biến hàng chục nghìn hồ sơ đối tượng có công trong một thời gian ngắn khi quy định nới lỏng về xác nhận đối tượng (chỉ cần có hai người cùng đơn vị xác nhận)… Nhưng nếu các văn bản hướng dẫn thiếu chặt chẽ hoặc có những mâu thuẫn thì sẽ gây khó cho việc thực hiện ở cơ sở. Vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã về khảo sát tình hình thực hiện chính sách NCC ở tỉnh ta, đặc biệt chú ý thu thập các kiến nghị về những bất cập phục vụ cho việc sửa đổi pháp lệnh tới đây. Trước mắt, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành LĐ-TB và XH và các ngành hữu quan cần tiếp tục quan tâm, thực hiện đúng chỉ đạo về chính sách NCC, nêu cao tinh thần trách nhiệm với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho những người đúng diện. Đặc biệt cấp cơ sở từ thôn, đội, xã sát nhất với các đối tượng, biết rõ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm không để người có công bị thiệt, cũng như không để ai lợi dụng chính sách Nhà nước trục lợi./.

Bài và ảnh: Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com