Thực hiện các giải pháp quản lý đất đai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới

09:09, 29/09/2010
Đặng Văn Tác
TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường

Ngày 3-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 bãi bỏ các cơ quan công sở của thực dân Pháp, trong đó Sở Trước bạ, văn tự, quản chủ điền thổ và trực thu được giao cho Bộ Tài chính tiếp quản. Từ đó đến nay, ngành quản lý đất đai nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đã không ngừng xây dựng và từng bước trưởng thành. Ngày 11-6-2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 850/QĐ-TTg lấy ngày 3-10 hàng năm là ngày truyền thống ngành Quản lý đất đai Việt Nam.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo phòng chuyên môn lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2015.  Ảnh: Hoa Đức
Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo phòng chuyên môn lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2015.
Ảnh: Hoa Đức

Nhìn lại chặng đường 65 năm đã qua, ngành Quản lý đất đai nước ta đã có nhiều chuyển biến và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 1985, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc đo đạc, chỉnh lý bản đồ, phân hạng ruộng đất. Ngày 29-12-1987, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai đầu tiên và có hiệu lực từ năm 1988 Bộ luật đã thể chế hóa cụ thể các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư… về đất đai. Những năm 1991-1993, toàn ngành tập trung tham gia thực hiện 2 nhiệm vụ lớn, đó là: Lập hệ thống hồ sơ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị số 364 của Hội đồng Bộ trưởng và giao ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ gia đình, cá nhân theo Quyết định số 115, ngày 15-2-1991 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh. Luật Đất đai năm 1993 ban hành quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan địa chính ở địa phương. Trên cơ sở đó, ngày 6-9-1993 UBND tỉnh có Quyết định số 479 chuyển Chi cục quản lý đất đai thuộc Sở NN-PTNT về trực thuộc UBND tỉnh. Ngày 3-6-1994, UBND tỉnh có Quyết định số 468 đổi tên Chi cục quản lý đất đai Nam Hà thành Sở Địa chính Nam Hà. Thời kỳ này, toàn ngành tập trung thực hiện Luật Đất đai năm 1993. Trong đó tập trung vào việc điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hạng đất; lập bản đồ địa chính; quy hoạch và kế hoạch hóa việc sử dụng đất; ban hành và tổ chức thực hiện nội dung các văn bản pháp luật về quản lý sử dụng đất; giao, cho thuê và thu hồi đất; đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ, sổ địa chính, quản lý các hợp đồng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất, cấp GCN QSDĐ… Năm 1996, ngành quản lý đất đai Nam Định được đánh giá là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về đo đạc lưới địa chính, tỉnh đầu tiên hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống hồ sơ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 của Hội đồng Bộ trưởng và là tỉnh đầu tiên trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Bên cạnh đó, ngành đã cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh, xử lý quỹ đất dự trữ khi giao ruộng đất ổn định lâu dài cho nông dân; lập hồ sơ địa chính để cấp GCN QSDĐ ở khu dân cư cho các xã, thị trấn trong tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai vẫn còn một số tồn tại: Việc giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài được thực hiện đồng loạt trên diện rộng nhưng không có hồ sơ địa chính để theo dõi, đã dẫn đến khó khăn cho việc lập hồ sơ địa chính cấp GCN QSDĐ nông nghiệp sau này; tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai và tồn đọng tiền sử dụng đất diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi; khu vực TP Nam Định không có bản đồ địa chính, hồ sơ để phục vụ công tác quản lý… Từ năm 2001-2003, toàn ngành đã tích cực thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001. Ngày 30-5-2003, Sở Tài nguyên - Môi trường Nam Định được thành lập theo Quyết định số 1462/2003/QĐ-UB trên cơ sở tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của Sở Địa chính; tiếp nhận tổ chức, nhiệm vụ về quản lý môi trường từ Sở Khoa học; tài nguyên khoáng sản từ Sở Công nghiệp và tài nguyên nước từ Sở NN-PTNT. Qua nhiều lần sắp xếp, kiện toàn tổ chức, đến nay, bộ máy của ngành đã ổn định, với 13 đơn vị trực thuộc sở và 6 đơn vị khối sự nghiệp. Ở cấp huyện có Phòng Tài nguyên - Môi trường trực thuộc UBND các huyện, thành phố và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường là những đơn vị hoạt động có tính chất dịch vụ công. Ở cấp xã, phường, thị trấn có cán bộ địa chính với chức năng xây dựng và thực hiện nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường. Nhờ đó, ngành đã quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai để phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai, góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Hiện nay, 100% số xã trong tỉnh đã có bản đồ địa chính, trong đó 145 xã, phường, thị trấn có bản đồ địa chính chính quy; 10 huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất và lưu trữ trên máy. Hoàn thành việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 được HĐND tỉnh thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với phương châm dành đất để phát triển công nghiệp và bảo đảm duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp. Tổ chức thực hiện lập hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) ở cả 3 cấp; thực hiện việc kiểm kê quỹ đất 5 năm (2005-2010) và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của tỉnh. Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh trong công tác điều tiết các nguồn lợi từ đất thông qua các chính sách tài chính như: thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu thuế sử dụng đất, thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Những năm qua, từ việc giao đất cho nhân dân làm nhà ở theo hình thức đấu giá đã có nguồn thu gần 2000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác cấp GCN QSDĐ bình quân của toàn tỉnh được 95%; thủ tục cấp ngày càng đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý của từng mảnh đất cụ thể…

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, ngành Tài nguyên - Môi trường tiếp tục tập trung hoàn thiện việc lập quy hoạch sử dụng đất, giai đoạn 2010-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2010-2015) ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất cho các dự án đầu tư phát triển; thẩm định hồ sơ thu hồi đất và phân loại nguồn gốc sử dụng đất. Xây dựng bảng giá các loại đất hàng năm trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua và ban hành. Tập trung cấp GCN QSDĐ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo; đất nông nghiệp sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa. Tổ chức thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính của 60 xã, thị trấn và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại 229 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Thực hiện công tác cấp GCN QSDĐ ở, đo đạc lập hồ sơ địa chính, giải phóng mặt bằng… Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường hàng năm, phấn đấu đến năm 2015, các xã, thị trấn đều có bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung. Thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, với định hướng tầm nhìn 2020 của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Để hoàn thành những mục tiêu trên, ngành chủ động phối hợp với các ban, ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Luật Đất đai năm 2003, Luật Môi trường năm 2005… trong nhân dân. Tập trung điều tra, hướng dẫn các địa phương giải quyết những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ để hoàn thiện công tác cấp GCN QSDĐ ở cho nhân dân trong thời gian tới. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hồ sơ, bản đồ địa chính ở các xã, phường, thị trấn. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các dự án trọng điểm của tỉnh. Thực hiện tốt chức năng đánh giá, thẩm định hồ sơ đánh giá tác động về môi trường các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển, thực hiện chiến lược quản lý dải ven bờ. Xây dựng thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra về tài nguyên và môi trường hàng năm, trong đó tập trung chấn chỉnh việc khai thác trái phép cát sông, sa khoáng ven biển và đất làm vật liệu xây dựng…

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com